Tiếng Việt | English

19/01/2020 - 13:20

Vận động doanh nghiệp xây dựng cầu nông thôn

Thời gian qua, tỉnh Long An đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn (GTNT).

Một cây cầu nông thôn được doanh nghiệp đầu tư

Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn đã có bước phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa, xã hội và thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Dù nhu cầu đầu tư cho hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh còn rất lớn nhưng kết cấu đã có nhiều thay đổi nổi bật. Theo Sở Giao thông Vận tải, toàn tỉnh hiện có 8.153km đường giao thông (tăng hơn 3.000km so với năm 2010); trong đó đường bêtông nhựa hơn 435km (tăng gần 151km so với năm 2010), đường láng nhựa hơn 2.718km (tăng 2.165km so với năm 2010), đường bêtông xi măng 1.488km (tăng 1.263km so với năm 2010), đường cấp phối gần 2.351km (giảm gần 570km so với năm 2010), đường đất 1.161km (giảm hơn 266km so với năm 2010).

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Nếu như khi bắt đầu thực hiện chương trình vào năm 2010, qua khảo sát toàn tỉnh chỉ có 2/166 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông thì hiện nay đã là 77 xã”.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Trung, để có được kết quả này, trong thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thời gian qua, tỉnh đã nhận được sự đồng hành của người dân, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức.

Đơn cử, tỉnh nhận được sự hỗ trợ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một số cán bộ quê ở Long An đang công tác hoặc sinh sống ở TP.HCM, các tỉnh để vận động xây dựng các công trình giao thông nông thôn.

Ở địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tuyến đường cần được đầu tư xây dựng cầu bê tông

Tính đến, các mạnh thường quân đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng được gần 200 cầu, cống và một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền gần 150 tỉ đồng, phân bổ ở 9 huyện, trong đó có 6 huyện, thị xã khu vực biên giới.

Đây là những cầu bê tông phần lớn có tải trọng 5 tấn, mặt cầu rộng 4m, thay thế cho các cầu khỉ, cầu gỗ tạm bợ, thô sơ.

Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần cho biết: “Từ những công trình giao thông này đã góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt đi lại, vận chuyển nông sản của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực, các tổ chức kinh tế, xã hội nhân dân trong và ngoài nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tích cực mời gọi sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp để xây dựng các công trình giao thông nông thôn./.

Trong lĩnh vực giao thông nông thôn, thời gian qua tỉnh nhận được sự hỗ trợ rất lớn của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức. Đến nay, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng được gần 200 cầu, cống và một số tuyến đường với tổng số tiền gần 150 tỉ đồng, phân bổ ở 9 huyện, trong đó có 6 huyện, thị xã nằm trong khu vực biên giới.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích