Tiếng Việt | English

22/01/2017 - 14:50

Về một người “sếp” của tôi

Tôi từng làm thư ký cho bác Sáng một thời gian thì nghỉ. Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, một chiều tan tầm, hay tin bác mất, lòng chùng xuống xót xa...

Vị “sếp” người Nam bộ

Ngày đó, khi còn là sinh viên, tôi tập tành viết bài về mảng văn nghệ cho một số báo. Đó cũng là cơ duyên để tôi có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ. Trong đó, có lẽ người mà tôi may mắn được tiếp xúc trong quãng thời gian đủ lâu để lưu lại những ấn tượng sâu đậm chính là nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Lúc bấy giờ, được các anh chị phóng viên cho biết, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang tìm thư ký cho ba anh ấy, tức nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi liền tìm cách liên lạc và đánh bạo gọi cho bác Nguyễn Quang Sáng. Nhanh chóng, tôi nhận được cái hẹn từ bác để trực tiếp trao đổi xem có hợp với công việc hay không. Tư gia của nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngay ngã tư một khu phố ở quận 7, khung cảnh yên bình nhờ bóng cây sakê phủ rợp (sau này, bác gái hay kêu tôi đem lá sakê về nấu nước uống cho mát). Sau cuộc phỏng vấn, tôi chính thức được bác nhận làm công việc thư ký. Cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy ghi lại trong tôi những cảm xúc khó tả.

Tôi không biết uống rượu nên chỉ có thể chỉ hầu trà bác mỗi buổi sáng đến làm. Có lần tôi hỏi, gốc người miền Nam sao bác lại nghiện trà Bắc? Bác nói liền, thì lỡ nghiện nó từ cái hồi ở Hà Nội mà. Vậy là, mỗi sáng trên chiếc bàn bên khoảng sân nhỏ trước nhà, lại có một nhà văn già lặng lẽ ngồi với làn khói thuốc mỏng mảnh bên chén trà ấm và một cậu sinh viên trẻ háo hức với công việc mới. Nhiều hôm hứng khởi, hai bác cháu ra quán cà phê gần nhà.

Ngoài công việc chính là giúp bác Sáng đánh máy, chỉnh sửa bản thảo, nhiều hôm, tôi còn giúp bác tìm lại hồ sơ, giấy tờ hoặc dọn dẹp, phân loại tủ sách của bác. Chủ yếu là sách văn chương nhiều thể loại, nhiều tác giả, nhiều thời kỳ,... Bác nói, may mà tôi là dân văn nên cũng biết cách phân loại sách để theo từng khu vực. Bác cũng nhờ tôi sắp đặt nhiều đồ lưu niệm, kỷ vật trong phòng. Nhớ có lần, bác chỉ 2 pho tượng, một là tượng chân dung bác (do người bạn làm tặng), hai là tượng bác gái (bác Sáng đặt làm thêm) và chia sẻ, nguyện vọng của bác sau khi mất là được hỏa táng rồi cho tro cốt vào tượng để ở nhà vừa không phiền toái chuyện chôn cất, vừa đỡ phần con cháu cất công thăm viếng xa xôi. Giờ nhớ lại những ký ức đó, tôi không khỏi chạnh lòng.

“Hồi ký” còn dở dang, kịch bản sân khấu chưa hoàn thành

Năm 2008, khi trả lời phỏng vấn của anh Thất Sơn về việc viết hồi ký, bác Sáng cho biết, bác chỉ thích đọc hồi ký của người khác chứ không muốn viết. Nhiều lần nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Trần Thanh Phương cũng gợi ý tác giả kịch bản Cánh đồng hoang viết hồi ký nhưng bác Sáng đều từ chối với ý nghĩ đã viết thể loại này thì phải trung thực. Nhưng có biết bao lý do mà dễ có mấy ai kể đúng về mình trăm phần trăm. Mà ngẫm ra, hồi ký, ký ức của bác nằm rải rác trong các tác phẩm gửi đến bạn đọc rồi. Đó là suy nghĩ, là tâm niệm của bác Sáng mà nhiều người đều biết đến qua báo chí, qua bè bạn. Tuy vậy, trong thời gian tôi làm thư ký cho bác, ngay buổi đầu tiên (và một vài buổi sau nữa), công việc của tôi là giúp bác ghi lại một cuốn sách có tựa là Chuyện đời nhớ lại, kể nghe chơi, một dạng gần như hồi ký.

