Tiếng Việt | English

10/03/2016 - 14:29

Về Cần Đước nhớ Nàng Thơm Chợ Đào

Gạo Nàng Thơm Chợ Đào là nông sản đặc trưng của Cần Đước, Long An, bởi khi sử dụng đúng gạo “chính thống” kết hợp với các món ăn dân dã vùng này thì khó có thể diễn tả,…

1. Chợ Đào là ngôi chợ nằm nhỏ nằm cạnh con kinh đào nối với Xóm Bồ thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An được nhiều người biết đến bởi gạo Nàng Thơm: “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” không chỉ nói lên sự dồi dào về số lượng mà còn Cần Đước từ xưa là một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo nổi tiếng của vùng đất Gia Định.

Theo tìm hiểu thì Lúa Nàng Thơm có thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu có hương vị thơm, dẻo, ngọt, ngon bằng trồng ở cánh đồng xung quanh Chợ Đào. Gạo Nàng Thơm Chợ Đào hạt dài, thon, ở giữa có một khối trắng đục, hơi hồng mà người ta gọi là “hột lựu”. Khi đem giống lúa Nàng Thơm trồng nơi khác chỉ sau một mùa là “hột lựu” đã biến mất và chất lượng gạo theo đó cũng giảm đi rất nhiều.

Bởi thế gạo Nàng Thơm Chợ Đào hết sức quý hiếm, năng suất chỉ khoảng 4 tấn/ha. Bù lại, giá trị kinh tế của nó rất cao, giá thành gạo Nàng Thơm Chợ Đào luôn đắt hơn loại gạo thường từ 2-3 lần. Gạo Cần Đước, nhất là gạo Nàng Thơm từ thời Minh Mạng đã trở thành thứ đặc sản tiến Vua. Theo Đại Nam Thực Lục, từ năm 1838, triều đình đã định lệ là hàng năm tỉnh Gia Định phải nộp 100 hộc thóc, loại bông thưa, gặt muộn ở bảy thôn xã của huyện Phước Lộc (nay là Cần Đước và Cần Giuộc) về kinh cho vua dùng.

Về nguồn gốc của giống lúa Nàng Thơm cho đến nay chưa có tài liệu nào cho biết một cách rõ ràng, chính xác. Một số cụ lớn tuổi ở Chợ Đào cho biết giống lúa Nàng Thơm có được là do trong quá trình sản xuất, người nông dân ở đây đã tuyển chọn một số giống lúa thơm: Nàng Quớt, Nanh Chồn, Lúa Đuôi Trâu, Lúa Nhỏ… và qua thời gian nó trở thành thuần chủng. Chính vì vậy mà nguồn gốc Nàng Thơm có được là do các giống lúa có tên “Nàng” kết hợp với phẩm chất “thơm” của gạo mà ra.

Như vậy việc nảy sinh một giống lúa đặc sản trên có thể mang tính chất ngẫu nhiên cộng với sự hiểu biết về thiên nhiên của địa phương, mà người dân ở đây đã chọn được giống lúa ổn định phẩm chất, đưa vào sản xuất rộng rãi loại gạo Nàng Thơm này. Từ đó, gạo Nàng Thơm Chợ Đào dần nổi tiếng gần xa.

2. Ở Cần Đước, người nông dân thưởng thức gạo Nàng Thơm theo một phong cách dân dã. Vào giáp Tết, lúa vừa gặt xong, cả cánh đồng còn thơm mùi rơm mới, nhân lúc nông nhàn, người ta nấu nồi cơm Nàng Thơm. Chưa mở nắp vung, mùi hương đã bay sực nức. Nồi cá bống kèo, loại cá được bắt lên từ sông rạch vùng hạ, kho trong nồi đất vừa chín tới. Đơm một bát cơm, ăn với cá kho, lắng nghe vị thơm dẻo, ngọt bùi của cơm, hòa quyện với vị béo của cá thì chắc thực khách sẽ khó quên.

Quây quần xung quanh mâm cơm còn có những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng giàu tinh thần văn nghệ. Họ vừa ăn cơm, vừa nhâm nhi ly rượu nếp, vừa đàn hát cho nhau nghe những bài vọng cổ đậm tình xứ sở quê hương.

3. Ngày nay, nhiều người - nhất là giới trẻ thường chưa mấy coi trọng bữa cơm khi mà bên ngoài thị trường có nhiều thực phẩm ngon, bổ và sang hơn là hạt gạo. Xưa nay, nói đến gạo Nàng Thơm Chợ Đào là nổi tiếng gần xa. Chỉ cần một lần ăn cơm được nấu từ gạo này là khó có thể quên được hương vị của nó.

Nên trước đây, những dịp tết đến xuân về, ai có loại gạo này nấu cúng ông bà là sang trọng lắm. Nhưng ngày nay, trong dịp tết rất hiếm khi bắt gặp được mùi thơm của gạo Nàng Thơm Chợ Đào trong những bữa cơm ngày tết. Dường như, bây giờ cửa hàng nào cũng có gạo Nàng Thơm Chợ Đào, người mua không thể phân biệt đâu là gạo Nàng Thơm chính gốc, đâu là gạo "nhái". Gạo nấu không thơm, cơm lại cứng, nhất là cơm nguội không giữ được độ xếp dẻo và lưu lại mùi thơm như xưa.

Tin rằng, trong một ngày không xa, gạo Nàng Thơm Chợ Đào sẽ lấy lại thương hiệu của mình bằng chất lượng trong từng hạt gạo. Để ai về Cần Đước sẽ vương vấn mùi thơm của chén cơm nóng hổi thơm phức mùi gạo Nàng thơm..../.

Duy Phong

Chia sẻ bài viết