Tiếng Việt | English

15/11/2019 - 08:48

Vì cuộc sống xanh

Chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều địa phương trong tỉnh Long An thực hiện các mô hình thiết thực. Qua đó, người dân nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng túi nylon trong cuộc sống hàng ngày. Những hành động, việc làm nhỏ vì môi trường trong lành, cuộc sống xanh ngày càng lan tỏa và được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng...

Một số địa phương hưởng ứng phong trào góp phần giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách xách giỏ đi chợ thay vì dùng túi nylon

Từ các mô hình thiết thực

Thời gian qua, nhiều mô hình thiết thực như phụ nữ xách giỏ đi chợ, phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác gắn với tiết kiệm,... được các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ cuộc sống.

Mô hình Phụ nữ xách giỏ đi chợ triển khai ở nhiều địa phương, được đông đảo chị em tích cực hưởng ứng. Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Phước Lợi, huyện Bến Lức chọn ấp 4 làm điểm để phát động mô hình này với hơn 70 hội viên tham gia. Tham gia mô hình, mỗi hội viên được phát 1 chiếc giỏ xách trị giá 45.000 đồng. Số tiền này được trích từ mô hình Nuôi heo đất của Chi hội PN ấp 4. Ban đầu, một số hội viên không đồng ý tham gia bởi sử dụng túi nylon đã trở thành thói quen và tiện lợi. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động của một số hội viên nòng cốt, dần dần, chị em thấy được lợi ích của việc sử dụng giỏ xách, hạn chế túi nylon. Sau một thời gian, nhiều hội viên tích cực tham gia và vận động người nhà cùng thực hiện.

Đoàn Thanh niên xã Thanh Phú, huyện Bến Lức triển khai thực hiện mô hình Túi giấy thân thiện để thay thế túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày. Đây được xem là một trong những cách làm nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

Bà Lê Thị Hoa, ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, dùng giỏ xách nhựa khi đi chợ thay vì dùng túi nylon của người bán

Còn Chi hội PN ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ làm điểm thực hiện mô hình Phân loại rác tại nguồn với 35 thành viên tham gia. Sau thời gian triển khai, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, được chị em đồng tình hưởng ứng. Mỗi hộ gia đình có 2 thùng chứa rác vô cơ và hữu cơ. Rác hữu cơ được xử lý ngay tại nhà, còn rác vô cơ được tổ thu gom, xử lý tại lò đốt rác của địa phương. Mục tiêu của mô hình là để rác đúng nơi, đúng giờ quy định, góp phần thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Mô hình Phân loại và xử lý rác gắn với tiết kiệm được triển khai ở 2 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường THCS tại xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc cho 30 lớp với hơn 700 học sinh tham gia. Sáng thứ hai hàng tuần, trong tiết sinh hoạt dưới cờ, Ban Giám hiệu trường sẽ lồng ghép việc hướng dẫn học sinh phân loại rác. Mỗi điểm trường có 6 thùng rác, học sinh được hướng dẫn phân loại rác. Cứ 3 tháng một lần, số tiền bán rác vô cơ có thể tái chế do học sinh phân loại được khoảng 500.000 đồng, dùng để mua vở, dụng cụ học tập tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này của Đoàn trường Phước Lâm vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm hiệu quả.

Ngoài ra, hiện nay, trong nhiều hội nghị, cuộc họp, một số cơ quan, đơn vị thay thế chai nhựa bằng ly thủy tinh, cốc sành, sứ để đựng nước uống. Nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP.Tân An cũng hưởng ứng phong trào sống xanh, xây dựng những mô hình Nói không với rác thải nhựa nhằm chung tay bảo vệ môi trường sống.

