Tiếng Việt | English

24/12/2016 - 07:53

Từ truyện đến phim: Cần cái nhìn mở

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận

Trên thế giới, không ít tác phẩm điện ảnh kinh điển chuyển thể từ tác phẩm văn học như Chuông nguyện hồn ai, Đèn lồng đỏ treo cao, Rừng Na Uy, Triệu phú khu ổ chuột,... Và hiện nay, ở Việt Nam, những bộ phim màn ảnh rộng được chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng tạo nên dấu ấn trong lòng công chúng như phim Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ (cũng được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), Vĩnh cửu của đạo diễn Trần Anh Hùng (chuyển thể từ tác phẩm Nét duyên góa phụ của Alice Ferney) và sắp tới đây là phim Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) sẽ được công chiếu vào dịp Valentine 2017,... Có thể nói, việc chuyển thể tác phẩm điện ảnh từ tác phẩm văn học mang đến không ít thành tựu nhưng cũng không ít băn khoăn.

Có thể thấy, sau phim Cánh đồng bất tận, người xem mới có những thay đổi trong suy nghĩ tích cực về dòng phim chuyển thể vì trước đây, khi nói đến phim chuyển thể từ tác phẩm gốc thì nhiều ý kiến cho rằng, phim chuyển thể sẽ không hay, kém xa với tác phẩm gốc. Tuy vậy, đến phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ được công chiếu vào năm 2015 thì có sự tác động mạnh mẽ hơn khi đại thắng ở các phòng chiếu cũng như nhận được rất nhiều lời khen từ các nhà chuyên môn. Cũng cần nhìn nhận, phim cho dù có chuyển thể từ tác phẩm văn học thì phim và truyện cũng là hai loại hình nghệ thuật khác nhau, sự sáng tạo khác nhau ở mỗi lĩnh vực. Chất liệu chính của văn học là ngôn từ, còn phim là hình ảnh. Chính vì vậy, thật khiên cưỡng khi so sánh tác phẩm điện ảnh không thể chuyển tải hết nội dung tác phẩm văn học.

Nhà nghiên cứu, nhà văn Phan Nhật Chiêu nêu quan điểm của mình: “Đạo diễn chỉ xem tiểu thuyết của nhà văn như là chất xúc tác. Chỉ dựa vào chất xúc tác làm phim thôi, không cần trung thành với nó. Trường phái thứ hai là trung thành, truyện có gì thì cố gắng thể hiện đúng như thế. Không sửa lại, không cải biên nhiều, không làm người ta không nhận ra tác phẩm. Nghĩa là khi xem phim rồi thì thấy giống như đọc truyện, cũng có đúng những tình tiết theo thứ tự như thế, cũng có đúng những diễn biến như thế. Còn có những tác phẩm truyện, tiểu thuyết lên phim không nhận ra nguyên tác. Quan điểm của tôi là người làm phim phải có tự do, không nhất nhất phải theo lệnh của tác giả văn học”.

Để làm tốt việc chuyển thể tác phẩm, nhà nghiên cứu biên kịch điện ảnh, Tiến sĩ Đào Lê Na gợi ý với các nhà biên kịch trẻ: “Đọc từ tác phẩm biên kịch đó, mình tiếp nhận được cái gì thôi thúc mình muốn làm phim thì mình giữ cái đó. Từ tác phẩm văn chương, mình thấy những hình ảnh, những câu văn nào biết là có thể làm rõ cái mình tiếp nhận thì nên giữ lại để khi người xem xem vào cũng thấy sự đồng điệu nào đó với tác phẩm văn chương. Nếu muốn làm bộ phim để người xem thấy được vẻ đẹp cuộc sống mà trong tác phẩm văn học có những mô tả như vậy thì mình lấy những đoạn ấy để dựng lại thành hình ảnh. Nếu không có thì mình phải có cách làm mới theo riêng mình. Mình sẽ sáng tạo ra những hình ảnh khác nhưng nó phải bổ trợ cái mình tiếp nhận. Vấn đề là mình phải lấy được một điểm thôi và những tình tiết, chi tiết phải cấu trúc lại; cấu trúc lại tác phẩm điện ảnh đi theo cái đó chứ không phải sao chép”.

Để một bộ phim thành công, dù là chuyển thể hay nguyên tác thì vai trò của đạo diễn, diễn viên rất lớn, ngoài những yếu tố như kỹ xảo điện ảnh hay kịch bản tốt. Diễn viên không thể nói thoại như đọc trả bài mà phải là cách nhấn nhá, nhả chữ và đặt cái tâm của mình vào nhân vật. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - đạo diễn lập kỷ lục doanh thu phòng vé với Em là bà nội của anh nhấn mạnh vai trò của diễn viên trong diễn xuất lời thoại: “Diễn viên rất quan trọng trong việc nói câu thoại. Và một trong những cái mà rất nhiều diễn viên ở mình vì nhiều lý do chỉ học thuộc, lúc đóng phim, họ nói chứ không thật sự hiểu câu đó, tức là ẩn ý của câu thoại”.

Rõ ràng, áp lực từ nhiều phía là một thử thách khá lớn với các nhà làm dòng phim chuyển thể. Nhưng nói như đạo diễn phim Cô gái đến từ hôm qua thì áp lực đối với bản thân là thỏa mãn chính mình, tái hiện được những gì mình hình dung khi đọc tác phẩm văn học, đặc biệt làm khán giả thấy được mình trên màn ảnh, cảm nhận được gì từ bộ phim mới là điều quan trọng. Và có như vậy, tác phẩm mới sống trong lòng công chúng./.

Cát An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích