Tiếng Việt | English

30/09/2017 - 05:28

Út Đờn - một ngón đờn sắc nét

Câu “nhạc là nhân” xưa nay quả không sai, từ nhạc sĩ sáng tác hay nhạc sĩ biểu diễn, bên cải lương gọi là thầy đờn hoặc nhạc công, tính cách họ thường được biểu hiện qua tiếng nhạc của họ. Không chỉ riêng chuyện Bá Nha và Tử Kỳ mà rất nhiều câu chuyện khác tương tự ở đờn ca tài tử và cải lương gọi là tri kỷ, tri âm cũng từ chỗ họ hiểu nhau, mến nhau qua lời ca, tiếng nhạc. Qua đó, họ bộc lộ tâm tính đầy đủ nhất và cả tư chất. Anh Út Đờn mà chúng tôi giới thiệu dưới đây cũng không ngoài quy luật này.

Về đến xã Long Hòa, huyện Cần Ðước, hỏi Út Đờn thì ai cũng biết, anh tên thật là Trần Văn Út và nơi đây là quê hương của anh.

Út Đờn sinh năm 1967, anh theo học nhạc tài tử và cải lương với nghệ nhân Út Duyên (cùng quê) từ năm anh 16 tuổi. 5 năm nhờ sự truyền dạy của thầy, nhiều năm tự rèn luyện và học qua băng, đĩa nhạc, Út Đờn trưởng thành trong phong trào đờn ca tài tử địa phương từ nhiều năm qua, từ ở xã đến huyện, nhiều lần lên tỉnh và giao lưu ngoài tỉnh.

Anh thành thạo khá nhiều bài bản lớn của nhạc tài tử và rất nhiều thể điệu cải lương, với ngón đờn sắc nét như những nhạc công chuyên nghiệp. Có thể nói, anh Út có ngón đờn chân phương nhưng vẫn có sắc nét riêng, trong giới gọi là đờn “hiền nhưng mùi, rất dễ ca”.

Anh hiền hòa, vui vẻ, cởi mở, dễ hòa nhập với mọi người; với đờn ca thì càng nhiệt tình và say mê.

Tuy anh không có những “độc chiêu” riêng về diễn tấu nhưng khả năng dàn đều ở các loại hơi điệu: Những thể điệu Bắc, Út chạy ngón nhanh nhẹ nhưng tạo âm sắc nghe hùng hồn, xôm tụ; Nam thì mùi và buồn, lúc bi ai, lúc trầm lắng, âm sắc và ngón nhấn của anh làm nao lòng người; những bài bản quảng thì tươi tắn, mượt mà, nhất là anh đờn bài Sương chiều - Tú anh, xang xừ líu, khốc hoàng thiên thì âm sắc càng trữ tình hơn; những thiểu điệu oán: Phụng hoàng, Văn Thiên Tường, Xế xảng,... thì ngón đờn anh Út càng bộc lộ tâm trạng như của chính mình, âm sắc tự hồ như tiếng nỉ non, lời tâm sự oán than một nỗi niềm nào đó; với vọng cổ thì anh sáng tạo những láy đờn trẻ trung, duyên dáng, lối chạy ngón vừa phải nhưng nghe âm sắc lúc trầm, lúc bổng, lúc thì rộn ràng, nhất là nhấn nhá chữ “xang” mùi mẫn, nghe nức nở hơn.

Những lễ hội, tiệc tùng ở xã, huyện có tổ chức văn nghệ, Út Đờn thường góp mặt. Anh cũng vài lần tham gia các cuộc liên hoan cấp tỉnh nhưng tiếc thay, từ trước đến nay, Út Đờn chưa có dịp thi thố tài năng qua một cuộc thi nào đó.

Tuy nhiên, tài năng của Út Đờn cũng được giới chuyên môn cấp tỉnh đánh giá cao và trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh từ năm 2010. Theo anh, được đờn phục vụ mọi người và góp phần cùng phong trào văn nghệ ở địa phương là niềm vui, hạnh phúc lắm rồi!

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết