Tiếng Việt | English

16/05/2019 - 17:55

Vì thế hệ trẻ khỏe mạnh

Một đứa trẻ sinh ra không ngoại trừ khả năng mắc bệnh Down, hội chứng Edwards, di tật ống thần kinh, thiếu men G6PD,... và hậu quả là có thể tử vong, chậm phát triển, gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, tất cả các tật, bệnh ấy có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Thai phụ khám sức khỏe và sàng lọc trước sinh

Thai phụ khám sức khỏe và sàng lọc trước sinh

Cung cấp kiến thức cho thai phụ

Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 24.000 trẻ được sinh ra, trong đó có khoảng 24 trẻ bị bệnh Down, 7 trẻ bị hội chứng Edwards, 12 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 456 trẻ bị thiếu men G6PD và nhiều dị tật bẩm sinh khác.

Những con số “biết nói” ấy là lời cảnh báo cho việc xem nhẹ việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Do đó, để thai phụ được tiếp cận thông tin, thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, ngành dân số (DS) nỗ lực tuyên truyền, vận động, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh.

Tại Đức Huệ, Ban Chỉ đạo công tác DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện chỉ đạo thực hiện nhiều việc làm thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ và người dân, đặc biệt là sản phụ.

Theo đó, Trung tâm Y tế huyện tổ chức các lớp tập huấn nhằm cung cấp, bổ sung những kiến thức mới về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ DS, cộng tác viên trên địa bàn; phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hậu quả nếu bỏ qua bước sàng lọc trước sinh và sơ sinh đến tận các ấp.

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền còn được triển khai lồng ghép với các mô hình, đề án khác: Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, các cán bộ DS xã, thị trấn, đội ngũ cộng tác viên DS ở các ấp, khu phố cũng tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với các hoạt động: Nói chuyện chuyên đề, họp nhóm, phát tờ rơi, cẩm nang cho phụ nữ mang thai hoặc dự kiến mang thai.

Chị Nguyễn Thị Sẻ - cán bộ DS xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tôi và 28 cộng tác viên DS trên địa bàn xã luôn nỗ lực tuyên truyền những kiến thức quan trọng về vấn đề này đến người dân. Ngoài ra, chúng tôi gọi điện thoại hoặc đến nhà để tư vấn trực tiếp cho thai phụ về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giúp họ hiểu rõ các nguyên nhân, bệnh lý gây nên các dị tật, bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến trẻ và những biện pháp xử lý”.

Nhờ vậy, năm 2018, toàn tỉnh có 16.755/17.231 thai phụ được thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh, đạt 97,24% tổng số trẻ sinh; 17.041/17.231 trẻ lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh, đạt 98,90% tổng số trẻ sinh.

Can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh

Có thể thấy, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh rất quan trọng, góp phần phát hiện sớm thai nhi bị dị tật hoặc trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất, tinh thần.

Khi phát hiện sớm, trẻ mắc một số bệnh lý có thể điều trị trong vòng 2 tuần sau sinh là có thể phục hồi và phát triển bình thường. Đây cũng là giải pháp lớn nhằm nâng cao chất lượng DS về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

Thai phụ tham gia sàng lọc ở 2 giai đoạn: 11-14 tuần thai kỳ để test sàng lọc và 20-24 tuần thai kỳ để siêu âm hình thái của thai nhi. Đặc biệt, những trường hợp thai phụ không nên bỏ qua việc sàng lọc: Thai phụ trên 35 tuổi, sử dụng thuốc không theo chỉ định, sốt 3 tháng đầu thai kỳ, có tiền sử dị dạng, thai chết lưu, sẩy thai nhiều lần, nghề nghiệp vợ hoặc chồng có tiếp xúc hóa chất, phóng xạ, chất độc da cam,...

Qua đó, thai phụ có thể biết được tình trạng sức khỏe của thai nhi, giúp an tâm hơn khi kết quả sàng lọc “âm tính”; lựa chọn ngưng thai kỳ hoặc chủ động có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất nếu quyết định giữ lại thai nhi khi có kết quả sàng lọc “dương tính”.

Riêng sàng lọc sơ sinh được tiến hành khi trẻ được 36 giờ tuổi trở lên và không quá 10 ngày tuổi. Trẻ được lấy máu gót chân để tiến hành xét nghiệm, có kết quả trong 10 ngày và hoàn toàn miễn phí.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên - cán bộ DS xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Năm 2018, xã có 1 trường hợp trẻ bị thiếu men G6PD. Theo đó, tôi và cộng tác viên DS gặp trực tiếp mẹ của bé để tư vấn, hướng dẫn phương pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm việc trấn an tâm lý của người nhà và khẳng định đây là trường hợp không hiếm, tuy không chữa được nhưng có thể phòng ngừa để trẻ khỏe mạnh bình thường. Hiện gia đình có trẻ thiếu G6PD chăm sóc trẻ rất tốt và trẻ vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường”.

Thăm sản phụ sau sinh để nắm tình hình sức khỏe mẹ và trẻ

Thăm sản phụ sau sinh để nắm tình hình sức khỏe mẹ và trẻ

Trưởng phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Nguyễn Sanh Tài thông tin: “Siêu âm sàng lọc trước sinh và sơ sinh mang lại nhiều lợi ích cho thai phụ, gia đình và xã hội. Thai phụ có cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn, giảm lo lắng sức khỏe của thai nhi, có thể chọn ngưng thai kỳ nếu phát hiện dị tật, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng DS. Qua từng năm, hiệu quả việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh của huyện được nâng cao. Đặc biệt, trẻ sơ sinh mắc bệnh được can thiệp kịp thời để khỏe mạnh và phát triển bình thường”.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân, đặc biệt là các thai phụ hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để trẻ được khỏe mạnh và phát triển bình thường, góp phần nâng cao chất lượng DS của tỉnh./.

Hướng tới, Ban Chỉ đạo Công tác DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tới tuyến cơ sở nhằm phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng DS. Đồng thời, thực hiện các hoạt động: Nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ và nhân dân địa bàn triển khai đề án; hỗ trợ truyền thông tuyến huyện, xã; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; tư vấn trực tiếp cho phụ nữ mang thai, sản phụ và đối tượng liên quan tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Ngoài ra, phân công Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế thực hiện tốt việc siêu âm cho thai phụ và xét nghiệm mẫu máu khô cho thai phụ, lấy máu xét nghiệm gót chân cho trẻ sơ sinh,...
Ngày 15/5/2019, Sở Y tế tổ chức tập huấn về công tác dân số và sức khỏe sinh sản cho lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Nội dung tập huấn, gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số/sức khỏe sinh sản (DS/SKSS); những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của công tác DS/SKSS; hoạt động các mô hình, đề án và công tác phối hợp các ngành, đoàn thể về DS/SKSS. Lớp tập huấn nhằm cung cấp nội dung, kiến thức về công tác DS/SKSS, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác DS; nâng cao kỹ năng trong tham mưu phối hợp chỉ đạo, triển khai các hoạt động về DS/SKSS, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động về DS/SKSS tại địa phương.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết