Tiếng Việt | English

13/05/2016 - 08:49

Vì sao Mỹ chọn Đá Chữ Thập để thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông?

Mỹ lựa chọn Đá Chữ Thập để thực hiện quyền tự do đi lại, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khiến nhiều người bất ngờ.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence ngày 10/5 đã thực hiện hoạt động đi lại tự do ở Biển Đông. Trên thực tế, nhiều người ở Washington mong đợi hoạt động này diễn ra sớm hơn chứ không phải sau 3 tháng kể từ sau lần gần đây nhất tàu Mỹ thực hiện hoạt động tương tự ở Biển Đông.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ. (Ảnh: Getty)Trước đó, chính quyền Mỹ từng thông báo rằng, tàu thuyền Mỹ sẽ thực hiện hoạt động tuần tra để đảm bảo quyền tự do đi lại ở Biển Đông ít nhất hai lần mỗi quý. Tuy nhiên, tháng trước, Mỹ thông báo sẽ phải lùi hoạt hoạt động này lại mà không cho biết lý do.

Tàu Mỹ bất ngờ tuần tra ở Đá Chữ Thập

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên nhất đối với các nhà quan sát chính là việc Mỹ chọn Đá Chữ Thập làm địa điểm thực hiện quyền tự do hàng hải. Cả hai lần tàu Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông trước đó đều được cho là để thách thức “tuyên bố tuyên bố hàng hải quá đáng” của Trung Quốc ở vùng biển này.

Trong lần thứ nhất thực hiện quyền đi lại tự do trên biển, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi – bãi đá nửa chìm nửa nổi (hoàn toàn chìm dưới nước khi thủy triều lên) vì thế không có cơ sở thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS.
Lần thứ hai, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu chiến Mỹ khi đi qua thực thể này đã không có bất kỳ hành động quân sự nào, hoạt động của tàu chiến Mỹ được cho là thực hiện quyền đi qua vô hại trên biển và Trung Quốc không có cớ gì để vu vạ rằng Mỹ đang “có hành vi khiêu khích”.

Trong hoạt động tuần tra lần thứ ba, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence tiến vào khu vực 12 hải lý gần Đá Chữ Thập, bãi đá nơi Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp trái phép thành một hòn đảo nhân tạo lớn cùng một đường băng dài 3.000m trên đó và ra yêu sách đòi tàu thuyền, máy bay các nước khác phải xin phép hoặc thông báo trước khi tới gần.

Để đối phó với hoạt động của tàu USS William P. Lawrence, Trung Quốc đã điều 2 máy bay chiến đấu J-11, máy ba cảnh báo Y-8, một tàu khu trục và hai tàu hộ vệ tới hiện trường.

Một số chuyên gia trông đợi những động thái mạnh mẽ hơn thể hiện quyết tâm của Mỹ trong vấn đề Biển Đông từng hy vọng rằng, sau hai lần thực thi quyền tự do hàng hải đầu tiên, Washington sẽ có các hoạt động ở cấp độ mới gần Đá Vành Khăn, để cho thấy Mỹ không xem các bãi đá nửa chìm nửa nổi là đảo dù cho Trung Quốc có bồi đắp và xây dựng trên đó các cơ sở có quy mô lớn thế nào đi chăng nữa.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ từng thực hiện quyền tự do đi lại ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: military)

Đá Vành Khăn được cho là kết cấu mực triều thấp, có nghĩa là chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Mặc dù Trung Quốc đã bồi đắp một diện tích tới hơn 5 triệu m2 trên Đá Vành Khăn, để xây dựng đường băng và cảng biển, nhưng UNCLOS quy định rõ rằng, các đảo hay bãi đá phải “được hình thành một cách tự nhiên”.

Do đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn. Một hành động như vậy sẽ gửi đi thông điệp rằng, Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược của mình chỉ vì hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ chưa tuần tra ở Đá Vành Khăn vì thời điểm chưa chín muồi

Câu hỏi đặt ra là tại sao các quan chức Washington không chọn Đá Vành Khăn mà chọn Đá Chữ Thập để thực hiện quyền đi lại tự do trên biển trong lần thứ ba này? Có 2 giả thuyết được đưa ra để lý giải cho câu hỏi nêu trên.

Thứ nhất, một số chuyên gia cho rằng, Nhà Trắng chỉ đơn giản là không thích gặp rủi ro và muốn tránh nguy cơ bùng phát khủng hoảng với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Obama không còn bao lâu nữa là kết thúc nhiệm kỳ. Những người chỉ trích cho rằng, Mỹ có thể nhận định việc điều tàu đi qua Đá Chữ Thập là động thái "ít gây leo thang hơn" so với làm điều tương tự ở Đá Vành Khăn, nơi tàu chiến của họ đang được kỳ vọng sẽ có các hoạt động quân sự khi đi ngang qua, chẳng hạn như cho trực thăng cất cánh, mở bạt che súng…

Trung Quốc bồi lấp trái phép Đá Vành Khăn thành đảo nhân tạo hòng hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông. (Ảnh: CSIS)Kể từ khi Mỹ chính thức thách thức “tuyên bố hàng hải quá đáng” của Trung Quốc ở Đá Xu Bi nơi Bắc Kinh xây dựng trái phép một đường băng trên đó, nếu muốn tránh Đá Vành Khăn, suy luận logic cho thấy, Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài Đá Chữ Thập (Trung Quốc có 3 đường băng xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập - PV).

Bên cạnh đó, có thể Mỹ muốn chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đối với vụ kiện của Philippines về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trước khi thực hiện quyền đi lại tự do trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn.

Tòa Trọng tài Thường trực có khả năng tuyên bố Đá Vành Khăn là kết cấu mực triều thấp (chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên) chứ không phải là đảo hay bãi cạn. Nếu tòa phán quyết như vậy, Trung Quốc sẽ không thể cáo buộc các hành động quân sự của tàu chiến Mỹ khi đi qua Đá Vành Khăn là khiêu khích. Do đó, một số quan chức Mỹ tin rằng, việc trì hoãn thực hiện quyền đi lại tự do gần Đá Vành Khăn cho đến khi có phán quyết của Tòa án sẽ đảm bảo chắc chắn rằng, Mỹ đang đứng về phía luật pháp quốc tế.

Theo The National Interest, việc đợi phán quyết của Tòa án trước khi thực hiện quyền tự do đi lại ở Đá Vành Khăn là một tính toán hợp lý của Mỹ, miễn sao họ có thể tránh được những chỉ trích cho rằng, Washington không sẵn sàng chấp nhận rủi ro để củng cố trật tự hiện nay trong khu vực.

Cũng giống như các hoạt động tuần tra tại các vùng biển và không phận quốc tế, hoạt động tuần tra thường xuyên trên Biển Đông của Mỹ là rất quan trọng, bởi nếu Washington không đứng ra thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực sẽ khó có thể làm được điều này./.

Hùng Cường/VOV.VN
Theo National Interest 

Chia sẻ bài viết