Bà Lê Thị Hoa, ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, dùng giỏ xách nhựa khi đi chợ thay vì dùng túi nylon của người bán

Lan tỏa trong cộng đồng

LAGOM Coffee (phường 4, TP.Tân An) là một trong những quán tiên phong trong việc nói không với rác thải nhựa. Ở đây hoàn toàn không dùng ống hút nhựa, ly nhựa mà sử dụng ly thủy tinh, ống hút làm bằng thủy tinh, gạo, cỏ. Bạn Nguyễn Minh Sang - nhân viên quán LAGOM Coffee, cho biết: “Nhằm góp phần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, từ khi khai trương, quán chỉ sử dụng các loại ống hút thủy tinh, inox, ống hút gạo và ống hút cỏ. Ngoài ra, tất cả đồ uống của quán đều được đựng trong ly thủy tinh vừa đẹp mắt, vừa thân thiện với môi trường. Menu của quán cũng dùng giấy không ép nhựa”.

Một nhân viên Siêu thị VinMart+ chia sẻ: “Để khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi nylon, đơn vị có chương trình khuyến mãi nếu khách hàng xách giỏ theo đựng hàng hóa sẽ được giảm giá trên mỗi hóa đơn”.

Một nhân viên bán thức ăn nhanh trên đường Hùng Vương nối dài, phường 6, TP.Tân An, cho biết: “Giá túi giấy 300-400 đồng/cái và phải đặt in từ trước, trong khi túi nylon loại thường chỉ khoảng 30.000 đồng/kg (1kg gần 300 cái, tính ra chỉ khoảng 100 đồng/cái). Dù biết dùng túi giấy tốn chi phí hơn nhưng vì muốn góp phần tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của một bộ phận người dân nên chúng tôi chấp nhận”.

Quán LAGOM Coffee nói không với ống hút nhựa, ly nhựa

Quán LAGOM Coffee nói không với ống hút nhựa, ly nhựa

Chị Bùi Vân Anh, ngụ phường 5, TP.Tân An, bộc bạch: “Nhận thức được tác hại của túi nylon, nhiều chị em dần thay đổi thói quen sử dụng chúng trong sinh hoạt hàng ngày. Gần đây, khi ra chợ, tôi thấy nhiều chị em sử dụng giỏ xách nhựa. Một số chị em làm công nhân ở gần nhà tôi còn dùng cà men, hộp nhựa đựng thực phẩm và chỉ dùng túi nylon trong những lúc thật sự cần thiết”.
Còn bà Lê Thị Hoa, ngụ ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, nói: “Trước đây, tôi hay sử dụng túi nylon để đựng thực phẩm. Tuy nhiên, gần đây, khi biết túi nylon rất khó phân hủy, gây hại môi trường tự nhiên nên tôi dùng giỏ xách nhựa để đựng thực phẩm mỗi khi đi chợ”.

Nguyễn Thị Khánh An - học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Tân Trụ), bày tỏ: “Mỗi lần đi chợ, em luôn mang theo túi vải, túi cói để đựng thay vì sử dụng túi nylon sẵn có tại chợ như trước đây. Em nghĩ, nếu ai cũng ý thức được việc này thì sẽ góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”.

Theo ghi nhận chung, bình quân mỗi ngày, một hộ gia đình sử dụng ít nhất 3-5 túi nylon. Như vậy, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh sẽ có hàng triệu chiếc túi thải ra môi trường. Để hạn chế vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, mọi người phải nâng cao ý thức, chung tay thực hiện, góp phần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa.

Thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của người dân là điều rất khó nhưng không phải là không thể làm được. Để góp phần hạn chế việc sử dụng túi nylon, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, ngay từ bây giờ, mỗi người nên tự giác thay đổi thói quen sử dụng túi nylon bằng cách ưu tiên sử dụng các loại túi tự hủy, thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh,.../.

"Để góp phần hạn chế việc sử dụng túi nylon, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, ngay từ bây giờ, mỗi người nên tự giác thay đổi thói quen sử dụng túi nylon bằng cách ưu tiên sử dụng các loại túi tự hủy, thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh...”.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết