Tiếng Việt | English

16/07/2018 - 16:06

Vai trò của khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường

Khoa học và công nghệ (KH&CN) là nền tảng để phát triển KT-XH bền vững và bảo vệ môi trường là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. KH&CN trong lĩnh vực môi trường giữ vị trí quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc các giải pháp quản lý nhà nước, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải của Mien Hua

Hệ thống xử lý nước thải của Mien Hua

Thời gian qua, Sở KH&CN Long An thực hiện các đề tài/dự án về công tác bảo vệ môi trường cũng như thực hiện công tác thẩm định/có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư nhằm hạn chế công nghệ lạc hậu tác động đến môi trường của tỉnh.

Quản lý việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án trên lĩnh vực môi trường

Sở KH&CN giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (nay là Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN) - đơn vị trực thuộc sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ:

- Dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cấp nước 6 huyện thuộc tỉnh Long An” thực hiện từ tháng 7/2015: Ứng dụng công nghệ xử lý nước TĐC cho các mô hình xử lý nước tại các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Mộc Hóa, đến nay, nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng, với công nghệ phù hợp và hiệu quả, bảo đảm nguồn nước đạt quy chuẩn nước sinh hoạt cho người dân.

- Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng pin năng lượng mặt trời vào hệ thống xử lý nước sạch tại các đồn biên phòng tỉnh Long An” thực hiện từ tháng 7/2015: Đã bàn giao, đưa vào sử dụng tại 3 đồn: Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ); Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa), kết quả bước đầu cho thấy công nghệ phù hợp, tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm nguồn nước đạt quy chuẩn nước sinh hoạt và nước ăn uống.

- Nhiệm vụ “Chuyển Trạm Môi trường xanh từ huyện Bến Lức đến huyện Cần Giuộc” với mục tiêu lắp đặt máy xử lý rác công nghiệp nguy hại, đầu tư nâng cấp xây dựng mô hình xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vùng chuyên canh rau an toàn của huyện Cần Giuộc, tiến hành chuyển giao công nghệ xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ Fenton từ Viện Nông nghiệp Môi trường, hướng dẫn quy trình sử dụng cho người trồng rau huyện Cần Giuộc.

- Nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ xử lý nước TĐC tại huyện Châu Thành”: Triển khai 8 công trình, thi công lắp đặt, vận hành hoàn chỉnh 6 công trình: Sáu Cứng, xã Phước Tân Hưng; ấp 2 và ấp 6, xã Vĩnh Công; ấp Cầu Kinh, Lộ Đá, Chợ Ông Bái, xã An Lục Long. Hiện, các công trình được đưa vào sử dụng.

- Nhiệm vụ “Trình diễn công nghệ máy cắt vớt lục bình trên kênh, rạch”: Phối hợp Công ty TTS (Tây Ninh) trình diễn thành công máy cắt vớt lục bình tại huyện Tân Thạnh. Đánh giá thiết bị đạt các yêu cầu về kỹ thuật, bảo đảm cân bằng và an toàn trên sông; vận hành nhanh, nhẹ và cơ động, chi phí vận hành phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Dự án “Thí điểm mô hình ứng dụng tấm quang điện mặt trời vào cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Long An”, đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (REDSUN), lắp đặt thiết bị tại Sở KH&CN vào ngày 14/10/2017, đang vận hành thử nghiệm và đánh giá hiệu quả.

Ngoài ra, phối hợp các đơn vị trong tỉnh đang triển khai 3 đề tài thuộc lĩnh vực môi trường:

- Khảo sát điều tra và xây dựng kế hoạch bảo tồn gene tỉnh Long An do Viện Môi trường và Tài nguyên chủ trì thực hiện với tổng kinh phí 920 triệu đồng (thời gian thực hiện tháng 5/2015 – 4/2017). Đề tài đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị nghiệm thu.

- Đánh giá hiện trạng và đề ra biện pháp quản lý, phục hồi các loài thủy sản quý hiếm tại Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen do Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen chủ trì thực hiện với tổng kinh phí 913 triệu đồng (thời gian thực hiện từ tháng 11/2015 – 10/2017).

- Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác dự báo phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Long An do Đài Khí tượng Thủy văn Long An chủ trì thực hiện với tổng kinh phí 642,792 triệu đồng (thời gian thực hiện tháng 01/2017 – 6/2018).

Thẩm định và có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư

Thực hiện Thông tư số 03/2016/TT- BKHCN, ngày 30/3/2016 của Bộ KH&CN quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển KT-XH và thẩm định công nghệ của dự án đầu tư; Sở KH&CN phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4750/UBND-KGVX, ngày 15/11/2016 của UBND tỉnh về việc
thực hiện việc thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển KT-XH và thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, theo đề nghị của các cơ quan tiếp nhận đầu tư, Sở KH&CN chủ trì tổ chức thẩm định công nghệ cho 125 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của các cơ quan tiếp nhận đầu tư.

Ngoài ra, theo chỉ đạo tại Công văn số 187/UBND-KT, ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh về danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đối với ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và hiện nay là Quyết định số 787/QĐ-UBND, ngày 13/3/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư; ngành nghề tiếp nhận đầu tư có điều kiện; ngành nghề tạm dừng tiếp nhận đầu tư; ngành nghề được xem xét tiếp nhận đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN chủ trì tổ chức thẩm định và cho ý kiến về công nghệ đối với 121 dự án đầu tư theo đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đa số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có trình độ công nghệ ở mức trung bình tiên tiến, chiếm 71,95%; còn lại tiên tiến chiếm 9,34%, trung bình chiếm 18,29% và lạc hậu chiếm 0,4%. Ngành nghề đầu tư được thẩm định công nghệ tập trung vào các ngành: Sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, dệt nhuộm, sắt thép, sơn, tái chế phế liệu,... Công nghệ sản xuất có tính mới không cao, đa số đã phổ biến ở Việt Nam và Long An, tính đồng bộ và tự động hóa chỉ ở mức tương đối khá. Máy móc, thiết bị đầu tư đều bảo đảm chất lượng, mới 100%. Tuy nhiên, đa số có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam; tỷ lệ máy móc, thiết bị có xuất xứ từ G7, châu Âu, Mỹ còn thấp.

Một số tồn tại, hạn chế trong thẩm định công nghệ:

- Số liệu về thẩm định công nghệ phản ánh thực trạng đa số doanh nghiệp chưa chú trọng về công nghệ tiên tiến, đa số công nghệ đầu tư chỉ đạt trình độ công nghệ ở mức trung bình tiên tiến, một số trường hợp đầu tư công nghệ trung bình và lạc hậu. Sở KH&CN tư vấn để doanh nghiệp muốn tiếp nhận đầu tư phải thay đổi công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu của tỉnh.

- Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thường không có hợp đồng chuyển giao công nghệ, chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Qua đó, có thể đánh giá các công nghệ cao, công nghệ mới chưa được chuyển giao vào tỉnh, đa số là các công nghệ đã thương mại hóa trên thế giới, tính cạnh tranh của sản phẩm của tỉnh đối với thị trường trong nước và quốc tế còn yếu do hầu hết công nghệ được chuyển giao là công nghệ đã và đang được sử dụng phổ biến trên địa bàn tỉnh và trong nước. Tỷ trọng các công nghệ đầu tư thuộc danh mục khuyến khích đầu tư, khuyến khích chuyển giao vào tỉnh còn thấp.

- Công tác thẩm định công nghệ gặp nhiều khó khăn do số lượng dự án đầu tư thuộc diện thẩm định và có ý kiến về công nghệ trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, các dự án phân bố ở nhiều lĩnh vực và đòi hỏi chuyên môn sâu về công nghệ. Mỗi dự án áp dụng công nghệ khác nhau, có trình độ công nghệ không đồng nhất với nhau, những quy định hiện hành về thẩm định công nghệ chưa cụ thể dẫn đến trường hợp thổi phồng công nghệ, gây khó khăn cho việc xác định chính xác trình độ công nghệ trong quá trình thẩm định công nghệ. Công tác thẩm định chỉ tiến hành trên hồ sơ dự án (báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo thẩm định công nghệ, kế hoạch môi trường), trong khi đó, các báo cáo của dự án đa số có nội dung về công nghệ trình bày không rõ ràng, cụ thể, một số nội dung không đúng với thực tế.

Các giải pháp, kiến nghị:

- Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm tính thực thi đối với các cơ chế ưu đãi tài chính, thuế, đất đai, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ mới,... cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN, góp phần làm sạch hơn môi trường sản xuất.

- Cần đẩy mạnh đổi mới cơ chế và chính sách KT-XH, tạo nhu cầu ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống; xây dựng cơ chế, chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh thân thiện với môi trường.

- Có chính sách thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm, chính sách bảo hiểm các công nghệ mới, sản phẩm công nghệ mới, chính sách bảo đảm rủi ro cho các cá nhân thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ. Ngoài ra, cần có chính sách động viên, hỗ trợ để tiếp tục phát huy hiệu quả sức sáng tạo lao động của mọi tầng lớp lao động nhằm thúc đẩy việc đưa kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao ra thị trường./.

Phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH&CN Long An)

Chia sẻ bài viết