Tiếng Việt | English

26/12/2018 - 11:15

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh triển khai nhiều văn bản mới

Ảnh: Kiên Định

Ảnh: Kiên Định

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 06/2018, ngày 07/8/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao (TTLT số 06) quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm và Hướng dẫn số 28/HD-VKSTC, ngày 19/10/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về lập hồ sơ kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính; vụ việc kinh doanh, thương mại; lao động; phá sản; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp.

Trong đó, TTLT số 06 gồm 4 chương, 16 điều, có hiệu lực từ ngày 20/9/2018, áp dụng đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người thân thích của bị can, bị cáo đang bị tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Thông tư quy định, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể, nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thông tư cũng quy định chi tiết các trường hợp hủy bỏ việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Đồng thời, các đại biểu được triển khai chi tiết Hướng dẫn số 28 về lập hồ sơ kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính; vụ việc kinh doanh, thương mại; lao động; phá sản; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe trao đổi thêm về một số kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong việc đề ra yêu cầu điều tra, xây dựng cáo trạng và xây dựng hồ sơ kiểm sát theo Quyết định số 590/QĐ-VKSTC, ngày 05/12/2014 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Trong đó, yêu cầu điều tra, xây dựng cáo trạng phải bảo đảm hình thức, nội dung quy định; các yêu cầu đề ra phải có trọng tâm, thiết thực giúp điều tra viên điều tra, làm rõ các nội dung, tình tiết, chứng cứ liên quan trong vụ án, tránh đề ra yêu cầu chung chung, không thể thực hiện được. Xây dựng cáo trạng phải súc tích, ngắn gọn, diễn đạt được toàn bộ nội dung vụ án.

Ngoài ra, khi lập biên bản giao - nhận cáo trạng, kiểm sát viên phải giải thích quyền của bị can được quy định tại khoản 2, Điều 60 Bộ luật tố tụng Hình sự, trong đó lưu ý quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa./.

Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An - Kiên Định

Chia sẻ bài viết