Tiếng Việt | English

25/10/2017 - 04:19

Về nguồn – “Đòn bẩy” giúp quê nghèo phát triển  

Về nguồn – chương trình xã hội hóa, vận động nguồn lực chăm lo đời sống cho người có công, người nghèo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang lại nhiều kết quả thiết thực; được đông đảo nhân dân đón nhận, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia đóng góp. Hoạt động này góp phần tạo “đòn bẩy” cho các địa phương phát triển, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa được hỗ trợ 8 tỉ đồng để xây dựng từ hoạt động "Về nguồn"

Công trình mới – diện mạo mới

Có thể nói, trong cả nước, “Về nguồn” là hoạt động sáng tạo của tỉnh Long An trong công tác Dân vận. Đây là mô hình hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khởi xướng. Trong giai đoạn từ năm 2007 – 2009, việc triển khai chương trình Về nguồn mang tính chất thí điểm để rút kinh nghiệm. Từ năm 2010, hàng năm, tỉnh chọn 2 xã, huyện chọn 1 xã và mỗi xã chọn 1 ấp tổ chức Về nguồn. Riêng năm 2015, tỉnh chọn 3 xã điểm để bảo đảm 15/15 huyện, thị xã, thành phố đều được tỉnh chọn làm điểm một đơn vị.

Từ khi có hoạt động Về nguồn, nhiều địa phương khởi sắc rõ rệt. Điển hình như tại xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa được chọn là xã điểm Về nguồn của tỉnh vào năm 2014. Với gần 100 tỉ đồng được đầu tư, Bình Phong Thạnh có nguồn kinh phí chăm lo cho các hộ nghèo, học sinh nghèo hiếu học, gia đình chính sách, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Bình Phong Thạnh – Hồ Văn Đạt cho biết: “Trước đây, đường ra biên giới là đường đất, trải đá chỉ được 1 mét ngang, học sinh đi lại vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Từ khi có chương trình Về nguồn, đường ra biên giới Bình Phong Thạnh – Bình Thạnh với chiều dài trên 7 km được hỗ trợ 33 tỉ đồng nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, tuyến đường liên huyện Mộc Hóa – Thạnh Hóa (4km) cũng được đầu tư trên 22 tỉ đồng. Đặc biệt, xã được đầu tư 2 giếng nước tại ấp 2 phục vụ cho trên 300 hộ dân và một số hộ của xã Tân Thành (huyện Mộc Hóa) với kinh phí 5 tỉ đồng/giếng. Ngoài ra, công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cũng được hỗ trợ 8 tỉ đồng xây dựng,… Đến nay, Bình Phong Thạnh đạt 13/19 tiêu chí NTM, từng bước hướng đến mục tiêu trở thành thị trấn Bình Phong Thạnh.”

Năm 2015, Bình Thành (huyện Đức Huệ) là xã cuối cùng của chương trình Về nguồn cấp tỉnh với tổng số tiền được hỗ trợ là khoảng 100 tỉ đồng. Thời điểm năm 2010, toàn xã có đến 38% hộ nghèo, đến nay chỉ còn 5,7%. Đây là một nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã. Trên địa bàn xã không có nhiều doanh nghiệp, việc vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, trao tặng nhà tình nghĩa, tình thương cho đối tượng chính sách, hộ nghèo rất khó khăn. Đặc biệt là hoàn thành các tiêu chí “cứng” trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.


Đường Cây Gáo, ấp 3, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ được nhựa hóa từ kinh phí của hoạt động "Về nguồn"

Nhờ nguồn kinh phí từ hoạt động Về nguồn, nhiều công trình được quan tâm đầu tư: Đường giao thông nông thôn (GTNT), Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, Trạm Y tế, Trường Mầm non,…Trưởng Trạm Y tế xã Bình Thành, huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Triều cho biết: “Trạm Y tế xã được xây dựng từ năm 1994 nên xuống cấp nhiều, thiết bị cũ. Từ tháng 4/2015, trụ sở Trạm được khởi công với kinh phí trên 3,6 tỉ đồng từ nguồn vốn Về nguồn của tỉnh với 14 phòng chức năng. Ngoài ra, trang thiết bị được tập đoàn Dầu khí tặng trị giá trên 1 tỉ đồng, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.”

Trong 6 năm, cấp tỉnh đầu tư kinh phí trên 708,6 tỉ đồng cho hoạt động Về nguồn, cấp huyện và cơ sở huy động cho các hoạt động Về nguồn trên 2.474 tỉ đồng. Phần lớn sử dụng đầu tư các công trình xây dựng cơ bản và công tác đền ơn đáp nghĩa cùng các hoạt động xã hội,…

“Sức bật” xây dựng quê hương

Nhờ Về nguồn, nhiều địa phương không chỉ được tạo “đà” thoát nghèo mà còn hoàn thành các tiêu chí NTM. Tại Thuận Mỹ - một xã vùng hạ của huyện Châu Thành, trước đây, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống bấp bênh. Năm 2012, Thuận Mỹ được chọn làm xã điểm Về nguồn của tỉnh. Với 124 tỉ đồng từ hoạt động Về nguồn, xã xây dựng các công trình GTNT, hệ thống đê bao ngăn lũ phục vụ sản xuất lúa, nuôi tôm, xây dựng trạm cấp nước, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, Trường THPT Thuận Mỹ;...

