Tiếng Việt | English

12/06/2015 - 16:24

Vì sao đề tài nghiên cứu khoa học phải xếp vào ngăn kéo?

Những đề tài nghiên cứu đi trước thời đại, nghiên cứu không được đầu tư hoặc không có tính ứng dụng thực tiễn thường được xếp vào ngăn kéo

Băn khoăn về việc Ngân sách Nhà nước hàng năm chi khá lớn cho công tác nghiên cứu khoa học, nhưng nhiều đề tài nghiên cứu xong không được áp dụng, cho vào ngăn kéo, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: “Đây có phải là việc đầu tư chưa đúng chỗ, chưa đúng người đúng việc, vẫn còn cơ chế xin cho? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, ngân sách chi cho KHCN hàng năm chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách. Trong đó riêng chi cho nghiên cứu khoa học chiếm tới 20% số ngân sách này tương đương với khoảng 3.000 tỷ đồng.

 

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Tuy nhiên, Luật Khoa học công nghệ 2013 lại có quy định, những nghiên cứu sử dụng Ngân sách Nhà nước phải theo đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh, không phải xuất phát từ ý thích của các nhà khoa học. Bộ KHCN cũng ban hành Nghị định quy định cơ chế đặt hàng.

Theo đó tổ chức, cá nhân được đề xuất đề tài, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào nhiệm vụ, xác định đề tài đó có phù hợp với nhu cầu hay không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan quản lý về KHCN. Cơ quan đó phải cam kết sau khi nghiên cứu thành công phải được ứng dụng vào thực tiễn.

Giải thích thêm về thuật ngữ “đề tài xếp ngăn kéo”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, có đề tài xếp vào ngăn kéo nhưng thường được chia làm 3 loại. Đối với những đề tài nghiên cứu cơ bản, về cơ bản là sẽ xếp ngăn kéo, bởi những nghiên cứu này đi trước thời đại, nghiên cứu phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định.

Bộ trưởng lấy ví dụ về chất bán dẫn được người Mỹ đã phát minh ra từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, tuy nhiên nghiên cứu này đã phải xếp ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60, khi người Nhật mua sáng chế này thì nghiên cứu mới trở thành sản phẩm hàng hóa. Ngày nay mỗi năm chất bán dẫn đóng góp cho thế giới hơn 20.000 tỷ USD. “Vì thế đối với các đề tài nghiên cứu cơ bản, chúng ta phải chấp nhận cần có một giai đoạn chờ đợi”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Ngoài ra, những đề tài nghiên cứu ứng dụng nhưng cũng có khả năng phải xếp ngăn kéo bởi lẽ: Một số đề tài muốn trở thành sản phẩm hàng hóa, được ứng dụng kèm theo nó phải phải có điều kiện về đầu tư.

“Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, vì thế muốn để trở thành sản phẩm được thương mại hóa, cần có được sự đầu tư từ doanh nghiệp. Trong khi ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều ở dạng nhỏ và siêu nhỏ nên chưa đủ năng lực đầu tư, bởi vậy nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt vẫn phải chờ cơ hội hoặc có các tập đoàn lớn đầu tư, hoặc tìm kiếm nguồn đầu tư từ trong nước và nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Quân chỉ rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thừa nhận có những đề tài xếp ngăn kéo thực sự bởi kết quả nghiên cứu không có tính ứng dụng. Các đề tài nghiên cứu này không xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và của nền kinh tế, nghiên cứu theo sở thích và mong muốn của những người làm khoa học.

“Tất nhiên đây cũng là việc tốt vì những người làm khoa học có ý tưởng, có mong muốn được nghiên cứu, chỉ có điều không nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh nên khi nghiên cứu xong, đề tài không ứng dụng được”, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Để chấm dứt tình trạng đề tài xếp ngăn kéo, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân là cần phải thực hiện nghiêm Luật KHCN năm 2013, khi đó sẽ không còn tình trạng đề tài nghiên cứu xong phải xếp ngăn kéo, gây lãng phí cho Ngân sách Nhà nước mà không ứng dụng được./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích