Tiếng Việt | English

16/06/2020 - 11:12

Về thăm Di tích lịch sử Nhà và lò gạch nhà yêu nước Võ Công Tồn

Là vùng đất anh hùng, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An gắn liền với Di tích lịch sử (DTLS) cấp quốc gia Nhà và lò gạch Võ Công Tồn - nơi nhà yêu nước tiền khởi nghĩa hoạt động cách mạng, là chỗ dựa tin cậy của Đảng và các nhà hoạt động yêu nước. Long Hiệp hôm nay có sự khởi sắc vượt bậc từ khi triển khai xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM).

Tự hào truyền thống quê hương anh hùng

Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi trở về thăm khu DTLS cấp quốc gia Nhà và lò gạch Võ Công Tồn. Nơi đây, nhà yêu nước tiền khởi nghĩa Võ Công Tồn sản xuất và kinh doanh gạch ngói tạo nguồn tài chính cung cấp cho Đảng, cơ sở tin cậy của Đảng bộ Chợ Lớn, Xứ ủy Nam kỳ và các phong trào yêu nước trước năm 1945. Vào năm 1935, Chi bộ Đảng ấp Lò Gạch ra đời tại khu Lò gạch Võ Công Tồn. Mọi sinh hoạt, hội họp của chi bộ đều diễn ra tại đây.

Bia tưởng niệm Nhà và lò gạch Võ Công Tồn - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ

Ngoài ra, đây cũng chính là nơi hoạt động của những nhà yêu nước và lãnh đạo cách mạng như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai, mở lớp học 20 ngày để tuyên truyền, vận động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cho đông đảo công nhân lò gạch năm 1936. Nhà Võ Công Tồn được xây dựng khoảng năm 1910, theo kiểu chữ “công” 3 gian, 2 chái với chất liệu bêtông, mái ngói.

Hiện nay, DTLS cấp quốc gia Nhà và lò gạch Võ Công Tồn đã được đầu tư, nâng cấp khang trang. Trong nhà được trang trí mang phong cách chung của các ngôi nhà khá giả cuối thế kỷ XIX với bao lam, hoành phi, câu đối. Nổi bật ở nhà Võ Công Tồn là bao lam với đề tài đa dạng được thể hiện sinh động bởi kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, cẩn ốc xà cừ rất công phu và có giá trị về mặt điêu khắc, chạm gỗ.

Tại Trường TH, THCS Võ Công Tồn, việc giáo dục truyền thống đã gắn liền với những việc làm thường kỳ như cho học sinh sinh hoạt ngoại khóa tại khu DTLS Nhà và lò gạch Võ Công Tồn; tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh hiểu hơn về những di tích cách mạng của quê hương mình để từ đó có sự nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống. Hiệu trưởng Trường TH, THCS Võ Công Tồn - Nguyễn Thị Ngọc Ngạn cho biết: “Ôn lại quá khứ hào hùng về nhà yêu nước Võ Công Tồn cùng những trang sử vẻ vang của quê hương Bến Lức là cách làm thiết thực để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Khu DTLS Nhà và lò gạch Võ Công Tồn là địa chỉ đỏ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, từ đó hun đúc lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tin và tự hào của thế hệ trẻ”.

“Thông qua các hoạt động ngoại khóa về nguồn bổ ích tại khu DTLS Nhà và lò gạch Võ Công Tồn giúp học sinh, đoàn viên, thanh niên hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Từ đó, giới trẻ tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc” - Bí thư Đoàn xã Long Hiệp - Phan Thanh Hiếu chia sẻ.

Đổi thay trên quê hương anh hùng

Về thăm xã Long Hiệp, xe chạy băng băng qua những con đường được trải nhựa, bêtông phẳng lì. Hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, khang trang; cảnh quan, môi trường địa phương xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, tuyến đường ấp Lò Gạch dẫn vào khu DTLS sạch, đẹp, không còn xuất hiện những bãi rác tự phát. Định kỳ hàng tháng, Đoàn Thanh niên xã kết hợp các đoàn thể tuyên truyền rộng rãi đến người dân ý thức bảo vệ môi trường và thu gom, đổ rác đúng nơi quy định.

Cầu giao thông nông thôn được xây mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông

Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho kinh tế, văn hóa, xã hội của xã phát triển. Cơ cấu kinh tế nông thôn đã có sự chuyển dịch tích cực. Trên địa bàn xã có 2 khu công nghiệp (Vĩnh Lộc, Phúc Long) cùng với 65 công ty, doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của xã. Các loại hình thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, tạo việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Theo Chủ tịch UBND xã - Huỳnh Thanh Phong, bắt tay xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của xã đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, xã xác định chủ thể của chương trình xây dựng NTM là nhân dân, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng”.

Phát huy truyền thống anh hùng, thế hệ trẻ hôm nay ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động, vượt qua khó khăn, có ý chí và khát vọng phấn đấu trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước giàu đẹp./.

Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết