Tiếng Việt | English

07/12/2015 - 09:41

Long An

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hoạt động KH&CN trong tỉnh ngày càng chuyển biến tích cực, thực sự hướng vào sản xuất và đời sống. Các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN được triển khai, ứng dụng đồng bộ trên nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, y tế, môi trường,... góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài.


Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) làm chủ công nghệ sản xuất phôi và nhân giống các loại nấm

Đưa KH&CN vào đời sống

Giám đốc Sở KH&CN - Mai Văn Nhiều cho biết, trung bình mỗi năm, có trên 30 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được triển khai (trong đó, cấp Nhà nước khoảng 10%, cấp tỉnh từ 60-70%, cấp cơ sở từ 20-30%). Thời gian gần đây, hoạt động KH&CN có nhiều thuận lợi hơn về mặt cơ chế, chính sách. Điều này thực sự mang lại động lực cho các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý và các tổ chức tham gia vào hoạt động KH&CN. Có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, từng bước thể hiện được vai trò động lực then chốt cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Điển hình là mô hình sản xuất chanh. Long An là 1 trong những địa phương có diện tích trồng chanh lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích trên 6.000ha, tập trung nhiều ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Thạnh Hóa,... Trong đó, Bến Lức là huyện có diện tích chanh lớn nhất, gần 4.000ha. Hiện nay, trồng chanh đã và đang đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ. Mặc dù trải qua nhiều năm tồn tại trên thương trường, song trái chanh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc,... tất cả trở thành rào cản cho cây chanh và nhiều cây trồng khác khi tham gia xuất khẩu.


Từ mô hình sản xuất chanh VietGAP tại 2 xã Thạnh Hòa (Bến Lức), Thuận Bình (Thạnh Hóa), đến nay, có nhiều hộ học hỏi kinh nghiệm và áp dụng

Trước tình hình đó, Sở KH&CN chủ động phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mang lại hiệu quả trong sản xuất chanh Bến Lức và Thạnh Hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP”, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong khâu sản xuất, tiêu thụ. 

Đề tài chính thức được triển khai thực hiện năm 2012, với các nội dung chính: Điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu hoàn thiện về kỹ thuật canh tác, sâu bệnh, bảo quản sau thu hoạch trên cây chanh và xây dựng mô hình sản xuất chanh Bến Lức và Thạnh Hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sau những cố gắng, gắn bó mật thiết từ sự liên kết 4 nhà, 23 hộ thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa (Bến Lức) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (Thạnh Hóa) được Cty Cổ phần Giám định và Khử trùng PCC kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ đề tài này, có khoảng 60ha chanh được công nhận sản xuất theo hướng VietGAP.


Chanh được sản xuất theo hướng VietGAP

Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa - Vũ Ngọc Báu, HTX có giấy chứng nhận VietGAP là cơ hội tốt để các thành viên sản xuất cũng như tiêu thụ chanh. Từ đó, thu nhập người trồng chanh tăng lên với mức thu nhập bình quân khoảng 170 triệu đồng/ha/năm trở lên. Cũng từ mô hình này, nhiều hộ dân trong và ngoài huyện đến học hỏi kinh nghiệm và áp dụng. Thời gian tới, chắc chắn sản phẩm chanh sẽ tạo được uy tín và phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.

Hay như mô hình sản xuất nấm hàng hóa theo hướng công nghiệp đã phát huy hiệu quả. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (trung tâm) thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất nấm hàng hóa theo hướng công nghiệp tại tỉnh Long An”.Dự án triển khai thực hiện từ tháng 4-2011 và kết thúc vào tháng 4-2014. Sau khi hoàn thành xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, máy móc, việc sản xuất giống và nuôi trồng các loại nấm bắt đầu từ tháng 3-2013.


Nấm linh chi trồng tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Long An

Hiện tại, trung tâm làm chủ công nghệ sản xuất và nhân giống các loại nấm: Rơm, bào ngư, linh chi, chân dài, kim châm, ngọc châm, đùi gà,... Trung tâm đang thực hiện các mô hình trồng nấm linh chi, bào ngư tại nhà trồng nấm tự nhiên của đơn vị, với công suất khoảng 1.200 bịch meo giống cấp 3 và 5.000 bịch phôi/ngày. Đến thời điểm này, dự án tiếp tục mở rộng và hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng nấm bào ngư cho 6 hộ dân thuộc 3 địa phương trong tỉnh: Cần Giuộc, Tân Trụ, TP.Tân An.

Tạo bước đột phá mới

Ông Mai Văn Nhiều cho rằng, tiềm lực KH&CN của tỉnh thời gian qua được nâng lên không chỉ tại Sở KH&CN mà còn ở một số sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Điều này cho thấy, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN thực sự đi vào đời sống trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2016-2020, ngành KH&CN tỉnh cũng nhìn thẳng vào hạn chế của mình: Trình độ KH&CN của tỉnh nói chung vẫn còn ở mức trung bình khá của cả nước và chưa thực sự trở thành động lực phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Khó khăn chính là quy mô doanh nghiệp, tổ chức hoạt động KH&CN của tỉnh ít; đội ngũ nhân lực KH&CN còn khiêm tốn, thiếu các chuyên gia đầu đàn trên các lĩnh vực; cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng còn ở mức thấp; đầu tư xã hội cho KH&CN nhỏ, công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN chưa nhiều,...

Trong kế hoạch 2016-2020, ngành KH&CN tỉnh xác định khâu đột phá là đầu tư nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là trong công tác lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng các nguồn năng lượng mới vào các lĩnh vực: Vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm, đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, giải quyết các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển xanh, bền vững; chú trọng triển khai nhân rộng các mô hình, các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống; nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học để giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết