Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 02:55

Về xã nông thôn mới

Đường bêtông trải dài đến từng nhà. Điểm xuyết giữa những cánh đồng lúa, hoa màu là căn biệt thự của bác nông dân vừa mới xây dựng. Trẻ nhỏ nô nức đến trường, người lớn phấn khởi làm việc. Cuộc sống ấm no, trù phú hiện diện trên các xã nông thôn mới (NTM).

Nâng cao đời sống vật chất

“100% tuyến đường giao thông nông thôn, kể cả đường ngõ xóm đều được bêtông hóa” - Đó là khẳng định của lãnh đạo xã Hòa Phú, huyện Châu Thành và xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Hòa Phú và Thanh Phú là những xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh. Sự sung túc, bình yên là điểm chung dễ nhận thấy nhất ở những địa phương này. Dọc khắp các tuyến đường bêtông là những căn nhà kiên cố. Đời sống người dân được nâng lên, thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người; cụ thể, xã Thanh Phú: 16,4 triệu đồng/năm 2010 lên 40 triệu đồng/năm 2017; xã Hòa Phú: 17 triệu đồng/năm 2010 lên 46 triệu đồng/năm 2017.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Củi ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, cùng chung niềm vui có căn nhà mới.

Trước đây, gia đình bà Củi là hộ nghèo. Nhà ít đất sản xuất, chồng lâm bệnh, bà bán hết ruộng đất chạy chữa nên rơi vào cảnh túng thiếu. Khi Bến Lức trở thành huyện công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, vợ chồng con trai bà Củi đi làm công nhân. Từ đó, cuộc sống gia đình bắt đầu ổn định. Gia đình bà vừa tu bổ, sửa chữa lại căn nhà.

Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, bà Củi bày tỏ: “Giờ, vợ chồng tôi ở nhà chăm lo nhà cửa, mọi việc còn lại để vợ chồng con trai lo liệu”. Tính đến thời điểm này, Thanh Phú chỉ còn 69 hộ nghèo/2.379 hộ, chiếm 2,9%.

Tại Hòa Phú, đời sống người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Xây dựng xã NTM, đường đi lại được mở rộng, bêtông hóa, thủy lợi được chú trọng đầu tư giúp việc sản xuất nông nghiệp của người dân thuận lợi hơn rất nhiều, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Đinh Tiến Bé - nông dân ấp 4, xã Hòa Phú, kể: “Hòa Phú trước đây là xã nghèo, đường sá nhỏ, hẹp, lầy lội. Ngay căn nhà tôi ở trước đây cũng heo hút. Từ khi xây dựng NTM, xã có nhiều thay đổi. Có đường sá thuận tiện, nông sản dễ tiêu thụ, cuộc sống người dân ổn định hơn”.

Hiện tại, Hòa Phú chỉ có 2 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Hầu như 100% tuyến giao thông nông thôn trong xã đều được bêtông hóa theo đúng chuẩn quy định. Khoảng 80% hộ dân sử dụng nước đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế. Tình hình an ninh, trật tự (ANTT) được bảo đảm. Nhiều năm, xã được tặng cờ của Bộ Công an là đơn vị dẫn đầu phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn cho biết: “Mục tiêu của xã là hướng đến xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; bảo vệ môi trường; bảo đảm ANTT; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tận tụy phục vụ nhân dân”.

Cải thiện đời sống tinh thần

Những năm trước đây, Hòa Phú từng là điểm đen về ANTT. Hiện tại, ANTT địa phương được giữ vững, ổn định, nhiều năm liền được Bộ Công an tặng cờ. Điều đó cho thấy hiệu quả tích cực của việc xây dựng NTM tại các địa phương.

Xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân (Trong ảnh, người lớn tuổi tại Tân Lân với thú vui cây kiểng)

Nếu Hòa Phú dẹp được tệ nạn thì tại Tân Lân (xã văn hóa-NTM của huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh - Cần Đước), đời sống tinh thần của người dân cũng được chăm lo từ những điều nhỏ nhất. Nhiều phụ huynh học sinh điểm Trường Mẫu giáo ấp Ao Gòn, xã Tân Lân đến nhà văn hóa ấp đọc sách, báo khi rảnh rỗi hoặc lúc chờ đón con trở thành quen thuộc.

Nhà Văn hóa ấp Ao Gòn được trang bị tủ sách với nhiều loại đầu sách: Pháp luật, lịch sử, văn học, truyện tranh, cả nhật báo, tuần báo, tạp chí,... Mỗi ngày, nhà văn hóa ấp đều mở cửa phục vụ người dân có nhu cầu đọc.

Trưởng ấp Ao Gòn - Võ Văn Hên cho biết, việc mở cửa nhà văn hóa ấp và trông coi sách báo trong tủ sách được một người dân gần đó đảm nhiệm. Ở Tân Lân có 5 nhà văn hóa ấp được trang bị tủ sách.

Tủ sách Nhà Văn hóa ấp Ao Gòn có nhiều đầu sách, phục vụ hiệu quả nhu cầu đọc và tìm hiểu thông tin của người dân

Ngoài các tủ sách trên, xã còn có 5 câu lạc bộ văn nghệ, thể thao và mỗi ấp đều có từ 4-5 đội văn nghệ, thể thao riêng, duy trì sinh hoạt đều đặn nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Tân Lân có 98% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, ý thức người dân về tình làng, nghĩa xóm và bảo vệ môi trường khá tốt. Nhiều năm qua, trên địa bàn xã hầu như không có vụ việc khiếu kiện nào nghiêm trọng, những bất hòa thường nhật được ban hòa giải ở ấp tổ chức hòa giải và tỷ lệ thành luôn trên 80%.

Ông Nguyễn Kim Hoàng ở ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, có trên 10 năm tham gia công tác hòa giải tại ấp, cho biết: “Tôi nhận thấy, trình độ và nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, đặc biệt là sau khi xây dựng thành công xã văn hóa - NTM. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao và số vụ việc cần hòa giải ngày một ít đi. Đó là điều đáng mừng!”.

Mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Và kết quả thực sự rất đáng khích lệ. Không còn vất vả, thiếu thốn, không còn lạc hậu, tệ nạn, NTM mang về cuộc sống mới ấm no, sung túc cho mỗi gia đình./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết