Tiếng Việt | English

11/10/2018 - 21:46

Vận động, thuyết phục là gốc để đảm bảo giải quyết khiếu nại tố cáo

Nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân là một kênh thông tin phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, là một trong những cầu nối giữa người dân và chính quyền các cấp.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

5 năm qua, việc thực hiện hai chương trình phối hợp về việc giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở đã góp phần khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của công dân, góp phần từng bước hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật

Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở và chương trình phối hợp công tác giữa Thanh tra Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đã phát huy được hiệu quả tích cực trong công tác nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. 

Các bên cũng đã tổ chức triển khai giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở. 

Qua hoạt động này, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện ra những vụ việc khiếu nại tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; những vụ việc khiếu nại tố cáo đã có kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại; các vụ việc phức tạp, oan sai, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài khiến người dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm mà không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt là các vụ liên quan đến thu hồi, đền bù đất, "điểm nóng" để đề xuất tiến hành giám sát. 

Các bên đã tổ chức 8 đoàn giám sát liên ngành giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo... 

Kết quả hoạt động giám sát đã có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, không để phát sinh đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp; giúp rõ hướng giải quyết của các cấp để ổn định tình hình, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. 

Ở địa phương, các bên tham gia chương trình phối hợp tổ chức 187 đoàn giám sát. Thông qua hoạt động giám sát, các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở đã từng bước giảm dần; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình ở địa phương. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Kết quả giám sát góp phần làm rõ hướng giải quyết cho các cấp, từ đó đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người dân.

Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân cũng được đẩy mạnh. Ở Trụ sở tiếp dân Trung ương, đã có 758 lượt luật sư đã tư vấn cho 2.869 lượt công dân với hàng nghìn vụ việc khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị. 

Nhiều trường hợp công dân sau khi được tư vấn, giải thích về quy định của pháp luật, quyền và lợi ích của mình đã tự giác chấp hành việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chấm dứt khiếu nại tố cáo. 

Tổng số vụ việc mà các luật sư, luật gia tư vấn miễn phí cho công dân thời gian qua (2015-2018) ở các địa phương là 45.613 vụ việc cho hơn 60.000 lượt người ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Một số địa phương thực hiện tốt công tác này như An Giang, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Quảng Ninh, Nghệ An….

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Tổ hòa giải ở cơ sở cũng đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn ngừa tranh chấp khiếu kiện phát sinh từ cơ sở, hạn chế thấp nhất việc phát sinh các vụ việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp. 

Tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở theo báo cáo của các địa phương thời gian qua đã đạt trên 80%. Một số tỉnh làm tốt công tác này như Bắc Ninh (92,8%); Hải Dương (92,9%); Khánh Hòa (93,3%); An Giang (90,5%); Ninh Bình (92,9%)… 

Một số địa phương đã lập đoàn công tác thực hiện phương châm 4 cùng dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) để ổn định tình hình ở địa phương. 

Thông qua phối hợp, chương trình đã thúc đẩy đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhận định có được những kết quả bước đầu như vậy là do trong quá trình thực hiện Chương trình, các cơ quan đã tích cực, chủ động thực hiện kế hoạch, tiến độ đã đề ra; không né tránh, bám sát các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Trong lựa chọn vụ việc để tiến hành giám sát, các cơ quan, tổ chức tham gia đã đưa ra được các tiêu chí để lựa chọn, từ đó lựa chọn được các vụ việc điển hình; trong giám sát đã xem xét toàn diện các mặt để định hướng giải quyết vụ việc, đảm bảo lợi ích các bên. 

Vận động, thuyết phục là gốc để đảm bảo các biện pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo được công dân tự giác thực hiện.

Hoạt động này đã góp phần phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. 

Bài toán khó - cần sự chung tay 

Tuy nhiên, một số hạn chế trong việc triển khai chương trình phối hợp cũng được chỉ rõ. Ở Trung ương, việc phối hợp xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai chương trình phối hợp hàng năm còn tiến hành muộn. 

Việc triển khai công tác giám sát ở một số địa phương còn chưa chủ động, mang tính hình thức; việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát còn lúng túng. 

Việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân theo Chương trình ở các địa phương nhiều lúc cũng còn gặp khó khăn do các vụ việc thường đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài qua nhiều năm.

Tính chất vụ việc phức tạp, nhạy cảm, do đó khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư cũng không thể nắm bắt, hiểu thấu đáo bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn; các vụ việc được lựa chọn để giám sát thường là vụ việc phức tạp, kéo dài nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định chương trình phối hợp giữa các bên đã góp phần làm giảm khiếu nại, tố cáo, nhưng so với yêu cầu còn khiêm tốn, do đó cần có giải pháp mới.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

"Để giải quyết khiếu nại tố cáo hiệu quả cần phải đối thoại đến cùng với dân để tìm ra nguyên nhân, trong quá trình đó giới luật sư tham gia để cùng giải quyết và bảo vệ cái đúng. Đối thoại phải thực chất, không hình thức, phải phân định rõ đúng, sai và giải quyết tận gốc tình hình, tránh tình trạng để nhân dân bức xúc và khiếu kiện lên cấp trên," Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nói.

Thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, nhằm tạo sự thống nhất, tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan. 

Những việc này cũng cần có sự tham gia phản biện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng.

Là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hiện Thanh tra Chính phủ đang chỉ đạo để hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại tố cáo. 

Chương trình đã hoạt động và một số tỉnh, thành đã tiếp cận nhưng vẫn chưa đầy đủ. Thanh tra Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện chương trình này để khai thác hiệu quả; đồng thời đề nghị khi cơ sở dữ liệu này có thể sử dụng, các bộ, ngành, địa phương cần có trách nhiệm bổ sung thông tin liên quan đến địa phương, bộ, ngành quản lý để có bộ dữ liệu đầy đủ, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nêu ý kiến./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết