Tiếng Việt | English

21/03/2016 - 14:10

Vào TPP, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam chống hàng giả

Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong chiến dịch truy quét hàng giả để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định TPP.

Trang tin Nikkei Asian Review cho hay, Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đấu tranh chống hàng giả nhập khẩu, với hy vọng sẽ nâng cao hiệu quả của các quy tắc trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiệp định TPP có hẳn 1 chương về sở hữu trí tuệ, cung cấp nội dung bảo vệ bản quyền và thương hiệu mạnh mẽ hơn so với các hiệp định thương mại khác, chẳng hạn như cho phép các cơ quan chức năng vạch trần những trường hợp vi phạm mà thậm chí không cần đến quyền khiếu nại của chủ thể.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không thể được hưởng lợi một cách trọn vẹn nếu như tất cả các thành viên TPP không thực thi đầy đủ những quy định trong Hiệp định.

Tiêu hủy máy tính Casio giả. (Ảnh: Thanh Niên)

Chính phủ Nhật Bản cho rằng các nền kinh tế mới nổi cần nâng cao các kỹ năng phòng chống hàng giả, hàng nhái và muốn giúp đỡ các nước này, trước hết là Việt Nam.

Theo đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các quan chức biên giới Việt Nam nâng cao các kỹ năng so sánh hàng giả và các sản phẩm hợp pháp, đồng thời tạo ra và một khuôn khổ cần thiết để các nhà quản lý có thể tham gia cùng với các ngành công nghiệp bán lẻ nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Những biện pháp này là một phần trong thỏa thuận hợp tác mà Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Motoo Hayashi đã cam kết cùng với các quan chức Việt Nam trong buổi làm việc mới đây tại tại Hà Nội.

Nikkei Asian Review trích dẫn lời một quan chức Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết, xe máy và các loại hàng giả khác đang tràn ngập vào thị trường Việt Nam qua Trung Quốc. Việc phát hiện hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên khó khăn hơn nếu chỉ dựa vào bề ngoài của sản phẩm.

Phía Nhật Bản cũng đang có kế hoạch mở rộng hỗ trợ cho Malaysia và các thành viên khác trong TPP tăng cường nhập khẩu các sản phẩm hợp pháp từ Nhật Bản.

Nhật Bản và Việt Nam cũng sẽ mở rộng hợp tác trong ngành công nghiệp dệt may. Hai nước sẽ cân nhắc dỡ bỏ thuế đối với một số mặt hàng dệt may trong khu vực, đồng thời xem xét trợ cấp và tiết kiệm thuế cho các nhà sản xuất Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam. Hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp này trong năm bản lề 2016 và cuộc họp đầu tiên dự kiến diễn ra trong tháng 6, theo thuận được ký kết vào ngày 19/3.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam năm 2015 tăng 21%, đạt 1.510 tỷ yên (tương đương 13,5 tỷ USD). Với dân số đang gia tăng, Việt Nam hứa hẹn là một thị trường tiềm năng thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, với kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan hơn các nước khác như Trung Quốc và Hàn Quốc./.

Trần Ngọc/VOV.VN
Theo Nikkei Asian Review 

Chia sẻ bài viết