Tiếng Việt | English

24/12/2019 - 19:45

Vào vụ mứt tết

Vào dịp tết, thị trường bánh, kẹo, mứt rất đa dạng về chủng loại, nhất là các mặt hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, những loại bánh, mứt truyền thống vẫn được nhiều người chọn lựa trong những ngày xuân về, tết đến.

Chùa Pháp Vân làm mứt truyền thống phục vụ thị trường tết
Chùa Pháp Vân làm mứt truyền thống phục vụ thị trường tết

Đến chùa Pháp Vân (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) vào những ngày cuối tháng 11 âm lịch, chúng tôi thấy không khí tất bật, khẩn trương ở đây. Không ai bảo ai, mỗi người một công đoạn, phần việc khác nhau nhưng tất cả có điểm chung là cho ra lò những mẻ mứt ngon phục vụ khách hàng. 

Được biết, cách đây 4 năm, chùa Pháp Vân chỉ làm mứt để phục vụ phật tử trong những ngày tết. Do chùa làm các loại mứt không quá ngọt, không sử dụng phẩm màu, hóa chất nên các phật tử rất thích, có nhu cầu mua tặng bạn bè, người thân và dùng trong gia đình. Từ đó, mỗi năm, chùa làm gần 10 tấn mứt nhưng vẫn không đủ cung cấp cho phật tử. 

Ông Trần Thiết Hiền (quận 7, TP.HCM) cho biết: “Năm nào tôi cũng đến chùa Pháp Vân mua mứt về tặng người thân và khách hàng. Vì ở đây làm các loại mứt rất ngon, không có hóa chất nên tôi rất thích. Riêng năm nay, tôi làm đại lý bán các loại mứt của nhà chùa. Hiện nay, tôi đã có nhiều khách đặt hàng với số lượng lớn”.

Hiện nay, chùa Pháp Vân làm trên 10 loại mứt như me, dừa, bí đỏ, cà chua, táo,… Công việc làm mứt của chùa bắt đầu vào cuối tháng 10 âm lịch. Theo đó, những loại mứt có thời gian sử dụng lâu như me, gừng, chùa sẽ làm trước, còn những loại mứt có thời gian sử dụng ngắn thì làm vào giữa tháng 11 âm lịch.

Thế mạnh của chùa Pháp Vân trong việc làm các loại mứt là giữ nguyên vẹn hương vị và màu sắc truyền thống. Vì vậy, khâu chọn lựa nguyên liệu đầu vào phải kỹ, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa có hương vị, màu sắc đặc trưng không lẫn với các hàng hóa ở nơi khác. Ngoài ra, khâu ướp gia vị và sên đường cũng phải canh sao cho đều tay, không quá ngọt, không quá lạt. Thầy Thích Huệ Lực (Trụ trì chùa Pháp Vân) chia sẻ: “Chùa làm mứt chủ yếu phục vụ nhu cầu của phật tử, không làm theo kiểu kinh doanh. Để làm ra một loại mứt mới, chùa phải trải qua nhiều lần thử nghiệm, từ đó mới quyết định làm hay không. Lợi nhuận từ việc làm mứt chùa dùng làm từ thiện - xã hội ở địa phương. Năm 2019, chùa tặng trên 1.000 phần quà và xây 1 căn nhà tình thương cho người nghèo”.

Không nhộn nhịp như chùa Pháp Vân, căn bếp của bà Trương Thị Lan, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh cũng ngập tràn không khí tết vì mùi thơm của mứt dừa, me, chuối ngào đường tỏa ra ngào ngạt. Ngày thường, bà Lan bán hàng online nhưng vẫn làm mứt bán khi có người đặt hàng. Còn dịp tết, gia đình bà phải dốc toàn lực mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Mứt dừa bán với giá từ 80.000-150.000 đồng/kg, tùy theo độ dẻo của dừa; chuối ngào đường bán từ 80.000-100.000 đồng/kg; mứt me 150.000-180.000 đồng/kg. Khách hàng của bà Lan tăng qua từng năm, trong đó chủ yếu là mối quen đã dùng sản phẩm và giới thiệu cho người khác đến đặt hàng. 

Bà Lan cho biết: “Nhà ở quê nên tôi có điều kiện trồng dừa, chuối và me do đó có nguồn nguyên liệu ổn định, không tốn nhiều chi phí. Những lúc cao điểm, tôi mới thu mua thêm của người dân xung quanh. Từ tháng 11 âm lịch đã có khách đặt hàng nên tôi phải thuê thêm người làm mới đáp ứng nhu cầu khách hàng”. 

Hiện nay, bánh, mứt ngoại nhập được bày bán nhiều tại các tiệm tạp hóa, siêu thị. Song, nhiều khách hàng lại có xu hướng chọn mua những loại bánh, mứt tết truyền thống. Điều đó khẳng định bánh, mứt truyền thống vẫn có sức sống riêng. Và những người làm bánh, mứt truyền thống góp phần làm đẹp thêm cho nét ẩm thực ngày xuân. Hơn hết, khách hàng lại được thưởng thức hương vị đặc trưng của bánh, mứt quê nhà./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích