Tiếng Việt | English

07/12/2016 - 09:42

Tuyến đường xuyên Đồng Tháp Mười

Ngày trước, duy nhất có Đường tỉnh 49 (sau này nâng cấp lên Quốc lộ 62) là “độc đạo” xuyên Đồng Tháp Mười (ĐTM), tỉnh Long An. Ngày nay, có biết bao tuyến đường dọc ngang về với vựa lúa lớn nhất tỉnh. Một trong những tuyến đó là Đường tỉnh 817.

Chúng tôi “phượt” trên Quốc lộ 62 xuyên ĐTM, rẽ vào trung tâm thị trấn Thạnh Hóa rồi sang đường N2 để vào Đường tỉnh 817 băng qua xã Thuận Nghĩa Hòa, băng qua xã và Cụm dân cư Thạnh Phú, xe lăn bánh vào đoạn đường thảm nhựa chạy về xã Thạnh Phước (Thạnh Hóa) rồi sang địa phận huyện Mộc Hóa, bon bon qua xã Bình Phong Thạnh, Đường tỉnh 817 nghiêng qua phía bờ sông Vàm Cỏ Tây chạy về xã Bình Hòa Trung.


Một trong những hình ảnh ven sông Vàm Cỏ Tây qua xã Bình Hòa Trung (xa xa là vèo nuôi cá lóc trên sông)

Dưới mé sông, đây đó xuồng chèo, xuồng máy chất đầy lờ, lọp neo đậu sau chuyến đánh bắt trên đồng nước nổi ở bên kia sông trở về. Xã Bình Hòa Trung nằm giữa 2 xã Bình Hòa Đông và Bình Hòa Tây, được khai phá sớm và qua nhiều đời bồi đắp, cải tạo nên đất đai màu mỡ, ruộng vườn tốt tươi. Lãnh đạo xã cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm trước, năng suất lúa bình quân đạt 6,75 tấn/ha; dưa hấu 21 tấn/ha, đậu xanh mới trồng thử nghiệm 7,1ha cũng đạt 1,2 tấn/ha. Nhìn chung, nông dân thu được lợi nhuận khá.

Xã quy hoạch những cánh đồng lớn với diện tích trồng lúa chất lượng cao là 1.026ha, hiện có 135 hộ tham gia với tổng diện tích cánh đồng 250ha. Xã có 2 hợp tác xã (HTX): HTX Hương Trang do Tập đoàn Lộc Trời đầu tư (cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ kỹ thuật, giải quyết đầu ra sản phẩm là lúa chất lượng cao) và HTX Tiên Tiến chuyên cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, sấy lúa, trữ lúa cho nông dân và hỗ trợ san phẳng 50ha mặt ruộng bằng tia laser, bước đầu có lợi nhuận trên 31 triệu đồng. HTX Tiên Tiến còn được xã giao trồng xen canh 200ha đậu xanh.

Chúng tôi quay về xã Bình Phong Thạnh trải dài 2 bên Đường tỉnh 817. Cụm dân cư trung tâm xã Bình Phong Thạnh mới năm nào nhà cửa thưa thớt, đất trống còn nhiều mà nay hình thành diện mạo một thị tứ sầm uất. Đến cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, kiểu dáng như cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, dừng lại vì đèn đỏ, phải chờ bên kia cầu qua hết mới có tín hiệu đèn xanh cho bên này qua, mà tiếc: Cầu quá đẹp mà sao lòng cầu quá hẹp. Từ đỉnh cầu nhìn xuống phía trụ sở xã là một dãy công trình kiến trúc lô xô mái ngói trên thảm lá xanh điểm vào trung tâm xã một vẻ đẹp mạnh mẽ và sang trọng. Thị tứ bên sông Vàm Cỏ Tây đang sức phát triển.


Cầu dây văng Bình Phong Thạnh

Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Văn Minh cho biết: Xã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1998; khu vực thị tứ Ba Hồng Minh được quy hoạch phát triển lên thị trấn và ghi vào Nghị quyết năm 2016 của Đảng ủy xã. Bình Phong Thạnh được công nhận xã văn hóa từ năm 2010, đang phấn đấu hoàn thành mấy tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm tới.

Chuyên canh cây lúa và sớm hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, xã Bình Phong Thạnh mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. Vụ Đông Xuân rồi, năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha (toàn huyện Mộc Hóa năng suất lúa bình quân vụ này là 5,69 tấn/ha), lợi nhuận bình quân từ vụ Đông Xuân này từ 15-20 triệu đồng/ha. Nghị quyết Đảng bộ xã xác định: Phải thành lập mỗi ấp 2 tổ hợp tác; tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và trồng lúa chất lượng cao.

Trung tâm Bảo tồn và Phát triển dược liệu ĐTM nằm trên địa bàn xã, nay là Công ty MEPHYDICA. Sinh thời, ông Ba Đất phèn có ý định chỉ thuê lại 150/1.041ha toàn diện tích trung tâm để tập trung nuôi trồng và chế biến tinh dầu cây dược liệu, phần diện tích còn lại giao cho địa phương. Địa phương có hướng quy hoạch nơi đây làm khu du lịch sinh thái và kêu gọi sự liên kết hợp tác của các doanh nghiệp du lịch để đầu tư phát triển cho xứng tầm. Một trong những mục tiêu phấn đấu của xã là: “Phấn đấu trước năm 2020 xây dựng, phát triển đô thị Bình Phong Thạnh trở thành thị trấn,...”; đồng thời, kêu gọi đầu tư phát triển đô thị tiềm năng trên vùng sông nước hữu tình này.


1 góc thị tứ trên bờ sông Vàm Cỏ Tây (nhìn từ cầu dây văng Bình Phong Thạnh)

Sang bên kia cầu Bình Phong Thạnh là quang cảnh một đại công trường xây dựng với con người và cơ giới thi công diễn ra sôi động. Mai này, nơi đây hiện lên một thị trấn tươi trẻ nhưng giờ đây, các cơ quan của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện tạm thời phải làm việc ở mấy dãy nhà cấp 4 được ngăn ra từng phòng nhỏ.

Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa - Lê Văn Chính nói: “Hiện thời, huyện còn khó khăn lắm!”. Hiểu ra là huyện mới thành lập thì “vạn sự khởi đầu nan” là phải rồi! Huyện đang vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao. Xưa nay, Mộc Hóa vẫn được xem là “trung tâm ĐTM”, mà ĐTM đã và đang là vựa lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của huyện. Để ngành kinh tế này phát triển bền vững rất cần đầu tư công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sao cho nông dân ai cũng có thể làm giàu và ngày càng giàu hơn trên mảnh đất của mình./.

Ghi chép của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết