Tiếng Việt | English

28/07/2020 - 11:21

Từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện tái cơ cấu gắn với ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) theo hướng chú trọng hiệu quả và phát triển bền vững.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Long An, giai đoạn 2016-2020, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng chú trọng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, tỷ trọng lúa chất lượng cao ngày càng tăng. Sản lượng lúa bình quân 2,73 triệu tấn/năm. Lúa chất lượng cao năm 2019 đạt 1,37 triệu tấn, chiếm 49%; ước năm 2020 đạt 1,4 triệu tấn, chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa. Khu vực I (nông - lâm - thủy sản) giai đoạn này chiếm tỷ trọng 14,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 1,8%/năm.

Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương

Từ năm 2015, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó, có khoảng 18.000ha đất lúa kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại, nuôi thủy sản,… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa từ 2-3 lần, trong đó, nhiều nhất là chuyển đổi sang trồng thanh long với diện tích 4.600ha, chanh 4.100ha, mít 1.300ha, bưởi 220ha, sầu riêng 157ha, chuối 240ha,…; đồng thời chuyển sang nuôi và ươm giống thủy sản với khoảng 3.500ha. Đến nay, toàn tỉnh có 21.500ha lúa, 2.100ha thanh long ƯDCNC trong sản xuất.

Thời gian qua, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển KT-XH, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng cho biết: “Huyện xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ƯDCNC trong sản xuất phải thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, ngành nông nghiệp. Thời gian qua, huyện chuyển đổi hơn 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long và cây trồng khác: Mít, bưởi, mãng cầu,… Đồng thời, huyện tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào ứng dụng thực tiễn, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là trên các cây trồng lợi thế của huyện”.

Mặc dù hiện nay việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ, lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu còn thiếu đổi mới để thúc đẩy sản phẩm ra nước ngoài. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, trước tình hình đó, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp: Chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất các ngành hàng chủ lực của tỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn và nhu cầu thị trường; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm bảo đảm tính ổn định và bền vững của cây trồng chuyển đổi. Hiện các sở, ngành phối hợp địa phương tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

“Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập trên 1ha canh tác và thu nhập cho người dân. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mở hướng cho nông dân làm giàu trên đất lúa mà còn từng bước hình thành những vùng chuyên canh, đưa công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Đây chính là nền tảng để hướng tới một nền nông nghiệp đô thị xanh, hiện đại” - ông Truyền cho biết thêm./.

Huỳnh Phong - Kim Thoa

Chia sẻ bài viết