Tiếng Việt | English

21/09/2016 - 09:33

Vì những bữa ăn an toàn

Đa số các bà nội trợ hiện nay đều lo lắng trong việc chọn mua thịt gia súc, gia cầm cho bữa cơm hàng ngày. Bởi tình trạng thịt gia súc, gia cầm tồn dư kháng sinh, việc giết mổ, mua bán động vật chưa qua kiểm dịch,... xảy ra thời gian qua gây mất niềm tin ở người tiêu dùng.

Mỗi ngày đi chợ lo cho bữa cơm gia đình luôn là bài toán khó đối với các bà nội trợ. Bởi để có được mâm cơm với thực đơn phong phú không phải dễ, việc chọn mua thực phẩm an toàn lại càng khó hơn. Trước những khó khăn ấy, Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y ban hành, phần nào tạo sự an tâm nơi người dân. Thịt gia súc, gia cầm đưa vào thị trường tiêu thụ có bảo đảm an toàn hay không, việc kiểm soát ở khâu giết mổ rất quan trọng.

Thông tư quy định: Động vật đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y. Đối với động vật bị tổn thương, kiệt sức do quá trình vận chuyển, không có khả năng phục hồi nhưng không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm được phép giết mổ trước. Đồng thời, quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc nuôi cũng được quy định chặt chẽ như phải kiểm tra hồ sơ trước giết mổ, có sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ, giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định,...

Khi phát hiện động vật có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, phải cách ly và kiểm tra lại toàn đàn. Mọi trường hợp động vật có dấu hiệu bất thường đều phải được đánh dấu, tách riêng, theo dõi và xử lý theo quy định. Sau giết mổ các loại gia súc nuôi, thực hiện khám đầu, phủ tạng và khám thân thịt để phát hiện các dấu hiệu bất thường, dấu hiệu bệnh lý,...

Vì sức khỏe người tiêu dùng, những quy định trên cần được các cơ sở giết mổ thực hiện nghiêm. Đối với ngành chức năng, công tác kiểm tra, kiểm soát, phân loại các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường cần được tăng cường; quản lý tốt những cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ; xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đầu tư dây chuyền giết mổ tiên tiến, hiện đại; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung,...

Kiểm soát chặt giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y là yêu cầu cần thiết đã và đang được đặt ra. Đây là cánh cổng quan trọng cần được “gác” kỹ, bảo đảm an toàn thực phẩm cho mọi nhà./.

Khánh Tâm

Chia sẻ bài viết