Tiếng Việt | English

05/12/2019 - 20:45

UNESCO đồng hành cùng Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản không thể thiếu vai trò điều phối các tiểu ban chuyên môn liên quan với các địa phương của UBQG UNESCO.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một trong những hoạt động gắn liền với việc bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, tạo dựng sự phát triển của tương lai của mỗi dân tộc từ những mối liên kết đặc thù của quá khứ và hiện tại. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo quốc tế về “Vai trò của Uỷ ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững" vào ngày 05/12 tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. 

Hội thảo quốc tế về “Vai trò của Uỷ ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững"  diễn ra vào sáng 05/12 tại tỉnh Ninh Bình

Tham dự hội thảo có ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ ngoại giao Văn hoá, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Kwangho Kim, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc, bà Uyanga Sukhbaaatar, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Mông Cổ cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ, chuyên gia, nhà quản lý các địa phương các khu di sản và danh hiệu của UNESCO tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa di sản trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và cộng đồng, tạo động lực phát triển ngành du lịch nhờ vào sự gia tăng số lượng du khách quốc tế, đem đến những lợi ích kinh tế và góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước trên thế giới.

Ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Tuy nhiên, di sản văn hóa và thiên nhiên đang phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển của xã hội. Đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, công việc bảo tồn di sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm sao để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn các di sản là vấn đề đặt ra với nhiều quốc gia.

Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này ngày càng quan trọng và cấp thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết với UNESCO cũng như hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển cân bằng, hài hòa của quốc gia và địa phương có di sản. Ông Dũng nhấn mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách, phối hợp thông tin, hoạt động giữa các đơn vị quản lý, tuyên truyền giáo dục cộng đồng… trong đó không thể thiếu được vai trò điều phối các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn liên quan và với các địa phương của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Nhận định về vai trò của của Uỷ ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị của các sản văn hóa tự nhiên, vật thể và phi vật thể, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết: Với tư cách là nước tham gia Công ước 1972 (phê chuẩn tháng 10 năm 1987), Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện những trách nhiệm của quốc gia thành viên để tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội
Với vai trò là cơ quan điều phối công tác giữa UNESCO và các quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO đã tham gia vào quá trình xây dựng, đệ trình công nhận di sản của UNESCO, định hướng và truyền tải kinh nghiệm của UNESCO triển khai tại Việt Nam và đề xuất các kiến nghị liên quan đến hoạch định chính sách của quốc gia về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Bên cạnh đó, UBQG UNESCO Việt Nam cũng kết nối mạng lưới giữa các khu di sản, chính quyền địa phương và thế giới để chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và bảo tồn di sản đồng thời điều phối các hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn của quốc gia để thúc đẩy và bảo tồn các di sản cho các thế hệ tương lai.

Trong thời gian diễn ra, Hội thảo đã tập trung thảo luận các nội dung: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên - văn hóa và việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững; thực trạng công tác bảo tồn di sản hiện nay của Việt Nam và các quy định của UNESCO; Vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong bảo tồn di sản; Vai trò của các đơn vị tư nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe một số tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc tế và các bộ, ngành về công tác phối hợp giữa Uỷ ban Quốc gia UNESCO và các địa phương, các khó khăn, hạn chế về trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản như Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long,...

Từ đó, các đại biểu cũng đã đưa ra những kiến nghị chính sách, giải pháp bảo tồn di sản và phát huy vai trò của Uỷ ban Quốc gia UNESCO; nâng cao nhận thức trong xã hội về sự cần thiết của bảo tồn di sản; tăng cường mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và bài học từ các quốc gia khác; bàn giải pháp phát huy vai trò của con người, cộng đồng, doanh nghiệp, thanh niên trong các hoạt động bảo tồn di sản. 

Bà Uyanga Sukhbaatar, Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Mông Cổ chia sẻ tại hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, bà Uyanga Sukhbaatar, Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Mông Cổ đã đưa ra những chính sách, đường lối thiết thực, đạt hiệu quả cao trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Một trong những chính sách được UNESCO chú trọng nhằm tăng cường nhận thức của người dân và phổ biến giá trị của di sản là giáo dục thế hệ trẻ trong việc bảo tồn di sản văn hoá, thiên nhiên. Đại diện quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới các trường liên kết, chương trình giáo dục tích hợp, phương pháp giảng dạy hiệu quả,...

Với mục tiêu đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ, bà Nguyễn Thị Yến, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã đưa ra những nét mới trong công tác giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng long. Bằng sự hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trung tâm đã xây dựng các chương trình giáo dục di sản phù hợp với các lứa tuổi và cấp học như "Em làm nhà khảo cổ", "Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long”....

Các chương trình nhận được sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của các nhà trường, các thầy cô và các em học sinh. Theo sơ kết đánh giá vừa qua, năm 2019, tính đến tháng 11/2019, đã có hơn 120.000 lượt học sinh tham quan , học tập tại khu di sản, trong đó có hơn 24.000 em tham gia chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới, vừa học vừa chơi, trải nghiệm và sáng tạo. Những kết quả đó là sự nỗ lực để gieo mầm tình yêu di sản một cách bền vững; đưa khách nhí tiếp cận di sản theo một phương pháp mới, hiệu quả và bổ ích hơn.

Với 7 phiên thảo luận cởi mở, tích cực, hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và thiên nhiên vì phát triển bền vững. Đồng thời đây cũng dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về tầm quan trọng của các di sản văn hóa và thiên nhiên đối với phát triển bền vững; tìm ra những khó khăn, kinh nghiệm bài học và kiến thức về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên cũng như các loại hình danh hiệu tương tự khác của UNESCO tại Việt Nam./.

Hạnh Lê/VOV.VN

Chia sẻ bài viết