Tiếng Việt | English

15/07/2020 - 08:01

Việc phát triển các khu dân cư phải phù hợp với kinh tế - xã hội của địa phương

Làm việc với UBND tỉnh Long An, Thường trực HĐND tỉnh đặt vấn đề, nếu so sánh, đối chiếu giữa nhu cầu đất ở của tỉnh và diện tích đất ở được quy hoạch thì cung đã vượt cầu rất lớn.

Xây dựng nhà ở tại một khu dân cư
Xây dựng nhà ở tại một khu dân cư

Thời gian qua, các dự án (DA) đầu tư xây dựng khu dân cư (KDC), đô thị được xem xét về chủ trương đầu tư trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành chức năng có liên quan. Trong đó, có quy hoạch sử dụng đất được duyệt và yêu cầu do các địa phương xem xét, đề xuất. Số lượng DA phần lớn tập trung ở các huyện giáp ranh TP.HCM như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Đây là vùng kinh tế trọng điểm có nhiều lợi thế để phát triển và UBND tỉnh cũng có định hướng quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp tập trung nên việc có nhiều DA đầu tư xây dựng nhà ở là do xu thế phát triển của địa phương.

Theo Quyền Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Minh Hùng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 184 DA KDC với tổng diện tích 5.373ha (chưa tính đến số DA mới ghi nhận đề xuất đầu tư và triển khai quy hoạch tổng thể). Trong đó, có 32 DA với diện tích 734ha đã hoàn thành hạ tầng, đi vào hoạt động, 51 DA triển khai đúng tiến độ, 101 DA trễ tiến độ một lần và nhiều lần. 

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh gần đây, Thường trực HĐND tỉnh đặt vấn đề, nếu so sánh, đối chiếu giữa nhu cầu đất ở của tỉnh và diện tích đất ở được quy hoạch thì cung đã vượt cầu rất lớn. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh thông tin về việc tiếp nhận đầu tư, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ đầu tư.

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, việc nhiều DA đầu tư xây dựng KDC, đô thị trên địa bàn tỉnh làm cho cung vượt cầu nên vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tiến hành rà soát lại các DA, tiến độ triển khai trên địa bàn tỉnh và báo cáo, đề xuất các giải pháp thực hiện.

Theo rà soát, đối với các DA KDC có quy mô nhỏ, phân tán sẽ không bố trí được đầy đủ công trình dịch vụ thiết yếu (trường học, chợ, trạm y tế, sân luyện tập thể thao,...) để phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhưng nếu cơ quan nhà nước yêu cầu thực hiện đầy đủ các công trình này thì không bảo đảm tính khả thi và điều này cũng không hợp lý đối với DA nhỏ, vì không còn đủ đất để nhà đầu tư triển khai việc kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không thực hiện thì sẽ gây quá tải về hạ tầng xã hội đối với DA hiện có của các địa phương, Nhà nước sẽ phải tăng đầu tư công vào các công trình trên để đáp ứng nhu cầu xã hội và việc có quá nhiều DA như trên sẽ là gánh nặng rất lớn cho Nhà nước. Đồng thời, các DA có quy mô nhỏ thì việc đầu tư các tuyến đường giao thông rất khó tạo được sự kết nối hài hòa, thông thoáng, an toàn và các hệ thống hạ tầng khác như cấp điện, nước, thoát nước,... cũng thiếu sự đầu tư đồng bộ trong vùng lân cận DA.

Từ những vấn đề trên, từ cuối  năm 2018, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tạm dừng xem xét, phê duyệt chủ trương các DA KDC, điểm dân cư nhỏ, lẻ có diện tích dưới 10ha trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát yêu cầu thực sự về nhà ở của người dân trên địa bàn quản lý và việc phát triển các KDC phải phù hợp phát triển KT-XH của địa phương để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch để điều chỉnh các đồ án quy hoạch, quy hoạch đô thị không còn phù hợp; thu hồi các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị không thực hiện được (xóa quy hoạch). 

Song song đó, khẩn trương điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã (trước đây là quy hoạch xây dựng nông thôn mới) làm cơ sở xác định các DA đầu tư và lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; chỉ tiếp nhận các KDC, điểm dân cư khi đã tuân thủ các quy hoạch, trong đó có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt. 

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chủ trì cùng các ngành, địa phương đánh giá lại các quy hoạch ngành, yêu cầu và tình hình thực tế, xác định yêu cầu, quy mô để thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, trong đó định hướng khu vực nào cần ưu tiên phát triển. Giải pháp căn cơ là quản lý bằng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, đối với việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ đầu tư thì UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, theo dõi, tham mưu, đề xuất xử lý đối với DA chậm tiến độ. Như trong năm 2019, tỉnh đã thu hồi 35 DA với diện tích gần 2.500ha, trong đó có 1 khu công nghiệp với diện tích 170ha, 3 cụm công nghiệp với diện tích 128ha và 31 DA KDC, thương mại - dịch vụ với diện tích 2.199ha. Với 31 DA KDC này, có 22 DA UBND tỉnh đã cho chủ trương lập quy hoạch xây dựng với diện tích 1.752ha, 1 DA đã quyết định chủ trương đầu tư với diện tích 114ha, 1 DA đang xem xét quyết định chủ trương đầu tư với diện tích 12ha và 7 DA chưa có nhà đầu tư với diện tích 321ha.

Nhìn chung, công tác kiểm tra, rà soát DA đã được UBND tỉnh, các sở, ngành thường xuyên thực hiện, từ đó đã thu hồi nhiều DA chậm triển khai vì lý do chủ quan của nhà đầu tư. Đối với những DA chậm triển khai do vướng mắc mặt bằng thì UBND tỉnh chỉ đạo địa phương tích cực phối hợp nhà đầu tư để có giải pháp đẩy nhanh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Nếu đã gia hạn nhiều lần do vướng giải phóng mặt bằng nhưng không có chuyển biến thì làm việc với nhà đầu tư xem xét, điều chỉnh giảm diện tích cho phù hợp.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát các DA đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai. Việc thu hồi chủ trương đầu tư đối với các DA này nếu do lỗi chủ quan của nhà đầu tư phải gắn với việc thu hồi đất theo quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai.

"Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 184 dự án khu dân cư với tổng diện tích 5.373ha (chưa tính đến số dự án mới ghi nhận đề xuất đầu tư và triển khai quy hoạch tổng thể). Trong đó, có 32 dự án với diện tích 734ha đã hoàn thành hạ tầng đi vào hoạt động, 51 dự án triển khai đúng tiến độ, 101 dự án trễ tiến độ một lần và nhiều lần”./.

Vũ Quang
 

 

Chia sẻ bài viết