Tiếng Việt | English

24/02/2018 - 07:40

Kỷ niệm 170 năm ra đời tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (24/02/1848 - 24/02/2018)

Tuyên ngôn của những giá trị lịch sử, khoa học và tư tưởng nhân văn bền vững

170 năm từ ngày ra đời, đến nay, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn tỏa sáng những giá trị lịch sử, khoa học và tư tưởng nhân văn bền vững.

Tượng đài Các Mác và Ăngghen tại thủ đô Béc Lin (nước Đức)

Bước nhảy vọt vạch thời đại

Cách nay 170 năm, vào đầu năm 1848, tác phẩm kinh điển, bất hủ - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo, ra đời. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại trong đời sống chính trị thế giới, một văn bản khoa học mang tầm định hướng tư tưởng, lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc tình hình, kết quả phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là “hòn đá tảng” của chủ nghĩa duy vật biện chứng - đánh dấu bước ngoặt chuyển biến căn bản của CNXH từ không tưởng trở thành khoa học.

Từ tuyên ngôn, giai cấp công nhân bắt đầu bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng chính trị độc lập trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình và giải phóng toàn thể nhân loại. Tuyên ngôn ra đời tác động sâu rộng đến toàn bộ tiến trình đời sống chính trị quốc tế; gây nỗi lo sợ đối với chủ nghĩa xét lại, cơ hội đương thời và làm rúng động cả thế giới tư bản chủ nghĩa; thúc đẩy cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước dưới mọi hình thức, kể cả thời điểm cách mạng thoái trào, gặp khó khăn, thất bại tạm thời; cổ vũ các dân tộc bị áp bức và phụ thuộc vươn mình, tiến lên theo định hướng của lý tưởng XHCN.

Lần đầu tiên, tuyên ngôn trình bày thấu đáo và làm sáng tỏ thế giới quan khoa học của giai cấp vô sản, đưa ra học thuyết khoa học về CNXH, lập luận sắc bén về lý luận đấu tranh giai cấp, khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Là bước nhảy vọt vạch thời đại về nhận thức đối với CNXH, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần trong tay giai cấp vô sản, làm bàng hoàng, run sợ cả thế giới tư bản khi đó như Mác-Ăngghen viết: Tất cả những thế lực của châu Âu cũ... đều đã liên hiệp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử “bóng ma” cộng sản!.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản lần lượt được dịch ra nhiều thứ tiếng, truyền đi khắp nơi trên thế giới, sớm được xem là cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, làm dấy lên phong trào đấu tranh sôi nổi, quyết liệt chống lại chế độ tư bản và phong kiến. Dưới ngọn cờ tiên phong về lý luận của tuyên ngôn, phong trào cộng sản từ đó không còn là “bóng ma ám ảnh châu Âu” một cách đơn độc, nhiều Đảng Cộng sản xuất hiện và CNXH hiện thực ngày càng hiện diện với tầm vóc vĩ đại chưa từng thấy. Sau tuyên ngôn, giai cấp công nhân Pháp khởi nghĩa lập ra Công xã Paris (1871), nước Nga với Cách mạng Tháng Mười làm rung chuyển thế giới (1917), ra đời của Liên Xô hùng cường đánh thắng chủ nghĩa phát-xít hung hãn nhất, xác lập hệ thống các nước XHCN trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuyên ngôn, đúng như Lênin đánh giá: Cuốn sách mỏng ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu trong thế giới văn minh(1).

Không là “tín điều bất biến”

Tuyên ngôn không những thể hiện khách quan - khoa học trong phân tích quá trình phát sinh, phát triển của CNTB, luận chứng về vai trò lịch sử của giai cấp tư sản và giai cấp vô sản mà còn phê phán sâu sắc mọi luận điểm đi ngược hay xuyên tạc CNXH khoa học, khẳng định sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất sẽ là tiền đề tạo ra lực lượng tiên tiến nhất là giai cấp công nhân. Tư tưởng cơ bản nhất của tuyên ngôn “là ở chỗ nó đã làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội chủ nghĩa” (Lênin); nó khẳng định Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu trong lãnh đạo cách mạng, vạch ra con đường giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, con đường phát huy bản chất dân chủ để cải tạo xã hội cũ, thiết lập xã hội mới,...

Có thể nói, cho đến nay, hàng loạt vấn đề lớn được tuyên ngôn đề cập: Vấn đề lý luận khoa học về giai cấp; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; vai trò của Đảng Cộng sản, của tầng lớp trí thức; quan điểm xóa bỏ chế độ tư hữu; nhà nước của giai cấp vô sản, giải phóng con người; vấn đề dân tộc, gia đình, tôn giáo;... vẫn luôn luôn tỏa sáng những giá trị khoa học bền vững như Lênin khẳng định: Cho đến nay, tác phẩm đó vẫn đúng trên tất cả những điểm căn bản, nó sinh động và có tính thời sự tựa hồ như vừa mới được viết ra từ hôm qua(2).

Đi theo con đường của tuyên ngôn vạch ra, con đường của chủ nghĩa Mác được Lênin phát triển trong thời đại mới bằng thực tiễn sinh động của Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Đảng Cộng sản kiểu mới trong điều kiện của một nước thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và ngày nay tiếp tục vươn lên, phát triển mạnh mẽ... Trải qua bao biến động của lịch sử và đổi thay nhanh chóng của tình hình thế giới, những người cộng sản thêm lần nữa thấm thía sâu sắc khẩu hiệu chiến lược từng được Mác - Ăngghen kêu gọi cách đây 170 năm: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”, càng thấm thía lời nhắc nhở của Ăngghen: Nguyên lý của tuyên ngôn không là “tín điều bất biến”, nếu ai hiểu sai hay đi chệch các nguyên lý cơ bản ấy, đều phải trả giá đắt!

Thành tựu đổi mới của Việt Nam là minh chứng hùng hồn

Trung thành với lịch sử, với nền tảng tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua không ngừng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vượt qua thử thách. Từ đói nghèo, lạc hậu trong tình trạng khủng hoảng KT-XH lại bị đế quốc bao vây, cấm vận sau chiến tranh, Đại hội VI (1986) của Đảng đề ra và thực hiện đường lối đổi mới trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khẳng định bài học “lấy dân làm gốc” và đổi mới tư duy - trước hết là tư duy về kinh tế, xác định rõ cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; từ đó khơi dậy mọi tiềm năng nhằm khôi phục, phát triển sản xuất, vượt qua nghèo khó. Khi các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đỗ, Đại hội VII của Đảng (1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, khẳng định giữ vững định hướng XHCN; lần đầu tiên, Đảng bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Đại hội VIII (1996) Đảng rút ra bài học chủ yếu: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Tại Đại hội IX (2001), Đảng tiếp tục nhấn mạnh “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đến Đại hội X (2006), Đảng tổng kết bài học đổi mới và khẳng định “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”.

Ở Đại hội XII (2016), Đảng nhận định 30 năm đổi mới “có ý nghĩa lịch sử”, rút ra 5 bài học, trong đó, đầu tiên là “... đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh...”, từ đó tạo ra nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế. Có thể nói, việc đưa ra mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam - kinh tế thị trường định hướng XHCN là bước đột phá sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện bản lĩnh cách mạng, sáng tạo và khoa học của Đảng ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: VOV.VN

Với quyết tâm chính trị cao, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta một lần nữa khẳng định những giá trị tư tưởng nhân văn bền vững từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, không ngừng tìm tòi, phát triển, mở rộng quan hệ, xây dựng đối tác chiến lược và đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, bổ sung, phát triển các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện đổi mới của đất nước và sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực, đấu tranh với các thế lực thù địch, tăng cường đoàn kết quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngày nay, các mâu thuẫn cơ bản của thời đại tuy có thay đổi nhất định về hình thức song bản chất của chúng không hề thay đổi. Các trào lưu cách mạng thế giới vẫn không ngừng sự đan xen, liên kết, quyện chặt giữa hợp tác và đấu tranh, giữa đấu tranh và hợp tác; nhiều nước đã và đang kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin; lực lượng hòa bình, dân chủ, cách mạng, tiến bộ trên thế giới vẫn tiếp tục phục hồi, từng bước tiến lên; thực tiễn đổi mới, cải cách thành công của Việt Nam, Trung Quốc,... đang khích lệ bạn bè quốc tế; xu hướng đi lên CNXH của nhiều nước, nhất là các nước Mỹ La-tinh; sự hội tụ của các cường quốc trong thời gian gần đây, tính liên hiệp chống lại sự áp đặt của các cường quyền trên thế giới,... tiếp tục là sự tỏa sáng của những giá trị lịch sử, khoa học và tư tưởng nhân văn bền vững từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản./.

Long Thái

(1) Lênin: C.Mác và chủ nghĩa Mác, Nhà xuất bản Sự Thật, H, 1956.

(2) Lênin: Toàn tập, Nhà xuất bản Tiến Bộ Mátxcơva, Hà nội, 1980, tập 24, trang 332.

Chia sẻ bài viết