Tiếng Việt | English

10/08/2015 - 15:00

Về luân chuyển cán bộ

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh ta cùng cả nước đã tiến hành thực hiện công tác luân chuyển cán bộ trong phạm vi sâu rộng, luân chuyển cán bộ từ Trung ương xuống các tỉnh, thành phố; từ tỉnh, thành phố xuống đến các quận, huyện, thị xã, và từ quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh xuống đến các xã, phường.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 trong 2 nội dung chính: Kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020 trong công tác tổ chức cán bộ đều không có đề cập đến nội dung về luân chuyển cán bộ.

Trong Nghị quyết số 42, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quy hoạch cán bộ; Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ, bảo đảm vai trò lãnh đạo tập trung của cấp ủy đi đôi với việc phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu; đồng thời, mở rộng dân chủ trong việc phát hiện nguồn, phát hiện tài năng; với phương châm quy hoạch cán bộ phải thật sự gắn kết với các khâu khác trong công tác cán bộ như: Nhận xét, đánh giá cán bộ; luân chuyển, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ là khâu quan trọng nhất, là tiền đề cho việc bố trí cán bộ và cho quy hoạch cán bộ; đồng thời, quy hoạch cán bộ là cơ sở để thực hiện luân chuyển, đào tạo cán bộ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài...

Thực tế trong nhiệm kỳ qua, công tác luân chuyển cán bộ các cấp cho thấy, nếu cán bộ cấp trên được luân chuyển về làm công tác Đảng ở địa phương thì thuận lợi hơn; nếu làm công tác chính quyền, như chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND, thì thường gặp nhiều khó khăn, vì phải giải quyết nhiều công việc, tình huống cụ thể, chưa có sách vở nào hướng dẫn. Lý do là, trước khi luân chuyển, số cán bộ này chỉ phụ trách một lĩnh vực chuyên môn, cho nên khi phải xử lý các công việc đa dạng, cụ thể ở địa phương thì hết sức lúng túng. Thời gian 4, 5 năm chưa đủ để họ thành thạo công việc. Mỗi quyết định của người lãnh đạo ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhiều vấn đề đời sống xã hội.

Luân chuyển cán bộ không chỉ nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ mà còn giúp cho các địa phương tăng thêm nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là việc rất cần thiết để giúp cán bộ được rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn, song cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng và bố trí công việc phù hợp đối với cán bộ đi luân chuyển mới có thể đáp ứng các yêu cầu của Đảng đặt ra. Như vậy, thực tế trong nhiệm kỳ 2010-2015 công tác tổ chức về việc luân chuyển cán bộ ở tỉnh ta được thực hiện như thế nào? Và trong phương hướng, nhiệm vụ ở nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ được phát huy ra sao? Tôi đề nghị, trong Dự thảo báo cáo văn kiện Đại hội X của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 nên bổ sung thêm nội dung công tác luân chuyển cán bộ vào 2 phần chính: Thực hiện nghị quyết và phướng hướng, nhiệm vụ để cho văn kiện của Đại hội đầy đủ, sát thực hơn./.

Võ Thanh Nghị

Chia sẻ bài viết