Tiếng Việt | English

16/01/2017 - 13:38

Vào rừng hái dứa dại

Lội bùn lầy, luồn lách vào các bụi dứa gai để thu hoạch vài chục kilôgam trái, kiếm vài trăm ngàn trang trải cuộc sống. Hàng ngày, những người hái dứa dại vẫn cần mẫn vác cái rựa lội sâu trong bưng biền tìm “đặc sản” trong vùng hoang hóa.

1.Buổi sáng, ăn vội bữa cơm, anh Nguyễn Trung Nghĩa, ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, mang cái rựa được mài bén ngót xuống vỏ lãi “dong” thẳng vào rừng hái dứa. Ở miền bưng biền, chua phèn này, dứa gai có tự đời nào không ai nhớ nổi, chỉ nhớ đây là loại cây gắn liền với tuổi thơ khốn khó của những con người nơi đây.


Để có dứa, anh Nguyễn Trung Nghĩa phải luồn lách vào những bụi dứa đầy gai, rậm rạp

“5, 10 năm trước, hầu như sau hè, cặp hông nhà nào cũng có vài bụi dứa gai. Mỗi khi chúng sinh sôi nhiều quá phải chặt bớt nhưng cây dứa có sức sống mãnh liệt, chặt một cây thì ở gốc lại mọc lên 3, 4 chồi non mới. Hồi đó, dân quê ưa hái trái dứa chín vạt ra, phơi khô rồi nấu nước uống cho mát, chứ chưa ai nghĩ có ngày loại trái này lại có thể kiếm ra tiền” - anh Nghĩa nhớ lại.

Chiếc vỏ lãi lướt trên sông, hai bên bờ chỉ dứa với dứa. Những bụi dứa xanh mướt, cao gần 5 mét, đầy gai nhọn lấn át các loài cây dại khác. Đi tiếp hơn 10 cây số nữa, anh Nghĩa vào sâu trong các khu đất còn hoang hóa, chỉ có cây tràm, năng sinh sôi. Anh nói, mấy bụi dứa ở cặp sông, gần đường, người ta hái nhiều, giờ không còn trái nào, chỉ ở các khu vực hoang vu mới còn.

Sau hơn 30 phút vòng vèo trên các con rạch nhỏ, anh cặp xuồng tại khu vực dứa gai mọc hoang rộng hàng trăm mét vuông rồi lấy chai dầu nóng bỏ vô túi áo đề phòng bị kiến hay muỗi, vắt cắn có cái mà xức. Chân trần, anh vác rựa băng qua vạt năng nước ngập tới đầu gối, phạt mấy tàu lá dứa đầy gai dọn đường.

Giữa bụi dứa đầu tiên có 2 trái dứa nhỏ màu xanh còn nằm trong nách lá. Anh Nghĩa nói, 2 trái này còn nhỏ quá, để nó lớn tầm 2-3 ký mới hái, sang bụi khác, anh thấy mấy trái dứa già, vỏ ngả sang màu vàng nhạt như trái khóm đang bị kiến bu quanh. Anh phải mất chừng 10 phút phạt mấy nhánh dứa gai góc xung quanh mới hái được.

Độ khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ rảo quanh đám dứa, anh Nghĩa hái gần 20 trái dứa chắc nịch khoảng chừng 40kg. Dù có 5, 6 năm kinh nghiệm hái dứa, vậy mà khi trở ra từ đám dứa, hai tay anh vẫn bị gai cào trầy xước, rướm máu.

Anh cho biết, thường một đám dứa sau khi khai thác phải đợi 1-1,5 tháng mới có trái trở lại, nên thợ hái phải biết xoay vòng, tính toán sao cho khi hái đám dứa cuối cùng thì đám dứa đầu tiên có trái chín.


Sau hành trình vất vả, anh Nghĩa cho dứa lên vỏ lãi chở về bán

2.Gần đây, nhiều khách hàng ở TP.HCM săn lùng trái dứa rừng để làm thuốc nam chữa bệnh nên giá dứa tăng cao. Mỗi kilôgam dứa tươi ở Đức Huệ có giá khoảng 20.000 đồng, bình quân mỗi chuyến vào rừng, một người hái được khoảng 40-50kg, kiếm được vài trăm đến cả triệu đồng.

Người dân địa phương thấy dứa có giá nên cũng bỏ tiền ra mua dứa tại vựa rồi sang tay lại cho các mối lái ở thành phố. Những người như anh Nghĩa nếu không bán cho vựa thì bỏ công đem dứa ra đường bày bán kiếm thêm chút đỉnh tiền lời.

Mỗi bận hái dứa bán, anh Nghĩa đều giữ lại 1, 2 trái rồi vạt ra, phơi khô, nấu nước uống. Anh nói, ở quê không có thứ trái gì uống vào mát người như dứa dại, lại không sợ phân bón, thuốc trừ sâu.

Thế nhưng mấy tháng gần đây, hành trình vào rừng hái dứa của anh và mấy người đi chung như ngày càng dài ra, nhiều người hái không ý tứ chặt luôn cả trái non đem bán dù biết rõ trái chín mới có vị thuốc nên dứa cạn kiệt dần, muốn hái phải vào sâu trong rừng.

Mặc dù “hái” ra tiền nhưng những người chọn nghề này chỉ xem đây là nghề tạm, tranh thủ làm những lúc nông nhàn. Bởi anh biết, dù cây dứa sinh sôi nhanh nhưng nó không nhanh bằng những nhát dao của người hái.

Mấy năm gần đây, công nghiệp phát triển, những đám dứa gai ngày nào dần nhường chỗ cho nhà xưởng. Và cái nghề mưu sinh với cái rựa trên vai, luồn sâu vào rừng của những người hái dứa cũng dần mai một./.

Nguyệt Nhi-Thụy Du

Chia sẻ bài viết