Tiếng Việt | English

17/09/2017 - 01:00

Vang mãi vành đai diệt Mỹ

Có một vành đai diệt Mỹ khiến quân thù khiếp sợ và được ghi vào sử sách của dân tộc ta. Đó chính là vành đai diệt Mỹ tại Rạch Kiến. Và giờ đây, sau ngày đất nước thống nhất, các xã nằm trong vành đai diệt Mỹ năm nào hàn gắn vết thương chiến tranh, năng động vươn lên.

Quyết tâm đánh thắng Mỹ

Ngày 20/12/1966, đế quốc Mỹ đổ quân tái chiếm Rạch Kiến với âm mưu khống chế, đánh phá vùng giải phóng Cần Đước, Cần Giuộc hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và cứu vãn tình thế đang ngày càng suy sụp của ngụy quân, ngụy quyền. Mỹ cho máy bay chở thép, bêtông xây dựng bãi pháo sân bay, khu bộ binh, sở chỉ huy, khu hành chính ngụy và xung quanh khu vực này, địch còn bố trí 6 lớp kẽm gai và 3 tuyến bãi mìn rất kiên cố. Từ căn cứ này, địch liên tục bắn phá các nơi, bất kể ngày đêm. Song, phổ biến nhất vẫn là cách đánh tấn công ồ ạt dùng pháo, máy bay, bỏ bom bắn phá vào một điểm ở vùng căn cứ của ta, rồi cho trực thăng đổ quân nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và uy hiếp tinh thần của quần chúng nhân dân.

Được sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp là các đồng chí: Tư Thân, Hai Phải, Huyện ủy họp đánh giá tình hình và chủ trương thiết lập một vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến gồm: Long Hòa, Tân Trạch, Long Trạch, là những xã tiếp cận với địch nhất; các xã phụ cận gồm: Long Khê, Phước Vân, Long Sơn, Long Cang, Mỹ Lệ, Phước Tuy và 2 xã của huyện Cần Giuộc là Phước Lâm, Thuận Thành.

Học sinh tham quan Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến

Lực lượng của ta được bố trí trên 3 tuyến vành đai: Tuyến 1 du kích liên xã Long Hòa, xã Tân Trạch bố trí hầm chông, gài mìn, lựu đạn, phục kích bắn tỉa địch; tuyến 2 do bộ đội tỉnh và bộ đội địa phương phân tán từng bộ phận nhỏ tiêu diệt địch; tuyến 3 do du kích xã, du kích mật kết hợp nhân dân bố trí hầm chông lựu đạn, tổ ong vò vẽ khắp xã chuẩn bị địa hình chiến đấu với địch. Trên vành đai diệt Mỹ, ta tổ chức đào khắp các đoạn đê làm chướng ngại vật cản xe M113 của địch. Ngoài ra, ta còn phát động phong trào thi đua diệt Mỹ, bất kể già, trẻ, trai, gái đều tham gia hưởng ứng phong trào này để đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Năm 1966, tại ngã ba Long Sơn, lực lượng C316 chống càn với địch, ta tiêu diệt 1 trung đoàn Mỹ. Năm 1967, lực lượng bộ đội tỉnh kết hợp bộ đội địa phương huyện C315 diệt gọn 1 đại đội lính Mỹ ở đồn Long Khê, làm cho địch phải bỏ luôn căn cứ này.

Bên cạnh đấu tranh vũ trang, ta còn phát triển mạnh mũi binh vận ở khắp các xã vành đai. Lực lượng chủ yếu là phụ nữ, có cả người già. Bà Phạm Thị Ánh Tuyết (ngụ ấp 1B, xã Long Hòa) - người có công với cách mạng, cho biết: “Lúc đó, tôi cũng là người tham gia trong việc tuyên truyền, kêu gọi các anh em binh lính hãy buông súng, trở về với cách mạng. Bởi hầu hết những trận càn, binh lính người Việt đi đầu làm bia đỡ đạn cho lính Mỹ. Những khẩu hiệu chúng tôi thường sử dụng lúc ấy là “Anh em binh sĩ không đi trước làm bia đỡ đạn cho Mỹ”, “Mỹ thua về Mỹ, anh em binh sĩ về đâu?”, “Chông, mìn dành cho Mỹ”. Từ đó, nhiều binh lính ngụy tìm đúng hướng đi khiến nhiều trận càn của địch thất bại”.

Tiếp bước truyền thống cha anh

Phát huy truyền thống cha anh, trong thời kỳ mới, những xã trong vành đai diệt Mỹ năm nào nay trở thành địa bàn có thế mạnh về phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt những thành tựu khá vững chắc trên các lĩnh vực KT-XH, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Đảng bộ và nhân dân các xã nơi đây tập trung phát triển mọi mặt đời sống xã hội, hòa nhịp vào sự phát triển chung của huyện nhà, của tỉnh và cả nước trong thời kỳ mới.

Một trong những địa phương đó, nổi bật nhất là xã Long Hòa - nơi có Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Ngày nay, xã Long Hòa ngày càng sầm uất, đời sống của người dân được nâng lên. Hiện, xã còn 11 hộ nghèo, chiếm 0,54%; 95% gia đình có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố; hộ khá giàu chiếm 98%; 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa - Trần Duy Khanh chia sẻ: “Dự kiến cuối năm nay, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong chiến tranh, người dân Long Hòa nói riêng, người dân Cần Đước nói chung luôn một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng, hòa bình lập lại, mọi người cùng chung sức xây dựng quê hương. Điển hình: Xã luôn nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo cho người nghèo,... Với những nỗ lực đó, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm. Chúng tôi luôn cảm thấy rất tự hào về truyền thống cách mạng của người dân nơi đây”.

Bí thư Đoàn xã Long Hòa - Đặng Vũ Khánh cho biết: “Chúng tôi rất tự hào được là người con của quê hương Long An. Là những người đại diện cho thế hệ trẻ, chúng tôi nguyện một lòng ra sức xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực: Tiếp tục thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, Thứ bảy tình nguyện; thường xuyên bồi dưỡng lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ,...”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết