Tiếng Việt | English

15/09/2017 - 14:09

Về lại nơi từng có Đám lá tối trời

Về lại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An và nhắc đến Đám lá tối trời, người dân trong vùng nói vui: “Giờ thành đám lá sáng trời rồi!”. Thật vậy, căn cứ cách mạng năm nào giờ trở thành những đầm nuôi tôm trù phú. Đám lá tối trời còn lại chăng chỉ là những rặng dừa nước lưa thưa ven sông.

Căn cứ cách mạng ngày ấy

Khu di tích lịch sử Đám lá tối trời là địa danh chỉ những đám dừa nước rậm rạp, kín bưng, nơi che phủ căn cứ địa cách mạng của ta ở vùng đất Nhựt Ninh. Đây từng là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ kháng chiến của tỉnh Long An trong suốt 30 năm (1945-1975). Ngày 16/8/1948, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, dùng xe bọc thép và tàu chiến bao vây căn cứ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng đang trú đóng nơi đây. Tuy nhiên, những cuộc hành quân của chúng liên tiếp thất bại vì gặp phải địa hình phức tạp, phía dưới thì sình lầy, trên thì âm u, rậm rạp, khó tìm được lối ra nếu không thông thạo địa hình. Vì thế, chúng gọi nơi đây là Đám lá tối trời và cũng từ lúc này, Đám lá tối trời trở thành địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử Long An.

Đường vào Khu di tích Đám lá tối trờiMột lão nông gắn bó gần trọn đời với mảnh đất Nhựt Ninh chia sẻ: “Long An không có núi, không có rừng, nhưng ngày xưa, nơi đây từng tồn tại một căn cứ lừng danh trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là Đám lá tối trời. Bất chấp mọi phương tiện hủy diệt của kẻ thù, kể cả chất hóa học khai hoang, Đám lá tối trời vẫn tồn tại. Ngày xưa, có một pháo đài làm nhiệm vụ canh giữ và lá chắn cho Đám lá tối trời. Lính Mỹ gọi đó là “mục tiêu X”, còn cánh phi công thường gọi là “pháo đài Tân Trụ”.

Người xây nên pháo đài đất ấy là ông Nguyễn Văn Thanh, thường gọi là Chín Thanh, nhà ở cạnh Đám lá tối trời. Suốt ngày đêm, ông loay hoay đào đắp một cái nền cao và rộng. Ai cũng thấy lạ, cứ tưởng ông đắp nền cất nhà. Không bao lâu, ông Chín Thanh đắp nên một ụ đất cao, đắp đến đâu, ông dùng chày nện thật chặt rồi đắp tiếp. 3-4 tháng sau, hình thành cái tháp hình vuông, cao khoảng chục mét, như một cái lò nung gạch. Ông làm một đường bậc thang xoắn ốc từ đỉnh xuống đáy tháp. Xung quanh tháp, ông nặn đắp nhiều tượng Phật, để xua bom đạn, ông tin như vậy.

Từ ngày cái tháp của ông Chín Thanh xuất hiện, cả một vùng suốt đêm ngày rung chuyển vì Mỹ thả bom vào “pháo đài”. Trong khi các phi công Mỹ căng mắt nhìn “mục tiêu X” để ném bom và nơm nớp lo sợ bị bắn trả từ trong pháo đài, ông bình thản nằm nhổ râu và uống nước trà trong tháp. Sau mỗi đợt bom dội phá, ông ra xem chỗ nào bị sứt mẻ hay sụp lở, lại vác cuốc, chống xuồng chở đất về đắp vá, nện lại như cũ.

Nhiều ngày liên tiếp không thấy máy bay đến dội bom, ông buồn, nghĩ chắc tụi phi công quên chỗ, nên lấy cái thùng phuy sơn 2 màu xanh, đỏ dựng cao trên nóc tháp. Từ trên cao nhìn xuống thấy màu cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, vậy là bom đạn lại ào ào trút xuống. Mấy năm Mỹ ném bom mà ông Chín Thanh không hề hấn gì nhưng cuối cùng, ông chết vì đạp mìn vào năm 1972. Cái pháo đài sau ngày giải phóng cũng lần hồi bị san bằng và Đám lá tối trời ngày ấy giờ là những đầm tôm...

Đám lá tối trời ngày xưa, nay chỉ là những vuông tôm

Bao giờ mới được phục dựng?

Ngày nay, hầu hết người dân Nhựt Ninh đều mong muốn Đám lá tối trời được phục dựng. Hơn 20 năm trôi qua, kể từ ngày được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, Đám lá tối trời gần như bị... xóa sổ.

Từ cuối năm 2009, UBND tỉnh thông qua kế hoạch phục dựng di tích Đám lá tối trời trên diện tích 11ha với các công trình: Trạm quân y, khu giải phẫu, phòng điều dưỡng thương binh, phòng họp, kho vũ khí,
đài quan sát,... Cái tháp của ông Chín Thanh năm xưa có thể cũng được đắp lại. Ban đầu, công trình dự kiến được khởi công vào năm 2011 nhưng đến nay, nơi này chỉ mới xây dựng được bia truyền thống. Ông Phạm Văn Xem, nhà ở gần di tích Đám lá tối trời, cho biết: "Lúc trước, tỉnh về khảo sát, quy hoạch để phục dựng khu di tích, người dân mừng lắm, nhưng chờ hoài đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

Bí thư Đảng ủy xã Nhựt Ninh - Lê Văn Trường chia sẻ: “Đầu năm 2009, UBND tỉnh thông qua kế hoạch phục hồi di tích Đám lá tối trời. Trên diện tích 11ha (phần trung tâm của Đám lá tối trời năm xưa) sẽ trồng lại thảm thực vật xen kín những dừa nước, bần, vẹt,... Những công trình tiêu biểu của căn cứ kháng chiến ngày nào: Trạm quân y, khu giải phẫu, phòng điều dưỡng thương binh, phòng họp, kho vũ khí, đài quan sát,... cũng được phục dựng. Mong muốn của lãnh đạo địa phương cũng như của người dân là tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa, đầu tư phục dựng di tích để góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Người dân Long An nói chung và huyện Tân Trụ nói riêng luôn hy vọng khu di tích Đám lá tối trời được phục dựng, trở thành điểm đến lý tưởng dành cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất ven dòng sông Vàm Cỏ Tây./.

Song Hồng 

Chia sẻ bài viết