Ngoài Chuyện đời nhớ lại, kể nghe chơi, bác Sáng còn dang dở một số bài như: Những kỷ niệm về Văn Cao; Chuyện ông Mười Đờn; Chuyện về Frank Greke (một người Đức, vì mê nhạc Trịnh và mê uống rượu với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà lấy tên Việt là Trịnh Công Long; bài này dang dở với câu cuối cùng là: “Bữa nay, chỉ nhớ một vài điều của Long”); Kỷ niệm với nhạc sĩ Tôn Thất Lập,... Đặc biệt là truyện Buồn buồn vui vui (câu chuyện thấm đượm nỗi buồn về những bước đường gian truân của nhiều số phận cô gái miền Tây) và kịch bản sân khấu Nhà vua nước nhỏ. Những dòng đầu của kịch bản Nhà vua nước nhỏ, bác Sáng tâm sự: “Lâu nay mình ấp ủ một kịch bản sân khấu. Mình đang suy nghĩ sẽ hợp tác viết với tác giả nào, nhà hát nào. Mình vẫn chưa nghĩ ra một người nào chắc chắn vì còn nhiều băn khoăn. Liệu họ có đồng tình với mình hay không? Có dám xông vào đề tài gai góc hay không?”. Rồi sau 2 trang A4 kể sơ về cốt truyện và định hình một số màn, cảnh, bác kêu tôi viết: “Đại khái câu chuyện là như vậy, khi viết kịch bản sẽ triển khai chi tiết và cụ thể hơn”, nhưng giờ thì có lẽ vở kịch ấy sẽ mãi mãi không thể ra mắt công chúng.

Con đường kỷ niệm

Tôi làm thư ký cho bác Sáng một thời gian thì nghỉ. Một phần vì tôi bắt đầu đi vào chặng đường những năm cuối đại học, một phần vì bác bận bịu đi các tỉnh miền Tây để tìm cảm hứng, tìm cảnh quay cho phim về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bác nói, khi nào cần người giúp tiếp thì sẽ gọi cho tôi. Tôi “dạ” và hy vọng rồi sẽ có dịp lại được tiếp tục công việc ý nghĩa này. Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua. Tôi tiếp tục học, tốt nghiệp rồi làm cộng tác viên cho Báo Công an thành phố, một thời gian sau lại về công tác tại Trường Đại học Văn Hiến. Một chiều tan tầm, chợt hay tin bác mất, lòng chùng xuống xót xa... Hôm đi viếng bác về, trùng hợp tôi lại có công việc ở quận 9, nơi tôi từng ở trọ suốt thời sinh viên. Vừa chạy xe, vừa bùi ngùi nhìn cảnh vật hai bên xa lộ Hà Nội, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về. Mới ngày nào, sau cả tuần trên giảng đường, đến sáng thứ bảy, chủ nhật, tôi lại đi trên con đường này từ quận 9 sang nhà bác ở quận 7 để giúp bác viết bản thảo. Những buổi sớm mùa xuân. Gió nhẹ nhàng thổi. Từng làn nắng vừa lên. Dòng xe bon bon trên cung đường tỏa rộng. Điểm đến là nhà của một nhà văn Nam bộ hiện đại tiêu biểu mà văn chương của ông đã đi vào lòng biết bao thế hệ bạn đọc. Tất cả cảm giác đó khó có thể diễn đạt sao cho tròn vẹn. Nó như vừa mới hôm qua.../.

Trần Xuân Tiến

Chia sẻ bài viết