Tiếng Việt | English

08/01/2017 - 08:54

Viêm mũi dị ứng

Dị ứng là phản ứng của cơ thể trước những chất lạ xâm nhập vào cơ thể, hay còn gọi là kháng nguyên bằng việc tạo ra các chất để chống lại các chất lạ, hay là kháng thể và phản ứng này tạo ra một chất thứ ba, chính chất thứ ba này gọi là chất histamin, là chất gây ra dị ứng.

Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của những chất lạ vào trong hệ hô hấp, được biểu hiện với các dấu hiệu như nghẹt mũi, chảy nước mũi, rối loạn giấc ngủ, hắt hơi.

Viêm mũi dị ứng là bệnh khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nhất là do ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng đã làm cho số lượng người bị viêm mũi dị ứng ngày càng nhiều.

Đây là bệnh được khá nhiều người quan tâm và là bệnh gây tốn kém nhiều nhất về thời gian điều trị, tiền bạc và làm suy giảm sức lao động.


Dị ứng do gen di truyền: Dị ứng có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng bạn có nhiều khả năng phát triển viêm mũi dị ứng nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng. Ảnh: Sumhevi

Viêm mũi dị ứng được chia làm 3 loại như sau:

1-Viêm mũi dị ứng theo mùa, bệnh diễn ra theo mùa, chẳng hạn như mùa hoa nở người bệnh sẽ hít phải phấn hoa trong không khí gây ra viêm mũi dị ứng.

2-Viêm mũi dị ứng quanh năm, bệnh này xuất hiện quanh năm chứ không theo mùa, thời tiết hay các nguyên nhân khác.

3-Viêm mũi do nghề nghiệp, trong một số ngành nghề do phải tiếp xúc thường xuyên với khói bụi và ô nhiễm nên dẫn tới hiện tượng dị ứng.

Bệnh viêm mũi dị ứng thường do các tác nhân gây bệnh trong cuộc sống như:

-Bụi nhà, lông vũ, phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, khói thuốc lá, thuốc lào, các loại hóa chất, các loại mỹ phẩm, các loại sơn, vôi, ve…

-Các loại thức ăn như hải sản, tôm, cua, thịt bò, gà....

-Các thuốc dùng để trị bệnh và các thuốc gây tê, gây mê, kháng sinh…

-Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, mưa bão.

-Độc tố của vi khuẩn, nấm, do nhiễm trùng mạn tính ở xoang mũi, amiđan, răng, miệng…

Ngoài ra, yếu tố thuận lợi để bệnh phát triển đó là sự sai lệch của vách ngăn như vẹo, gai vách ngăn và yếu tố tiền sử của gia đình cũng là nguyên nhân gây bệnh, nếu trong gia đình có người bị hen, nổi mề đay, bị dị ứng thì những người còn lại cũng có nguy cơ bị dị ứng. Đặc biệt nếu các bà mẹ bị dị ứng thì những đứa con có khoảng 65% có thể bị dị ứng. Ngoài ra, theo nghiên cứu của các chuyên gia về dị ứng đã kết luận rằng dị ứng thường xuất hiện ở những người có rối loạn chuyển hóa, các rối loạn của gan, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm lý, tâm thần và di ứng với một số sản phẩm công nghiệp như sợi tổng hợp, khí ga, mỹ phẩm.

Viêm mũi dị ứng thường có các biểu hiện chính như sau:

-Nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi loãng và trong.

-Nhức đầu, ù tai.

-Ho khan, đau họng.

-Rối loạn giấc ngủ, có thể có hiện tượng ngáy.

-Không ngửi được mùi và khó tập trung.

-Ngứa, đỏ, chảy nước mắt, phù nề thâm quầng mí mắt.

Để việc điều trị có hiệu quả cần phải dùng thuốc để làm giảm các biểu hiện bệnh và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Để tránh các tác nhân kích thích gây bệnh và kiểm soát môi trường sống, có thể thực hiện một số cách sau:

-Đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ sau khi ra bên ngoài.

-Vệ sinh nhà cửa, vệ sinh các đồ dùng trong nhà sạch sẽ và được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

-Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải.

-Không nuôi chó mèo hoặc những vật có lông khác trong nhà.

-Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, nước hoa hoặc các chất nặng mùi khác.

-Nếu bị dị ứng do nghề nghiệp, nếu không thể đổi nghề thì nên dùng khẩu trang, mặt nạ hoặc sử dụng các vật liệu thay thế.

Phần lớn các trường hợp viêm mũi dị ứng đều đáp ứng điều trị bằng thuốc nhưng không nên sử dụng các thuốc nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ quá 7 ngày vì việc lạm dụng nó sẽ gây nghẹt mũi nặng hơn.

Viêm mũi dị ứng là bệnh do nhiều nguyên nhân và yếu tố gây bệnh cho nên để hạn chế tác nhân gây bệnh cần phải thực hiện một số việc sau:

-Không nên nuôi chó, mèo hoặc động vật có lông trong nhà.

-Vệ sinh định kỳ chăn, drap, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc nệm.

-Luôn vệ sinh đồ dùng trong gia đình.

-Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ và thoáng mát, tránh tình trạng ẩm ướt.

-Vệ sinh răng miệng, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

-Không hút thuốc lá, thuốc lào.

-Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi.

-Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc lúc quét dọn.

-Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, mũi.

-Khi bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng, không nên tự điều trị tại nhà.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng vì chế độ ăn phù hợp không những giúp giảm bệnh mà còn giúp việc điều trị có hiệu quả hơn.

Những người bị viêm mũi dị ứng nên ăn một số thức ăn có tính ấm như gừng, tỏi, hành, rau mùi… Những món ăn bổ phế âm chẳng hạn như gạo nếp, củ từ, táo tàu, nhãn, đường đỏ, sữa chua…Trong lúc mắc bệnh, kiêng dùng thức ăn tanh, lạnh, béo ngấy, đồ biển, thịt mỡ, uống nước lạnh.

Ngày nay, tình trạng khói bụi, không khí ô nhiễm, thời tiết trở lạnh bất thường là những nguyên nhân khiến cho bệnh viêm xoang ngày càng phổ biến hơn. Hầu hết các trường hợp người bệnh tự điều trị bệnh của mình, nên hay nhầm lẫn bệnh viêm xoang với bệnh viêm mũi dị ứng bởi vì các biểu hiện của viêm mũi dị ứng như hắt hơi, nghẹt mũi giống với những biểu hiện của bệnh viêm xoang.

Để phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng cần dựa vào những yếu tố sau:

-Ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng đến nỗi không thể kiểm soát được. Tình trạng hắt hơi thường đi kèm với cảm giác đau đầu do khi hắt hơi làm cho các cơ co thắt.

-Chảy nước mũi cả ở 2 bên mũi với dịch mũi trong suốt, vài ngày sau dịch mũi trở nên đục hơn do bội nhiễm.

-Nghẹt mũi do dịch mũi làm tắc xoang, người bệnh sẽ thấy nghẹt 1 bên hay cả 2 bên mũi.

Khác với bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng là sự phản ứng của cơ thể trước những tác nhân gây kích thích từ bên ngoài như thời tiết, khói bụi, nấm mốc, phấn hoa hay mùi khó chịu, các tác nhân gây bệnh sẽ theo đường hít thở, ăn uống hoặc là qua da và gây nên bệnh viêm mũi dị ứng.

Như vậy, nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng không phải do vi khuẩn hay viêm nhiễm như bệnh viêm xoang, mà chủ yếu phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Viêm mũi dị ứng hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người nên thường mang yếu tố di truyền, những người bị viêm mũi dị ứng là có cơ địa dị ứng và bệnh cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người như khi sức khỏe kém, gan yếu, lệch vách ngăn… cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng.

Những người bị viêm mũi dị ứng thường hay mắc bệnh theo mùa nhưng cũng có trường hợp mùa nào bệnh cũng có thể xảy ra và viêm mũi dị ứng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm xoang. Viêm xoang và viêm mũi dị ứng có hướng điều trị khác nhau cho nên cần phải phân biệt để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để biết chính xác bệnh thì nên đến các bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa để được khám và tư vấn cụ thể để được điều trị kịp thời./.

Bs Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết