Tiếng Việt | English

03/08/2015 - 15:56

Tuyển sinh đại học 2015: Điểm cao vẫn hoang mang

Với câu hỏi: “Theo thầy/cô, với 22 điểm, liệu em có thể đỗ vào khoa X của trường mình không?”, phóng viên đã hỏi rất nhiều thí sinh và cán bộ giáo viên của một trường ĐH nhân một buổi các thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển. Câu trả lời là “chưa dám chắn chắn điều gì”, “chưa biết thế nào”, hoặc “điểm như thế không thấp và có rất nhiều cơ hội”. 

Như đánh bạc?

Từ 1/8, các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ dự tuyển của các thí sinh theo ngưỡng điểm từng trường đưa ra, căn cứ theo “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT. Việc thí sinh biết điểm trước, dựa trên những dữ liệu được cung cấp qua trang web mỗi trường, cũng như sự nhạy bén của thí sinh và phụ huynh, các em sẽ căn cứ vào đó để quyết định lựa chọn ngành/trường phù hợp nhất với khả năng và số điểm của mình.

Các chuyên gia đang tư vấn cho thí sinh tại một trường ĐH

Đây là cách thức tuyển sinh hoàn toàn mới của ngành Giáo dục. Với kiểu “liệu cơm gắp mắm” này, có vẻ rất dân chủ, công khai; nhà trường không ép các em phải theo học, ngay cả khi đã nộp hồ sơ, vì thí sinh có 1 lần rút hồ sơ để nộp vào trường khác nếu xét thấy có nguy cơ trượt ở trường thứ nhất.

Cùng với việc Bộ GD-ĐT công khai thống kê lũy kế tổ hợp môn thi của các khối thi A, A1, B, C, D, các thí sinh đã biết đang ở đâu giữa 1 triệu thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua. Tuy nhiên, thấp thỏm lo âu, chờ đợi, chẳng biết đỗ hay trượt dù được điểm cao – là điều dễ dàng cảm nhận được khi tiếp xúc với các thí sinh và người nhà.

Một thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển vào ngành Sư phạm Toán học (khối A) Đại học Sư phạm (Hà Nội) cho biết: “Năm nay em được 23 điểm, so với điểm chuẩn năm ngoái vào ngành này, em hơn 0,5 điểm. Tuy nhiên, em rất lo lắng chẳng biết có cơ may đỗ hay không. Theo tư vấn của bộ phận tuyển sinh, thì em hoàn toàn yên tâm với số điểm này vì cơ hội trúng tuyển rất cao. Nói yên tâm nhưng em vẫn rất bồn chồn vì chẳng có căn cứ nào nói em sẽ đỗ cả”.

Tại ĐH Kinh tế Quốc dân, những ngày đầu có rất nhiều thí sinh đến chủ yếu để nghe ngóng tình hình, xin được tư vấn để chọn ngành phù hợp. Linh Nga, một thí sinh ở quận Hai Bà Trưng cho biết, em được 24 điểm khối A nhưng chưa biết nên chọn ngành nào, vì căn cứ với số điểm năm ngoái, ngành Kinh tế Quốc tế hay Quản trị kinh doanh đều có mức điểm “same same” như vậy.

“Em nghe các thầy nói dự kiến ngành hot của trường năm nay điểm sẽ cao hơn năm ngoái, nên em cần phải suy nghĩ thêm” – thí sinh này nói.

Tại bàn tư vấn của một trường ĐH, đóng vai người nhà thí sinh cần được tư vấn, phóng viên nhận thấy, với mức ngang điểm sàn là 15, thí sinh vẫn có thể nộp hồ sơ vào một số ngành học của trường và có cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, đây vẫn là kiểu “tiếp thị” thu hút thí sinh, còn cụ thể bao nhiêu điểm sẽ trúng tuyển thì các tư vấn viên vẫn nói chung chung “rất nhiều cơ hội”, khiến thí sinh và người nhà đứng giữa “ngã ba đường” trong việc xác định ngành đăng ký.