Trong đó, một trong những công trình nổi bật nhất chính là Trạm cấp nước An Khương Thới được đầu tư trên 6 tỉ đồng phục vụ cho trên 500 hộ dân tại ấp Bình An, Bình Khương, Bình Trị 1, Bình Trị 2,…Với “đòn bẩy” từ hoạt động Về nguồn, Thuận Mỹ về đích đúng hạn, được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa - NTM" vào tháng 3/2016. Đây là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục phấn đấu, phát huy thành quả hiện có, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân.


Từ nguồn vốn "Về nguồn" Trạm cấp nước An Khương Thới (ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) được đầu tư trên 6 tỉ đồng phục vụ cho trên 500 hộ dân tại ấp Bình An, Bình Khương, Bình Trị 1, Bình Trị 2

Tại TP.Tân An, năm 2015, xã An Vĩnh Ngãi được tỉnh chọn làm điểm tổ chức hoạt động Về nguồn với gần 70 tỉ đồng; trong đó tỉnh hỗ trợ gần 50 tỉ đồng, phần còn lại của TP.Tân An và nhân dân đóng góp. Từ đó, xã đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các tuyến đường GTNT, trải nhựa, tráng bê tông các tuyến đường liên xóm, ấp. Việc đầu tư xây dựng 4 tuyến đường huyết mạch: Nguyễn Văn Tịch, Lê Văn Cảng, Trần Văn Ngà, Phạm Văn Điền tạo thuận lợi trong việc giao thương với các xã, phường trên địa bàn TP.Tân An và các xã giáp ranh thuộc huyện Châu Thành.

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư cải tạo nhà bia của xã với số tiền 10 tỉ đồng, Trường Mẫu giáo An Vĩnh Ngãi 3 tỉ đồng và mở rộng Trường Tiểu học An Vĩnh Ngãi 2 tỉ đồng; đầu tư đèn điện chiếu sáng công cộng đoạn từ UBND xã đến ranh giới tỉnh Tiền Giang với số tiền 830 triệu đồng; xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa 240 triệu đồng, 14 căn nhà đại đoàn kết 340 triệu đồng.

Ngoài nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh, TP.Tân An cũng hỗ trợ đầu tư nạo vét Rạch Cỏ Chỉ 74 triệu đồng; bê tông hóa 18 tuyến đường GTNT, trị giá 709 triệu đồng; khoan 2 giếng nước 300 triệu đồng. UBND xã cũng vận động nguồn lực dặm vá đá xanh các tuyến đường trị giá trên 400 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết,…Đặc biệt, trong tổng vốn Về nguồn đợt này, người dân tự nguyện hiến đất làm đường, hỗ trợ tiền, ngày công lao động trị giá gần 10 tỉ đồng.

Năm 2010, An Vĩnh Ngãi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường,… được xem là khó hoàn thành vì mức đầu tư rất lớn. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng thời, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các cấp, đặc biệt là từ chương trình Về nguồn, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng. Đây cũng là tiền đề giúp xã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM.

Đường giao thông của xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An được nhựa hóa từ kinh phí của hoạt động "Về nguồn"

Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy – Đỗ Thanh Hùng nhận định: “Từ các hoạt động Về nguồn, 100% gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều nhận những phần quà nghĩa tình của Ban Tổ chức Về nguồn. Ban Tổ chức Về nguồn các cấp còn trân trọng tặng Mẹ VNAH, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khánh vàng, tiền quà và các đồ dùng sinh hoạt khác. Đặc biệt là các công trình kết cấu hạ tầng được xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp với kinh phí khá lớn phục vụ tốt cho sản xuất và dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở các địa phương trong tỉnh.

Từ năm 2016, Tỉnh ủy chủ trương không tổ chức hoạt động Về nguồn quy mô cấp tỉnh mà giao các cấp, ngành tiếp tục đưa Về nguồn vào chương trình công tác hàng năm, từng bước tháo gỡ khó khăn, bức xúc của nhân dân, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Đồng thời, tỉnh khuyến khích tập trung nguồn lực đầu tư cho chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và chương trình xây dựng NTM.”

Hiện nay, tuy không còn thực hiện tại cấp tỉnh nhưng hoạt động Về nguồn được các huyện tiếp tục thực hiện. Năm 2017 này, huyện Tân Thạnh, Cần Đước,…vừa hoàn thành tổ chức Về nguồn trong tháng 10. Trong đó, tổng kinh phí cho hoạt động Về nguồn tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh gần 41 tỉ đồng. Còn tại Cần Đước, nguồn kinh phí vận động cho chương trình Về nguồn gắn với xây dựng NTM tại xã Tân Ân là trên 30 tỉ đồng.

Sau chương trình Về nguồn, nhiều xã đạt chuẩn văn hóa – NTM. Về những vùng quê mới ngày nào còn nghèo khó, giờ đây, những tuyến đường GTNT được tráng bê tông thẳng tắp, những công trình phúc lợi, đài nước, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang. Về nguồn – hoạt động thể hiện ý Đảng, lòng dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Nhờ Về nguồn đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao, đúng với phương châm “Về nguồn- về với nhân dân”./.

Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết