Tiếng Việt | English

19/09/2016 - 19:44

Ung thư đường tiêu hóa và những điều cần biết

Ung thư đường tiêu hóa là 1 trong 4 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất nhưng có thể chữa trị được nếu được phát hiện ở sớm.

Theo GS TS Đào Văn Long, Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, ung thư đường tiêu hóa là một trong 4 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất, nhưng loại ung thư này hoàn toàn có thể chữa trị được nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khiến đa số người bệnh chủ quan, đến khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Các chuyên gia y tế cho biết: Việt Nam là nước chiếm tỷ lệ ung thư rất cao trên thế giới, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa. Hiện số người bị ung thư ở Việt Nam hàng năm đang tăng lên đáng sợ.

Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam, năm 2000 phát hiện 69.000 ca ung thư; năm 2010 phát hiện 126.000 ca, dự kiến năm 2020 con số tăng lên 200.000 ca. Những ca bệnh ung thư tăng lên từng ngày, từng giờ.

Dấu hiệu và cách nhận biết

Các chuyên gia y tế cho biết: Ung thư đường tiêu hóa là bệnh do sự xuất hiện của các khối u ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành đường tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa được tạo thành bởi một hệ thống ống rỗng (thực quản, dạ dày, ruột non, ruột thừa, đại tràng, trực tràng và hậu môn) và một vài cơ quan đặc khác (chẳng hạn như tụy, gan và mật).

Ung thư có thể phát triển ở bất kỳ cơ quan bộ phận nào, tuy nhiên, nguy cơ cao nhất là thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn.

Một ca nội soi tại Khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) sáng 19/9.

Giống như hầu hết các loại ung thư khác, ung thư đường tiêu hóa là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như: gene di truyền, tuổi tác, lối sống, chế độ dinh dưỡng... nhưng nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn.
Đối với ung thư đường tiêu hóa thường có dấu hiệu: đầy hơi, khó tiêu, nuốt khó, đau bụng, ói, nặng có thể ói ra máu kèm sụt cân, thiếu máu và đại tiện ra phân đen. Triệu chứng nhóm ung thư đường tiêu hóa dưới chủ yếu là rối loạn đại tiện, táo bón, tiêu chảy. Trong đó đặc trưng nhất là đại tiện ra máu, rối loạn đại tiện…

Cách phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa

Các chuyên gia y tế cho biết, chúng ta có thể phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa bằng cách khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao hoặc là có các triệu chứng đường tiêu hóa.

Người trên 40 tuổi gầy sút hoặc có hội chứng dạ dày cần được soi dạ dày kiểm tra. Người ngoài 40 tuổi nên làm xét nghiệm máu trong phân, nội soi đại trực tràng 3-5 năm/lần.

Người từ 40 tuổi trở lên nên khám sức khỏe tổng quát thường xuyên.

Người có tiền sử gia đình có đa polyp đại trực tràng, thường xuyên có cơn đau âm ỉ vùng thượng vị, có tiền sử viêm loét dạ dày, đi đại tiện ra máu... cần đến bác sĩ (gồm soi đại trực tràng, dạ dày) thường xuyên hơn để phát hiện bệnh sớm.

Phòng bệnh

Cách phòng bệnh tốt nhất, theo khuyến cáo của chuyên gia tiêu hóa, người dân không sử dụng các thực phẩm có nghi ngờ đã hư hỏng hoặc đã bảo quản quá lâu ngày.

- Hạn chế dùng các thực phẩm có chứa aflatoxin, nitrosamine (trong thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói), nấm mốc và các chất độc hại khác. Tuyệt đối không cố gắng sử dụng các thực phẩm có nghi ngờ đã hư hỏng hoặc đã bảo quản quá lâu ngày.

- Nên dùng rau quả, thực phẩm có nhiều chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa: trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, các loại rau xanh, cà tím...

- Cẩn trọng khi dùng các sản phẩm nhựa để đựng, che phủ thức ăn, đặc biệt là dùng sản phẩm nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.

- Hạn chế tối đa thuốc lá và rượu.

- Nên thận trọng với tất cả các cơn đau về tiêu hóa. Không tự ý dùng thuốc cho tiêu hóa.

- Khám sức khỏe tổng quát thường xuyên ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tiêu hóa, phát hiện sớm ung thư.

 

Ngày 19/9, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với trường Đại học Nagoya Nhật Bản tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề Tiêu hóa - Gan mật thường niên lần thứ 4 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực Tiêu hóa - Gan mật và một số chuyên ngành liên quan.
Mục đích của hội nghị nhằm cập nhật kiến thức cho bác sỹ về lĩnh vực Tiêu hóa - Gan mật về các kỹ thuật: Cắt tách tổn thương ung thư sớm và tiền ung thư ở dạ dày, đại tràng; nội soi ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ qua đường miệng, siêu âm nội soi có chọc hút để chẩn bệnh lý tụy.
Phát biểu tại hội thảo, BS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Bệnh viện và các tổ chức quốc tế Nhật Bản đã hợp tác rất hiệu quả. Từ đó đến nay, nhiều bệnh nhân đã được sàng lọc phát hiện ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư thực quản.
BS Quốc Anh cũng cho biết, nhờ kỹ thuật mới, các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi điều trị tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản, dạ dày và đại tràng, thăm dò được toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non…
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi cắt tách dưới niêm mạc để lấy toàn bộ khối u ra khỏi ống tiêu hóa, thay cho việc phải cắt đoạn dạy dày hay đại tràng hoặc thực quản như trước đây và đồng thời người dân không phải điều trị hóa chất.

Thu Thủy/VOV.VN

Chia sẻ bài viết