Chia sẻ với PV, lãnh đạo một trường ĐH lớn cho biết, năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện tuyển sinh ĐH kết hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, cho nên không dễ dàng để dự đoán trước tình hình đỗ hay trượt của thí sinh.

“Tôi chỉ khuyên các thí sinh nên căn cứ vào mức điểm của mình và so sánh với mức độ, yêu cầu điểm của các ngành qua các năm vừa rồi, để có thể lựa chọn vào một ngành tương đối phù hợp nhất với mình. Nếu các em điểm rất cao như 25 - 26 điểm trở lên thì gần như có khả năng lựa chọn ở hầu hết các ngành của trường. Nhưng nếu các em có mức điểm thấp hơn như mức 20, 21, 22, thậm chí 19 điểm vẫn có thể lựa chọn được một số ngành không thuộc diện các ngành “nóng”.

Nói như vậy, rõ ràng các em có điểm vượt trội hẳn thì cơ hội trúng tuyển nhiều hơn những em điểm thấp. Điều này chẳng nói ai cũng biết! Điều quan trọng là làm sao để các yên tâm “chắc suất” với một số điểm nhất định nào đó chứ không phải lời hứa chung của các chuyên gia tư vấn.

Tốn kém, mất thời gian hơn trước

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ 1 – 20/8, cứ 3 ngày thì các trường cập nhật thông tin số thí sinh nộp hồ sơ tham gia xét tuyển của trường trên mạng để thí sinh đối chiếu số lượng đăng ký, các mức điểm, số chỉ tiêu xét tuyển để biết cơ hội trúng tuyển của mình. Nếu cơ hội thấp thí sinh có thể rút hồ sơ, nộp sang trường khác.

Tuy nhiên, các thí sinh sợ những lúc cao điểm, mạng bị trục trặc ảnh hưởng đến việc cập nhật thông tin này. Một thí sinh chia sẻ: “Hiện tại quy định xét tuyển cũng căng thẳng cho thí sinh vì trong 20 ngày thì 3 ngày lên mạng 1 lần, nếu mạng quá tải thì khó cho thí sinh vì các em cần thời gian gấp để rút hồ sơ nộp vào trường khác nếu thí sinh rớt mức an toàn”.

Như vậy, các thí sinh sẽ phải liên tục lên mạng tra cứu thông tin. Với những em có điều kiện, ở thành phố hoặc gần trường ĐH các em dự tuyển thì còn thuận lợi; những em nơi vùng sâu, vùng xa, nông thôn sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều em phải “xuống phố” ăn chực nằm chờ để tra cứu thông tin, rất mất thời gian và gây lo lắng cho gia đình.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc thí sinh có thể nộp hồ sơ bất kỳ lúc nào, từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/8 trực tiếp tại trường, qua đường bưu điện hoặc qua mạng trực tuyến của trường. Tuy nhiên, nếu nộp qua đường bưu điện phải theo hình thức phát chuyển nhanh, nếu dùng dịch vụ của các công ty chuyển phát bên ngoài sẽ không có giá trị xét tuyển.

Gặp bố con một thí sinh từ Thanh Hóa ra Hà Nội trong một ngày mưa lướt thướt, người bố chia sẻ: “Cháu được 24 điểm, nộp hồ sơ vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Trường hướng dẫn đăng ký qua mạng nhưng vẫn phải đến ký; còn nộp qua bưu điện thì không yên tâm, sợ thất lạc. Thế là 2 bố con bắt xe ra Hà Nội từ sáng sớm để con gái nộp hồ sơ, xong lại bắt xe về.

Nộp hồ sơ vào đây, các thầy nói nếu xem qua mạng thấy cháu có nguy cơ trượt thì tôi lại phải đưa ra cháu ra Hà Nội lần nữa để rút hồ sơ, rồi lại chạy sang trường khác để nộp. Tưởng thi 2 chung để tiết kiệm, ai dè tốn kém hơn vì tháng trước 2 bố con xuống trường ĐH Hồng Đức thi cũng đã phải tiêu tốn vài triệu rồi”./.

Minh Dương/VOV.VN

 

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích