Tiếng Việt | English

20/09/2016 - 09:22

Ứng dụng công nghệ cao bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Long An. Mục tiêu của đề án là xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.


Sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Ảnh: Chánh Thi

Chọn 3 cây, 1 con

Đề án lựa chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500-1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ; hỗ trợ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.

Đến nay, tỉnh thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình, hoàn thành kế hoạch triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng đối với kế hoạch xây dựng vùng sản xuất lúa cao sản xuất khẩu 20.000ha ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai thực hiện.

Hiện nay, lúa Hè Thu cơ bản hoàn thành, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser chỉ thực hiện được trong mùa khô, do đó, chọn Hợp tác xã (HTX) có một phần diện tích được đầu tư san phẳng bằng tia laser, đang thực hiện cánh đồng lớn (cung ứng vật tư đầu vào - bao tiêu đầu ra). Trong năm 2016, xây dựng 3 mô hình, mỗi mô hình 50ha, cụ thể: HTX Gò Gòn, ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng (liên kết với Công ty AgroViet); HTX Tiên Tiến ở xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa (liên kết với Công ty Vĩnh Thịnh Phát); Tổ hợp tác Tân Tây, huyện Thạnh Hóa (liên kết Công ty Tân Đồng Tiến).


Hiện nay, vùng sản xuất lúa cao sản xuất khẩu 20.000ha ứng dụng công nghệ cao ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã triển khai thực hiện

Dựa trên hiện trạng sản xuất và năng lực đối ứng của nông dân trong HTX, tổ hợp tác thực hiện, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng vào mô hình cụ thể: Khâu gieo sạ ứng dụng máy cấy 20ha, 30ha ứng dụng sạ bằng máy sạ tự hành hoặc máy phun phân; giống gieo sạ: Hỗ trợ 30% giá giống lúa đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận; khâu chăm sóc: Ứng dụng máy phun phân đeo vai, máy phun thuốc tự hành; khâu thu hoạch: Bằng máy gặt đập liên hợp và sau đó thu rơm bằng máy cuộn rơm; canh tác theo quy trình “1 phải-6 giảm”.

Phương hướng thực hiện

Để đề án đạt hiệu quả, tỉnh đề ra một số giải pháp: Tập trung triển khai công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, tổ chức lại sản xuất; bảo đảm lộ trình đầu tư và đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.


Sản xuất rau ứng dụng công nghệ nhà màng

Theo Kỹ sư Nguyễn Thế Hà (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia Đồng bằng sông Cửu long), để thực hiện mục tiêu trên, phải cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp chế biến trên cơ sở xây dựng và chủ động phát triển ngành cơ khí nông nghiệp. Long An là địa phương mà lao động trình độ cao với công nghệ mới có điều kiện thuận lợi phát triển và địa phương có đặc điểm nổi trội là ngành cơ khí chế biến thiết bị xay xát lúa gạo. Cơ khí chế tạo thiết bị ngành xay xát lúa gạo với các thương hiệu nổi tiếng như: Cơ khí Bùi Văn Ngọ, cơ khí Lamico, Sinco (có cơ sở sản xuất và nhà xưởng đặt tại Long An) hoàn toàn thay thế các thiết bị nhập khẩu và cung ứng 99% cho thị trường nội địa.

GS.TS Võ Tòng Xuân (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Với lợi thế về đất, nước, cây trồng, vật nuôi và con người cần cù, thông minh, tỉnh Long An nên phát huy các sản phẩm nhiệt đới độc đáo, nhất là về cây ăn trái để đạt thắng lợi trong tự do thương mại trong khối AEC và TPP. Bên cạnh đó, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh cần tiếp cận thị trường, tìm xem thị trường ở đâu, cần gì mà điều kiện đất đai, khí hậu của mình có thể sản xuất hoặc nếu chưa thấy thị trường thì ta phải tạo ra thị trường cho sản phẩm sở trường của mình”.

Tại Hội thảo “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” được tổ chức tại thị xã Kiến Tường vào ngày 15/9/2016, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan có kế hoạch cụ thể huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện chương trình đột phá này, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020)./.

Hải Phong

Chia sẻ bài viết