Tiếng Việt | English

26/04/2017 - 11:50

Ứng dụng công nghệ cao “Chìa khóa” tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng lúa

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất nông nghiệp ở Long An nói chung và huyện Thạnh Hóa nói riêng chính là “chìa khóa” tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nông dân.

Nông dân trao đổi về lợi ích khi sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy với mục tiêu phát triển nông nghiệp huyện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, huyện xây dựng Chương trình “Xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến nông sản”; theo đó, huyện sử dụng nguồn lực từ Trung ương, địa phương đầu tư 66 công trình giao thông với tổng vốn 48,1 tỉ đồng; xây dựng 22 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư 5,26 tỉ đồng; 3 trạm bơm điện với tổng nguồn vốn gần 1 tỉ đồng; 5 công trình điện với tổng kinh phí 1,1 tỉ đồng.

Thực trạng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao
Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa - Phan Quang Nghiệp cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy và Quyết định 2485/QĐ-UBND ngày 16/6/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành “Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Huyện ủy Thạnh Hóa xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy với mục tiêu phát triển nông nghiệp huyện theo hướng ƯDCNC; đến năm 2020, sản xuất vùng lúa ƯDCNC 2.000ha, được tỉnh giao, chiếm gần 10% diện tích lúa của huyện. Trong đó, xã Thạnh An quy hoạch 1.200ha, xã Tân Tây 400ha và xã Thủy Đông 400ha. Các vùng quy hoạch được sản xuất theo quy trình “7 bước” về giống, môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ gắn với xây dựng cánh đồng lớn”.

Với Chương trình hành động số 09-CTr/HU ngày 30/6/2016 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ xây dựng được vùng sản xuất lúa tập trung, tăng năng suất, chất lượng cao; giảm giá thành, có sức cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua đầu mối "liên kết 4 nhà"; khai thác được tiềm năng và thế mạnh của từng vùng, đồng thời góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện gặp không ít khó khăn. Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, đây là một trong những điểm trở ngại trong việc vận chuyển máy móc, thiết bị vào đồng ruộng cũng như nông sản về nơi tiêu thụ; việc sử dụng điện tổ của các hộ dân còn nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn và hiện đại; quy mô sản xuất nhỏ, phân tán; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật chưa đồng bộ nên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế còn thấp.

Cơ giới hóa sản xuất lúa giúp nông dân giảm chi phí và ngày công lao động

Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã chưa thực sự là cầu nối, thu hút xã viên tham gia; đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chưa chuyên sâu; việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chủ trương “liên kết 4 nhà” quy mô còn nhỏ; sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường chưa cao. Mặt khác, thị trường luôn biến động, gây khó khăn trong quản lý và định hướng sản xuất,...

Những khởi sắc ban đầu

Thạnh An được chọn thực hiện chương trình ƯDCNC trong sản xuất lúa.

Theo Chủ tịch UBND xã Thạnh An - Nguyễn Tấn Kiệt, xã đang tập trung vận động nông dân vệ sinh, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser và bằng công cụ cơ giới hóa; tham gia mô hình “1 phải, 6 giảm”, mô hình ủ rơm rạ bằng nấm Sumitri và cấy lúa bằng máy. Thạnh An thành lập 5 tổ kinh tế hợp tác, vận động người dân đăng ký san phẳng mặt ruộng bằng tia laser 49ha và bằng cơ giới hóa 8,3ha; đăng ký sử dụng máy cấy lúa 9,6ha.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, có 50ha đất được san phẳng bằng tia laser, 90ha bằng công cụ cơ giới hóa, ứng dụng máy cấy để gieo sạ 50ha. Trong khâu chăm sóc, có 100% diện tích lúa trong chương trình sử dụng máy phun thuốc, phun phân, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, thu gom rơm bằng máy cuộn; 100% diện tích có hệ thống tưới tiêu và nằm trong khu đê bao lửng.

Thạnh An sẽ tổ chức 6 lớp tập huấn cho nông dân canh tác theo quy trình “1 phải, 6 giảm”; xây dựng 4 hố thu gom rác thải sản xuất nông nghiệp”.

Ở Tân Tây, sản xuất lúa ƯDCNC đạt kết quả bước đầu. Toàn xã hiện có 153,6ha đất sản xuất lúa ƯDCNC. Địa phương thành lập 3 tổ liên kết sản xuất với 106 hộ tham gia.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn cho biết: “Vụ Đông Xuân 2017, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí cơ giới hóa trong sản xuất. Toàn xã san phẳng mặt ruộng bằng tia laser 50ha, sử dụng máy cấy lúa 50ha; ứng dụng nấm Tricoderma ủ rơm rạ trên đồng ruộng 1ha.

Vụ Hè Thu 2017, xã tiếp tục hỗ trợ người dân san phẳng mặt ruộng bằng tia laser 50ha, bằng cơ giới hóa 30ha; cấy lúa bằng máy 30ha; xây dựng mô hình “1 phải, 6 giảm” 60ha; xây dựng 2 hố chứa rác thải và tiếp tục thực hiện mô hình ủ rơm rạ. Ngoài ra, Tân Tây tiếp tục vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng, hiệu quả, an toàn”; đóng góp kinh phí nạo vét kênh, mương nội đồng và kéo điện hạ thế vào vùng quy hoạch”.

Nông dân làm sạch đồng ruộng bằng máy cuộn rơmChương trình bước đầu được người dân đồng thuận cao. Ông Nguyễn Văn Song, ngụ ấp 4, xã Thạnh An chia sẻ: “Đất ruộng được san phẳng sẽ giảm chi phí tưới tiêu, kiểm soát được cỏ dại, ốc bươu vàng và sâu bệnh, giúp nông dân giảm 50-60% công lao động, tiết kiệm 50% lượng nước, giảm thất thoát trong thu hoạch. Ngoài ra, chúng tôi được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg. So với ngoài chương trình, lợi nhuận của nông dân cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ”.

Được biết, thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán canh tác của nông dân hướng đến phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện chương trình hiệu quả, Thạnh Hóa chú trọng phát triến hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp: Đầu tư nạo vét kênh, mương nội đồng; hoàn thiện các trạm bơm, cống tưới tiêu, cải tạo mặt ruộng bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là tia laser.

Ngoài ra, phát triển giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng,... bảo đảm cho các phương tiện cơ giới hóa nông nghiệp đi lại, vận chuyển hàng hóa. Sử dụng giống lúa năng suất cao, kháng sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là giống lúa lai tạo bằng công nghệ mới, giống đặc sản,... áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP. Đồng thời, nâng cao chất lượng chương trình “3 giảm, 3 tăng” trên diện rộng, nhân rộng chương trình “1 phải, 6 giảm; ứng dụng biện pháp sinh học vào sản xuất để phòng trừ sâu bệnh.

Đặc biệt, huyện tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống sấy, tồn trữ lúa, gạo áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, thông qua hợp đồng kinh tế; xây dựng kho bãi, thu mua và chế biến lúa gạo bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với quyết tâm cao của huyện, chương trình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của nông dân. Đây là tiền đề để Thạnh Hóa tiếp tục bố trí nguồn lực, phối hợp triển khai mô hình và nhân rộng trong toàn vùng quy hoạch, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết