Tiếng Việt | English

19/10/2019 - 10:45

Về Tri Tôn xem đua bò vùng Bảy Núi

Chúng tôi về Tri Tôn (An Giang) trong một ngày đồng bào Khmer Nam bộ đang bước vào những ngày lễ Sene Đônta (lễ cúng ông bà). Đó là khoảng thời gian mà chúng tôi cảm nhận đầy đủ mưa, nắng vùng Bảy Núi, được hòa mình vào không khí vui tươi của đồng bào nơi đây để thưởng thức những màn thi thố đầy hào hứng của một trong những hội thi ấn tượng nhất vùng đất Nam bộ - Hội đua bò.

Quán cà phê vợt tại Long Xuyên
Quán cà phê vợt tại Long Xuyên

1. Theo lời dặn của đứa em, chúng tôi đón xe khách chuyến 0 giờ từ TP.HCM để kịp đến Long Xuyên khi trời vừa hừng sáng. Từ thành phố của tỉnh An Giang, chúng tôi tiếp tục mất hơn một giờ đi xe máy để đến xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, nơi diễn ra Hội đua bò tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 26. Sau giấc ngủ chập chờn, ngắn ngủi, chúng tôi đến điểm hẹn khi đồng hồ vừa chỉ qua 4 giờ sáng. Mọi thứ còn chìm trong bóng đêm. Chưa kịp hỏi phải làm gì cho đến sáng thì đứa em đã giục: Lên xe đi, em chở đến chỗ này, thú vị lắm! Chúng tôi nghe lời, bước lên xe, mặc thằng em chạy vòng vòng qua những con đường, dãy phố còn “ngủ vùi” trong yên lặng. Sau ít phút, nó dừng lại dưới dốc cầu Bà Bầu. “Đây là quán cà phê vợt duy nhất ở TP.Long Xuyên” - đứa em giới thiệu với chúng tôi. Quán dựng bằng vách gỗ. Tiếng nghệ sĩ ca vọng cổ, ánh đèn vàng vọt trong nhà cùng những làn khói tỏa lên từ cái bếp nấu bằng vỏ trấu gợi chúng tôi nhớ về hình ảnh quen thuộc của những gia đình vùng thôn quê cách nay vài chục năm. Những chiếc ghế cây được đặt trước quán hay trên hành lang cây cầu cũng đậm nét xưa cũ. Mới hơn 4 giờ nhưng quán đã có nhiều người đến uống cà phê đợi sáng. Đứa em cho biết, quán mở cửa từ 2 giờ. Phần lớn là người già, dân lao động, sau này có thêm nhiều bạn trẻ đến “nhâm nhi”. Chúng tôi ngồi đấy cho đến khi nắng rọi sáng từng khuôn mặt người.

Màn đua bò hấp dẫn

Màn đua bò hấp dẫn

2. Tạm biệt quán cà phê vợt, chúng tôi lên đường đến Tri Tôn, lướt qua những cánh đồng đã tràn nước lũ muộn. Hai bên đường, nhiều người dân bày bán trước nhà những món ăn dân dã như khô, cà na,… Gần 9 giờ, chúng tôi đến thị trấn Tri Tôn. Xe chạy về phía xã Núi Tô, càng gần đến nơi diễn ra hội thi, người và xe càng thêm dập dìu. Chúng tôi chạy men theo núi Tà Pạ, đi thêm chừng 2 cây số là đến hội thi đua bò. Đây là điểm đua mới được xây dựng nên từ bãi giữ xe đến sân đua, khán đài đều khá rộng, có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức của hàng chục ngàn người xem. Khi chúng tôi đến, lễ khai mạc đã diễn ra. Hội thi đã bắt đầu vòng loại. Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò tham gia đến từ các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành của An Giang và các huyện: Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, năm nay, hội đua bò còn thu hút các đôi bò đến từ tỉnh Sóc Trăng. Hội thi diễn ra vòng loại vào buổi sáng. Buổi chiều là thời gian đua tài của những đôi vượt qua vòng loại để tranh thứ hạng cao. Các đôi bò sẽ thi hai nội dung “hô” và “thả”. Nhà thơ Trần Thế Vinh, người con của vùng đất Tri Tôn, cho biết, thông thường đôi đi sau có ưu thế hơn. Nếu ở vòng "hô" (vòng thi cho bò làm quen để lấy trớn), đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua hoặc đôi bò sau giẫm lên giàn bừa (một tấm gỗ có răng bừa bên dưới cho người điều khiển đứng) của đôi bò đi trước thì sẽ bị loại. Tuy nhiên, khi đến phần "thả" (chạy nước rút), đôi bò sau chỉ cần giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước thì sẽ thắng cuộc. Trong khi đó, “nài bò” phải đứng vững, không để rơi ra khỏi giàn bừa trong suốt quá trình đua, nếu không cũng bị loại. 

Trời bắt đầu nắng hơn. Những cặp đua đầu tiên thường mang đến tiếng cười nhiều hơn là sự phấn khích. Có đôi bò cứ “hô” hoài suốt cả hai phần thi. Có đôi, dù Ban Tổ chức thông báo tới vòng "thả" nhưng nó cứ đủng đỉnh mà không chịu chạy nước rút về đích, mặc cho người điều khiển ra sức kích cây xà-lul vào mông bò. Nhiều trường hợp, đôi bò đang thi thố “ngon lành” bỗng nhiên “hứng chí” chạy ra khỏi đường đua khiến chủ của nó méo mặt, còn khán giả thì được một phen… hú vía. Nhiều người xem cho rằng, chất lượng bò đua năm nay không tốt bằng những năm trước. Tuy nhiên, với dân am hiểu thì cho rằng, đó là "chiến thuật" của các đội. “Thật ra ai cũng quen mặt nhau hết. Khi biết đội mình không thể thắng được thì có đội cũng sẵn sàng buông mà không cố gắng hết sức. Vì vậy, vòng loại thường không có sự tranh đua quyết liệt” - một khán giả địa phương cho biết. Và đúng thế! Trời càng nóng dần, đường đua cũng “nóng” theo. Càng vào vòng trong, tính quyết liệt càng cao. Hàng chục ngàn người vẫn đội nắng để theo dõi những trận đua cuối cùng của hội đua bò năm nay. Ai cũng mong muốn được nhìn thấy nhà vô địch. 

Trận cuối cùng là sự tranh tài giữa đôi đương kim vô địch của ông Nguyễn Thành Tài (số đeo 33) đến từ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn với đôi bò của ông Nguyễn Văn Liệt (số 06) đến từ xã An Phú, huyện Tịnh Biên. Đây là những gương mặt quen thuộc của Hội đua bò An Giang. Có lẽ, ông Tài là người nhiều thành tích nhất của hội thi khi qua 26 lần tổ chức, đôi bò của ông đoạt vô địch gần một nửa. Chính vì thế, trận chung kết năm nay, nhiều người mong đợi một cuộc lật đổ đến từ đôi bò của ông Liệt. Trận chung kết bắt đầu, đôi bò của ông Tài đi trước. Cả hai đều theo sát ở vòng "hô". Nhưng khi đến vòng "thả", từ phía sau, đôi bò của ông Liệt bắt đầu bứt lên mạnh mẽ. Ông Tài cũng thể hiện bản lĩnh khi cố gắng vượt lên. Những chùm hoa nước từ phía sau hai đôi bò bung lên thật to, thật lộng lẫy, cho thấy sự quyết liệt của trận đua. Cuối cùng, với nước rút tốt hơn, đôi bò của ông Liệt cán đích trước trong sự hò reo của hơn 30.000  khán giả kiên trì chứng kiến dưới cái nắng oi bức.

Hội đua bò kết thúc. Mọi người ra về. Ai ai cũng mang theo những câu chuyện của riêng mình từ những màn tranh tài hấp dẫn vừa qua. Bất chợt trời chuyển mây đen. Cơn mưa dồn dập đổ xuống. Chúng tôi kịp chạy vào mái hiên của một ngôi nhà trong thị trấn Tri Tôn để trú mưa. Chủ nhà thân thiện mời vào bên trong để tránh mưa tạt vào người. Trong ngôi nhà ấm cúng, chủ nhà tiếp tục câu chuyện về lễ hội đua bò vừa diễn ra. Ông nói say mê, ẩn chứa niềm tự hào. Dường như với mỗi người dân Tri Tôn, lễ hội truyền thống này trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Mọi người đều trông chờ lễ hội đến để được hò reo khi những đôi bò dũng mãnh mà mình yêu thích về nhất. Và không chỉ có người dân nơi đây, nhiều du khách khắp nơi cũng háo hức tìm về vùng đất Tri Tôn để được thưởng thức những màn tranh tài hấp dẫn, được đắm chìm trong cái nắng, cái mưa vùng Bảy Núi này./.

Võ Mạnh Hảo

Chia sẻ bài viết