Tiếng Việt | English

25/02/2018 - 13:39

Tuyển sinh sư phạm: Đặt yêu cầu cao nhưng liệu có người 'leo'?

Năm 2018 điểm chuẩn đầu vào sư phạm có ngưỡng điểm riêng; thí sinh xét tuyển bằng học bạ vào sư phạm bậc đại học phải đạt học lực giỏi năm lớp 12…

(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Đó là những tham vọng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong dự thảo Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy và Dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học; trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Điều này liệu có cải thiện được chất lượng đầu vào sư phạm vốn đang khá thấp hiện nay? Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về vấn đề này.

- Thưa giáo sư, là người luôn trăn trở với đào tạo sư phạm, ông đánh giá như thế nào về những dự kiến đổi mới trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Giáo sư Đinh Quang Báo: Tôi cho rằng quy định đó là một sự cần thiết và được xem là đột phá để chúng ta có được đội ngũ giáo viên tốt. 

Nhưng để đạt điều đó lại đòi hỏi đồng bộ một số giải pháp khác nữa. Đặt ra cao nhưng có ai chịu leo cái cao đó không mới là điều quan trọng. Nếu cứ mong muốn lấy người giỏi nhưng người ta không vào thì có mong muốn cũng chịu. 

Nhiều khi không cần đặt yêu cầu gì cả mà chỉ cần đưa ra cơ chế hấp dẫn, người ta đổ dồn vào thì các trường sư phạm tha hồ chọn người giỏi. Khi nhiều người dự tuyển mà lấy ít thì tự nhiên điểm chuẩn sẽ cao lên.

Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế như thế. Đó là mùa tuyển sinh năm 1996, có quyết nghị của Trung ương Đảng là phải nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Muốn như thế phải nâng cao chất lượng giáo viên, chất lượng các trường sư phạm, theo đó phải xây dựng trường sư phạm trọng điểm và có chính sách ưu ái thu hút người học vào sư phạm.

Vì thế, lần đầu tiên có chính sách miễn học phí và chế độ học bổng cao cho sinh viên sư phạm. Lúc đó, đào tạo giáo viên ra đến đâu là tạo được việc làm ngay. Hai yếu tố kết hợp đã thu hút được người giỏi vào sư phạm. 

Năm đó, ban đầu, trường Đại học Sư phạm Hà Nội không đặt ngưỡng nhưng vì số lượng thí sinh đăng ký tuyển rất đông nên điểm chuẩn đầu vào ở mức rất cao. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán lên đến 27 điểm, mức điểm khi đó được coi là rất kinh khủng. Chúng tôi vẫn gọi đó là thế hệ đầu vào “vàng ba con 9”. Đó là năm vô cùng hạnh phúc của các trường sư phạm khi chọn được những người xuất sắc nhất ở phổ thông vào học.

Khóa giáo viên được đào tạo từ năm 1996 đến năm 2005 được các trường phổ thông rất hài lòng về chất lượng và nhiều người thăng tiến rất nhanh về nghề nghiệp.

Trở lại với dự thảo của Bộ, quy định ngưỡng đầu vào rất đột phá. Đưa ra tiêu chuẩn đầu vào đó là mơ ước. Tuy nhiên, nó lại là hệ quả của một giải pháp khác. Nếu chỉ đưa ra như thế mà không có giải pháp thì với thực trạng ngành sư phạm hiện nay là khó tìm việc và lương thấp thì vẫn ít người muốn vào. 

Tôi nghĩ Bộ trưởng chắc sẽ có các giải pháp chứ không chỉ đưa ra các tiêu chuẩn.

 - Giáo sư có thể cho biết giải pháp đó theo ông là gì?

Giáo sư Đinh Quang Báo: Giải pháp đó là phải có nhiều chế độ thu hút người giỏi. Một là chế độ lúc đang học. Hai là học xong có việc làm ngay. Ba là khi đi làm thì lương hấp dẫn.

Tùy theo bối cảnh cụ thể để thực hiện. Ví dụ như trước mắt thì có thể quy hoạch lại và đảm bảo sinh viên học sư phạm xong ra có việc làm ngay. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện cuộc đại khảo sát thực trạng và nhu cầu nhân lực sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp thực hiện cùng các địa phương và Bộ Nội vụ, để đảm bảo cung-cầu khớp nhau.

Chúng ta phải quy hoạch lại nhân lực vì quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi cơ cấu dân số, dẫn đến nhu cầu trường học thay đổi. Trước đây, mỗi xã có một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở, nhưng hiện nay có nơi phải hai xã dồn một trường mới đủ số lượng học sinh.

Nếu sinh viên đào tạo ra có việc làm ngay thì sẽ thu hút được người khá, giỏi vào sư phạm. Nếu khi đi làm giáo viên có lương cao nữa thì sẽ thu hút được người giỏi, xuất sắc.

 - Chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm vẫn đang được thực hiện nhưng không còn hiệu quả khi ngành sư phạm hiện không thu hút được người giỏi. Trong khi đó sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc và chuyển qua làm ngành khác. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm để tránh lãng phí. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Đinh Quang Báo: Ngành sư phạm hiện vẫn được miễn học phí nhưng học sinh vào sư phạm chất lượng ngày càng kém, thậm chí nhiều ngành của sư phạm không tuyển được người. 

Việc nhà nước có mất số học phí thì vô cùng bé so với kinh phí đào tạo ra một sinh viên, mà kinh phí đó không chỉ nhà nước bỏ ra mà phụ huynh bỏ ra cũng rất lớn. Họ cũng không dại gì cho con học một ngành đào tạo ra không có việc làm. Đó là quy luật tất yếu của cung cầu. Đã ế thì không ai đi sản xuất tiếp hàng ế. 

Vì vậy, với thực trạng đó, việc bàn bỏ hay không bỏ chế độ miễn học phí không có ý nghĩa gì.

Nhưng việc miễn học phí vẫn còn có tác dụng nếu bây giờ nhà nước kiên định dứt khoát phải có chế độ đủ mạnh, đủ đột biến để thu hút người giỏi vào nghề giáo viên. Lúc đó mới hy vọng các đổi mới giáo dục thành công, vì giáo viên là yếu tố quyết định.

Miễn học phí không quan trọng về giá trị vật chất nhưng giá trị về tâm lý thì rất quan trọng để người học thấy trách nhiệm của mình trong việc học tập.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết