Tiếng Việt | English

04/04/2018 - 21:24

Vai thon “vác” nặng

Nơi công trường xây dựng đầy bụi bặm và nguy hiểm tưởng chừng chỉ dành riêng cho phái mạnh, thế nhưng, vẫn có không ít “bóng hồng” đảm nhiệm những công việc như nam giới.

Trên công trình xây dựng,  vẫn có nhiều lao động nữ làm việc

Trên công trình xây dựng, vẫn có nhiều lao động nữ làm việc

Nghề ít dành cho phụ nữ

Phụ hồ là nghề nặng nhọc dành cho nam giới, nhưng nhiều công trình xây dựng vẫn thấp thoáng những “bóng hồng”. Lựa chọn cái nghề “đội nắng, dầm mưa” này, nhiều phụ nữ phải chấp nhận cuộc sống xa quê, quen dần với những “mái nhà di động” vì phải liên tục di chuyển theo công trình. Mỗi ngày, họ làm việc rất vất vả nhưng tiền công không đáng bao nhiêu!

Tháng ba, trời nắng gắt! Tại công trình xây dựng thuộc phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An ngoài những anh thợ xây còn có vài phụ nữ hì hục sàng cát, trộn bêtông, bẻ sắt, vận chuyển vật liệu,... Mặc mồ hôi ướt đẫm chiếc áo bạc màu,... các chị vẫn cặm cụi làm việc. Trong số đó, có một người còn khá trẻ, vóc dáng mảnh mai. Chị là Phan Thị Hương, quê tận tỉnh Nghệ An, làm phụ hồ được 10 năm nay. 

Lau vội những giọt mồ hôi, chị Hương vừa thở hổn hển, vừa nói: “Trước đây, tôi vào TP.HCM làm công nhân. Sau một thời gian, tôi lập gia đình. Anh là dân công trình xây dựng nên tôi phải theo chồng bôn ba khắp nơi làm phụ hồ. Đâu chỉ ở TP.Tân An, tôi còn làm ở các huyện biên giới như Mộc Hóa, Vĩnh Hưng,... có khi đến một số tỉnh miền Tây. Nghề này bạc lắm! Còn trẻ, còn sức khỏe thì người ta nhận làm chứ mai này lớn tuổi, phải “giải nghệ” thôi! Phụ hồ tuy vất vả nhưng vợ chồng, các con được gần nhau nên tôi cảm thấy phần nào được an ủi”. 

Mỗi lần di chuyển theo công trình xây dựng, chị Hương và anh Nguyễn Hải Nam (chồng chị) phải mướn nhà ở tạm cùng 2 con nhỏ (đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi). Rong ruổi ngày này qua ngày khác, vợ chồng anh chị mơ về một mái ấm để có thể an cư, nuôi dạy các con nhưng chưa có điều kiện. Chị cùng chồng dự định, cố gắng lao động, tích lũy thêm ít tiền, sau đó về quê, tìm một công việc khác phù hợp hơn, cho các con đến trường để mai này không phải bôn ba, vất vả như ba mẹ. 

Trên công trường đầy nắng, bụi, chị Phan Thị Hương vẫn hì hục làm việc

Trên công trường đầy nắng, bụi, chị Phan Thị Hương vẫn hì hục làm việc

Tại công trình Bệnh viện Sản Nhi Long An, chúng tôi gặp bà Năm, quê miền Trung, theo công ty xây dựng làm phụ hồ gần 15 năm nay. Bà cho rằng, phụ hồ là nghề nguy hiểm. Nếu không để ý, những thanh sắt, vật nhọn dễ đâm trúng. Vì vậy, nghề này cần có dụng cụ bảo hộ lao động”. 

“Phụ nữ làm phụ hồ thường thiệt thòi. Nghề này đòi hỏi phụ nữ phải có sức khỏe, giỏi chịu đựng. Nam giới làm phụ hồ, nếu siêng năng học hỏi thì vài năm lên thợ xây, có thu nhập cao hơn. Còn với phụ nữ, dù có siêng năng, giỏi đến mấy thì vẫn là phụ hồ với tiền công không nhiều” - bà Năm nói.

không “sợ” nắng

Bất chấp thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, nhiều phụ nữ vẫn miệt mài làm việc tại các vườn thanh long ở huyện Châu Thành. Với “thâm niên” hơn 10 năm làm thanh long mướn tại Châu Thành, bà Nguyễn Thị Chín, ngoài 50 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang quen với những ngày nắng gắt. Mỗi ngày, bà thức giấc từ 3 giờ sáng, chuẩn bị mọi thứ để cùng nhiều lao động khác đến huyện Châu Thành làm thanh long. 

Bà bộc bạch: “Nhà tôi ở xa nên phải tranh thủ đi sớm để kịp giờ và làm được nhiều. Bất kể nắng hay mưa, chúng tôi đều nhận làm. Công việc chính của tôi là vuốt ngoe, bón phân, hái thanh long,... Mỗi giờ làm, tôi được trả từ 30.000-40.000 đồng nên hàng ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”.

Bà Nguyễn Thị Chín (áo xám)  hàng ngày thức dậy từ 3 giờ sáng  để đi từ tỉnh Tiền Giang đến huyện  Châu Thành, Long An làm thanh long

Bà Nguyễn Thị Chín (áo xám) hàng ngày thức dậy từ 3 giờ sáng để đi từ tỉnh Tiền Giang đến huyện Châu Thành, Long An làm thanh long

Trong chiếc áo bạc màu, người đàn bà trùm kín khăn che mặt, đội chiếc nón lá rộng vành để che nắng, đôi tay vẫn không ngừng làm việc. Đó là hình ảnh quen thuộc của nhiều lao động nữ làm thanh long tại đây. Họ không nề hà khó nhọc, tất cả chỉ vì mưu sinh!

Chị Lan, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, là một trong số ít phụ nữ từng làm phụ hồ trở thành thầu xây dựng. Chị nhận những công trình: Xây nhà ở, nhà tình thương cho những hộ nghèo, khó khăn,... “Mỗi nghề đều có sự vất vả! Tôi chỉ mong có việc làm, thu nhập trang trải cuộc sống gia đình là mừng rồi! Mình lớn tuổi nên tay nghề, trình độ không bằng tụi trẻ bây giờ. Vì vậy, tôi chỉ nhận bêtông đường xóm, ấp hoặc một vài công trình đơn giản”. 

Những nghề vất vả tưởng chừng chỉ dành cho đấng mày râu, thế nhưng, đó lại là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ chỉ vì mưu sinh. Dù vất vả nhưng những người phụ nữ “chân yếu, tay mềm” ấy luôn làm việc với tinh thần lạc quan, tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những nghề vất vả tưởng chừng chỉ dành cho đấng mày râu, thế nhưng, đó lại là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ chỉ vì mưu sinh. Dù vất vả nhưng những người phụ nữ “chân yếu, tay mềm” ấy luôn làm việc với tinh thần lạc quan, tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết