Tiếng Việt | English

05/08/2015 - 05:59

Tuyển sinh đại học 2015: Giải đáp những vấn đề “nóng”

Tuyển sinh đại học 2015 đang ở giai đoạn "nước rút". PGS. TS. Mai Văn Trinh trả lời nhiều câu hỏi của thí sinh về các vướng mắc đang gặp phải.

Tuyển sinh đại học năm 2015 đang vào giai đoạn nước rút. Trước phản ánh của VOV.VN về ý kiến của thí sinh và người nhà cho rằng: Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định một trong 3 cách thức nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ là thí sinh phải nộp trực tiếp tại trường, khi rút hồ sơ cũng phải rút trực tiếp. Như vậy sẽ gây tốn kém và mất thời gian cho các em, PGS. TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định:

“Năm nay là năm đầu tiên thực hiện thi trước, tuyển sinh sau. Đây là cách làm mang tính ưu việt cho thí sinh. Năm ngoái, các em nộp hồ sơ xong mới thi, do đó các em thiếu thông tin và đôi khi là may rủi. Năm nay, để hưởng ưu việt của kỳ thi, các em chịu khó, vất vả hơn một chút.

Để giúp các em đỡ vất vả, nhiều trường có biện pháp hỗ trợ thí sinh rất tốt, ví dụ những em ở xa không đến được có thể sử dụng giấy uỷ quyền để người thân đến làm giúp, có trường sử dụng dịch vụ online”.

PGS. TS. Mai Văn Trinh tại một chương trình trực tiếp trên sóng VOV

PGS. TS. Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) trả lời nhiều câu hỏi của thí sinh tại buổi giao lưu trực tuyến “Cơ hội nào cho thí sinh tham gia xét tuyển vào các trường Công an Nhân dân năm 2015”, do Báo Công an Nhân dân tổ chức ngày 4/8:

** Ông có thể đánh giá những ưu điểm và hạn chế của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015?

PGS.TS. Mai Văn Trinh: Kỳ thi được tổ chức theo định hướng của Nghị quyết 29, đổi mới căn bản về công tác giáo dục đào tạo theo hướng giảm áp lực cho thí sinh, giảm tốn kém cho gia đình, xã hội và tạo thuận lợi cho thí sinh.

Thứ nhất là từ 2014 trở về trước, các em phải thi 4 đợt, tuyển sinh theo các khối A, B, C, B; còn năm nay các em chỉ phải thi 1 lần, kết quả vừa xét tốt nghiệp, vừa xét ĐH, CĐ.

Thứ hai, đề thi chung khối THPT và giáo dục thường xuyên, 60% là kiến thức cơ bản, 40% khó để phân hoá thí sinh, nhưng đồng thời cũng giúp giảm áp lực cho thí sinh.

Thứ ba, là thuận lợi trong tổ chức các cụm thi. Năm ngoái trở về trước, các thí sinh phải về Hà Nội, TP HCM, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng… để thi, gây tốn kém, phiền hà…

Từ 2014 về trước, thí sinh đăng ký các trường, sau đó mới thi tuyển, yếu tố may rủi khá nhiều. Có thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH, trong khi có thí sinh 14, 15 điểm vẫn đậu, bất hợp lý trong tuyển sinh.

Năm nay đổi mới ở chỗ, sau khi có kết quả thi mới căn cứ tương quan lượng thí sinh, nhu cầu tuyển dụng… rồi mới xét tuyển. Cho đến nay Bộ GĐ-ĐT đã công bố công khai kết quả điểm thi, phổ điểm các khối trong tổng thể cả nước cho các em tham khảo.

Quy định cứ 3 ngày 1 lần từ 1/8, các trường công bố lộ trình xét tuyển từ thấp đến cao. Đợt 1 xét tuyển, nếu các em cảm thấy cơ hội tuyển sinh vào trường thấp, có thể rút hồ sơ đăng ký sang trường ĐH khác, điều này tạo thuận lợi cho thí sinh; nhưng các trường ĐH, CĐ vất vả hơn. Chúng ta luôn đổi mới để thuận lợi cho thí sinh nhất.

Về hạn chế: Là kỳ thi đầu tiên vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh ĐH, CĐ nên quá trình thao tác kỹ thuật có những vấn đề phải nhìn nhận thêm. Tuy nhiên tựu chung lại, cho đến giờ này kỳ thi đã thành công, đáp ứng mục tiêu đề ra.

** Năm nay, mỗi thí sinh sẽ có 16 nguyện vọng xét tuyển, vậy có gây nhiễu hay không? Theo dự báo, những ngày cuối mỗi đợt xét tuyển sẽ có “làn sóng” rút, nhập hồ sơ. Bộ GD-ĐT có lường trước được điều này hay không và có giải pháp gì để ổn định công tác tuyển sinh?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Tất nhiên nguyện vọng càng tăng, càng tạo thêm khó khăn cho những người làm công tác tuyển sinh. Với 16 nguyện vọng, thí sinh có thể cân nhắc, chọn lựa những nguyện vọng phù hợp với khả năng của mình, góp phần giảm khó khăn cho các em và nhà trường trong việc xét tuyển.

Đương nhiên, với 16 nguyện vọng, khả năng ảo sẽ nhiều hơn, nhưng có thể kiểm soát được. Bởi vì trong đợt xét tuyển đầu tiên, hầu như đã đạt được 80% lượng xét tuyển, chỉ còn lại 20 – 30% cho các nguyện vọng còn lại.

Hiện tượng ảo hoàn toàn có thể khắc phục được bằng phần mềm xét tuyển. Thí sinh sẽ nhận được kết quả tối ưu nhất trong các nguyện vọng.

** Khi đã đỗ NV1, thí sinh có được nộp hồ sơ đăng ký NV2, NV3 nữa không? Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi theo NV1 vào một trường ĐH, nếu không trúng tuyển, họ có được nộp tiếp lần 2 (vẫn trường ĐH đó) cho nguyện vọng bổ sung không?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Khi đã đỗ NV1, trong quy chế đã nêu rõ, thí sinh không được tham gia các nguyện vọng tiếp theo. Bởi cơ sở sẽ khóa toàn bộ dữ liệu của tất cả những thí sinh đã trúng tuyển NV1.

Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi theo NV1 vào một trường ĐH. Nếu không trúng NV1, thì vẫn được nộp tiếp lần 2 cho nguyện vọng bổ sung của trường đó. Nhưng lưu ý, điểm điểm xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm xét tuyển của các đợt trước đó.

** Bộ vừa công bố mức phổ điểm, cho thấy số điểm 18-22 là phổ biến, và có trường hợp hàng trăm thí sinh cùng đạt một số điểm. Vậy Bộ có cách làm nào để công bằng và không có tiêu cực?

PGS.TS. Mai Văn Trinh: Trong tuyển sinh vào ĐH, CĐ, có nhiều thí sinh trùng điểm nhau đã xảy ra ở nhiều mùa tuyển sinh. Từ năm 2014 về trước, điểm thi được làm tròn. Tuyển sinh đại học năm 2015 không làm tròn mà để chính xác đến 0,25, điều này sẽ chia dải điểm dày hơn, khắc phục một phần vấn đề ở cùng một phổ điểm có nhiều thí sinh đều đạt.

Trong trường hợp vẫn xảy ra vấn đề đó thì tuỳ thuộc vào nhu cầu đào tạo, đặc thù tuyển sinh của từng trường để đưa ra tiêu chí lựa chọn thí sinh phù hợp; và tiêu chí này sẽ công khai để thí sinh biết.

** Phụ huynh, thí sinh có băn khăn về cách thu thập dữ liệu điểm thi sẽ được giám sát như thế nào để không xảy ra tình trạng tiêu cực, nâng điểm?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Khi xây dựng cơ sở dữ liệu thi, Bộ GD-ĐT đã tính toán đến việc này. Hội đồng thi sau khi chấm điểm sẽ gửi kết quả lên Bộ GD-ĐT và phần mềm đọc cơ sở dữ liệu.

Chúng tôi có phương pháp đối chiếu điểm thi của hội đồng thi với cơ sở dữ liệu. Kết quả trùng nhau 100% thì mới xác định là điểm gốc. Việc này được thực hiện từ ngày 22/7 và được bảo mật tối đa.

Khi xét tuyển vào các trường, từng trường không cập nhập bằng tay mà hoàn toàn tự động bằng phần mềm, nên các trường không thể sửa điểm được. Với cách quản lý hiện nay của các trường thì phụ huynh và học sinh vẫn có thể kiểm tra.

Việc rà soát còn có thể được thực hiện kể cả sau khi thí sinh đã vào học ở trường./.

Lại Thìn/VOV.VN (ghi)

Chia sẻ bài viết