Tiếng Việt | English

20/11/2016 - 04:08

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Việc đọc không những mang lại nhiều tri thức bổ ích mà còn là hình thức giữ gìn, phát huy văn hóa đọc. Tuy nhiên, ngoài việc đọc qua những trang giấy, trong lúc công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ như hiện nay, hình thức đọc qua Internet cũng được nhiều người chọn lựa. Đọc sách giấy hay đọc trên Internet đều là những hình thức học tập bổ ích nếu biết chọn lựa phù hợp và chắt lọc những thông tin bổ ích,...

Đọc để học tập suốt đời

Những kiến thức học ở trường, tiếp thu từ thực tế cuộc sống vẫn chưa đủ và sẽ “cũ kỹ” theo thời gian nếu không học tập từng ngày và suốt đời. Vì vậy, đọc sách, báo sẽ là “trường học” bổ sung, cập nhật kiến thức mỗi ngày cho người đọc. Có những người luôn trung thành với đọc sách giấy vì theo họ, đây là hình thức giúp cảm nhận, ghi nhớ sâu sắc những giá trị từ những gì đã đọc.

Đọc sách thường xuyên không chỉ giữ gìn văn hóa đọc mà còn là cách học tập nâng cao kiến thức

Chị Trần Thị Thanh, ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An là cô giáo 8X “chung thủy” với đọc sách giấy. Chị bắt đầu đọc sách, báo từ thời sinh viên và bây giờ, điều này trở thành thói quen. Mỗi ngày, nếu không đọc 1 tờ báo hoặc vài trang sách, chị Thanh cảm thấy “thiếu thiếu điều gì đó”. Chị nói rằng: “Có hôm đọc sách, tôi bị lôi cuốn nên đọc liền một mạch vài trăm trang. Là giáo viên nên việc đọc sách cung cấp cho tôi nhiều vốn từ và những kiến thức bổ ích trong cuộc sống lẫn công việc. Đọc sách còn giúp bản thân hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Vì vậy, với tôi, đọc càng nhiều càng tốt cho mình”.

Học tập không có nghĩa là cứ cắp sách đến trường mà khi học tập suốt đời, đọc là phương pháp hữu hiệu. Đây cũng là suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Phết, ở thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Theo chị Phết, kiến thức rất mênh mông và không có giới hạn. Để có nhiều kiến thức trên mọi lĩnh vực, chị thường đọc nhiều loại sách khác nhau. Khi đọc, chị lưu lại những kiến thức mới, những điều hay bằng cách ghi chép vào quyển sổ nhỏ. Văn hóa đọc vì vậy luôn là “trường học” không bao giờ cũ, luôn mang lại những kiến thức mới cho người đọc.

"Thời đại ngày nay không nên quá câu nệ việc đọc sách giấy hay đọc qua mạng. Hình thức đọc nào cũng có điều hay và những hạn chế riêng, quan trọng là bản thân phải biết cách đọc thế nào cho phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực."

Bạn Nguyễn Mỹ Duyên, ở phường 4, TP.Tân An

Tuy nhiên, bên cạnh những người yêu thích đọc, nghiền ngẫm kiến thức trên từng trang giấy thì cũng có người chọn cách đọc qua Internet để tiếp cận tri thức. Hầu hết, đọc trên mạng là chọn lựa của nhiều bạn trẻ hiện nay.

Bạn Nguyễn Mỹ Duyên, ở phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Công việc khá bận rộn nên tôi không có thời gian đi nhà sách, nếu muốn mua sách, tôi thường đặt qua các website bán sách trực tuyến như vinabook.com; Tiki.vn với giá ưu đãi và tiện lợi. Ngoài ra, trong máy tính và điện thoại, tôi tải trang ebook để có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết. Tôi nghĩ, thời đại ngày nay không nên quá câu nệ việc đọc sách giấy hay đọc qua mạng. Hình thức đọc nào cũng có điều hay và những hạn chế riêng, quan trọng là bản thân phải biết cách đọc thế nào cho phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực”.

Đọc trên giấy, đọc trên mạng dù khác nhau về hình thức nhưng đều chung mục đích hình thành thói quen đọc sách nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc và hướng đến xây dựng xã hội học tập thông qua văn hóa đọc.

Công nghệ thông tin với văn hóa đọc

Trong giữ gìn, phát triển văn hóa đọc, hệ thống thư viện (TV) tỉnh đến cấp huyện và TV trường học là “linh hồn” của nét văn hóa này. Nhằm đáp ứng nhu cầu và phục vụ tốt độc giả, hệ thống TV chú trọng ứng dụng CNTT trong quá trình hoạt động. Riêng hệ thống TV trường học, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 412 TV trường học; trong đó, 91 TV xuất sắc; 181 TV tiên tiến và 135 TV đạt chuẩn. Những TV xuất sắc, tiên tiến có trang bị máy tính, kết nối Internet để phục vụ việc đọc, tra cứu, tra tìm sách của giáo viên, học sinh.

Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An hướng dẫn công tác TV trường học với nhiều nhiệm vụ, trong đó có từng bước xây dựng TV điện tử, đưa ứng dụng CNTT trong công tác TV trường học (bảo đảm 100% TV trường học đạt chuẩn trở lên đều thực hiện ứng dụng CNTT vào quản lý TV).

Trường THPT Nguyễn Thông ở huyện Châu Thành là một trong những đơn vị ứng dụng CNTT vào hoạt động TV khá sớm (năm 2010). Hiện tại, TV được trang bị 11 máy tính kết nối Internet để phục vụ việc đọc, tra cứu sách của giáo viên, học sinh. “Với số lượng gần 10.000 quyển sách, gồm nhiều thể loại như hiện nay, nếu không ứng dụng phần mềm quản lý sách thì mỗi khi vào TV, tìm sách đọc rất mất thời gian. Còn bây giờ, chỉ cần nhập những thông tin của sách vào máy tính là có thể tìm dễ dàng. Sự nhanh chóng, tiện lợi khi đưa CNTT vào hoạt động TV giúp giáo viên, học sinh cảm thấy thoải mái, dễ dàng khi đến TV. Từ đó, số lượng vào TV ngày càng tăng, khoảng 20 lượt người/ngày” - chị Phạm Thị Mỹ Linh - nhân viên TV Trường THPT Nguyễn Thông bộc bạch.

Ngoài quản lý, tìm sách dễ dàng, khi CNTT được đưa vào TV trường học, các em thường đến TV tìm thêm sách mới trên các máy tính được trang bị và đề xuất nhà trường bổ sung, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức.

Em Ngô Thụy Ngọc Châu - học sinh lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Thông chia sẻ: “Một tuần, em đến TV trường khoảng 3 buổi để tìm đọc những sách tham khảo nâng cao kiến thức. Em cũng thích đọc những sách chủ đề gia đình để tích lũy kiến thức xã hội, cách ứng xử trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở TV trường chủ yếu là sách tham khảo và rất ít sách về gia đình. Muốn đọc những loại sách này, em thường vào Internet trên máy tính dành cho học sinh ở TV trường để gõ từ khóa, tìm đọc trên mạng. Nhờ có Internet mà em đọc được nhiều sách hay, bổ ích hơn khi đến TV trường”.

Cùng với TV trường học, TV tỉnh, huyện, thành phố, thị xã cũng là nơi để bạn đọc tìm đến nguồn tri thức dồi dào. Phó Giám đốc TV tỉnh Long An - Lê Việt Hùng thông tin: “Từ năm 2004, TV tỉnh ứng dụng CNTT vào hoạt động TV. Qua đó, công tác phục vụ bạn đọc và quản lý TV tiện lợi hơn trước. Với những phần mềm được ứng dụng, tất cả các dữ liệu, thông tin của sách được nhập vào máy, in ra mục lục, sau đó in ra thành thư mục theo chủ đề, chuyên đề của sách để nhân viên TV dễ dàng tìm khi bạn đọc mượn sách và bạn đọc dễ tra cứu sách khi cần. Ngoài ra, TV ứng dụng phần mềm quản lý bạn đọc, cấp thẻ và số lượng cho mượn sách để thống kê lượt bạn đọc. Cũng như TV tỉnh, TV tuyến huyện ứng dụng CNTT vào hoạt động phục vụ bạn đọc và công tác quản lý”.

Hiện tại, ở TV tỉnh trang bị 1 máy tính cho bạn đọc tra cứu sách khi cần. Chỉ cần nhập thông tin vào máy, phần tóm tắt nội dung sách sẽ hiện ra để độc giả dễ nắm bắt thông tin, chọn lựa những loại sách phù hợp. Bên cạnh đó, khi nhập từ khóa, bạn đọc sẽ thấy một loạt biểu ghi để chọn sách thuận tiện hơn. Tuy nhiên, trong thời kỷ nguyên số như hiện nay, văn hóa đọc phải phát triển hiện đại hơn. Đó là TV điện tử. “Đây cũng là mong ước của TV tỉnh. Khi xây dựng được TV điện tử, bạn đọc có thể đọc nhiều loại sách hơn, đọc toàn văn và đọc tại nhà để nâng cao trí thức” - ông Lê Việt Hùng mong muốn.

Cùng với đọc qua sách giấy, việc đọc qua mạng cũng là lựa chọn phù hợp để học tập, giữ gìn văn hóa đọc trong lúc CNTT phát triển như hiện nay. Vì vậy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động TV, tra tìm dữ liệu là cần thiết để mọi người cùng đọc, cùng học để trau dồi, nâng cao tri thức.

Ngoài ý nghĩa nâng cao nhận thức, xây dựng xã hội học tập bằng con đường giữ gìn, phát huy văn hóa đọc, “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” - chủ đề của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” còn nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động TV và tìm kiếm thông tin, hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết