Tiếng Việt | English

18/01/2019 - 19:50

Viếng nhà mồ Ba Chúc

Hơn 1.000 bộ xương cốt của những người dân Việt Nam vô tội bị giết hại dã man thời Pôn Pốt được bảo quản tại khu nhà mồ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là địa điểm ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xari.

Du khách viếng thăm, tìm hiểu tại nhà mồ

Du khách viếng thăm, tìm hiểu tại nhà mồ

1. Những ngày đầu năm, hòa theo dòng người đi chầm chậm, trĩu lòng, chúng tôi đến khu nhà mồ Ba Chúc. Không ai bảo ai, mọi người đều im lặng, chuyền tay nhau những nén hương, tưởng niệm những người vô tội bị giết chết. Không khí trầm lắng, bao trùm lên những chứng tích đau thương còn lại thời kỳ diệt chủng Pôn Pốt. Tại nơi ấy, chúng tôi bắt gặp người đàn ông độ chừng 60 tuổi, nước da ngăm đen, đang nhìn quanh bốn bức tường như tìm kiếm người thân của mình. Thắp nén nhang, ông đứng hồi lâu, đôi mắt ươn ướt… Ông tên là Lê Văn Oanh, một trong những người còn sống sót khi quân Pôn Pốt tràn vào tàn sát hàng ngàn người dân vô tội tại Ba Chúc hơn 40 năm trước. Hướng đôi mắt xa xăm, ông trầm ngâm kể lại hành trình 8 ngày đêm trốn chạy khỏi Pôn Pốt. Những ký ức đau thương chợt ùa về như một cuốn phim buồn. “Trưa 18/4/1978, Pôn Pốt tràn qua Ba Chúc, chúng đốt nhà, sát hại tất cả ai nhìn thấy dọc đường. Khoảng 200 người chạy lên núi trốn Pôn Pốt, tôi may mắn sống sót nhưng cảnh tượng hoang tàn, chết chóc cứ ám ảnh mãi. Ba Chúc chìm trong tang thương và đầy rẫy mùi tử khí” - ông ngậm ngùi.

Cách nhà mồ Ba Chúc không xa, hơn một năm nay, bà Hà Thị Nga (80 tuổi) - nhân chứng sống sót kỳ diệu trong cuộc thảm sát năm xưa, trở bệnh nặng bởi di chứng của những vết thương cũ. Cha mẹ, anh chị em ruột, chồng và 6 đứa con cùng cả dòng họ gần 100 người của bà đều bị Pôn Pốt giết chết vào một đêm tháng 4/1978. “Ngày nào chị tôi cũng quét dọn, hương khói tại nhà mồ Ba Chúc để được gần chồng, con. Trước đây, chị là nhân chứng sống, thường cung cấp những hình ảnh bằng ký ức về cuộc thảm sát đẫm máu năm nào. Thế nhưng, gần đây, chị tôi trở bệnh nên quên hết” - em gái bà Nga chia sẻ.

Hơn 1.000 hộp sọ được đánh số theo độ tuổi, giới tính được lưu giữ tại nhà mồ

Hơn 1.000 hộp sọ được đánh số theo độ tuổi, giới tính được lưu giữ tại nhà mồ

Sau 12 ngày đêm bị chiếm đóng (18 đến 30/4/1978), xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc) bị dìm trong biển máu, hơn 3.000 dân thường bị giết chết. Ngày 18/4/1978, quân Pôn Pốt tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai, Tam Bửu và núi Tượng để ẩn náu, song cũng bị quân Pôn Pốt tàn sát dã man.

2. Cuối năm 1979, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang xây dựng quần thể chứng tích tội ác. Đến năm 2013, Khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc được khởi công xây dựng lại với quy mô 5ha, kinh phí gần 30 tỉ đồng.

Điểm nhấn công trình nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng nhằm giảm cảnh tang thương, chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau (căn cứ vào kết quả giám định hộp sọ). Hiện nhà mồ trưng bày 1.159/3.157 bộ hài cốt, chiếm 1/3 số nạn nhân bị Pôn Pốt sát hại trong 12 ngày chiếm đóng tại Ba Chúc.

Các hạng mục trong khu di tích không chỉ giúp lưu giữ lại chứng tích tội ác chiến tranh, nơi thờ cúng, tưởng niệm hơn 3.000 nạn nhân xấu số mà còn phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu về Ba Chúc. Bạn Nguyễn Văn Tường - du khách đến từ TP.HCM, xúc động: “Từng được nghe, được biết về vụ thảm sát tại Ba Chúc qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khi đến tìm hiểu thực tế tại khu di tích này, tôi không cầm được nước mắt. Dù chỉ được kể lại nhưng tôi cảm giác rùng rợn, bàng hoàng về tội ác Pôn Pốt gây ra với người dân vô tội tại Ba Chúc”.

Khung cảnh tan hoang, chết chóc của người dân Ba Chúc bị Pôn Pốt sát hại được chụp lại qua hình ảnh tại nhà mồ Ba Chúc

Khung cảnh tan hoang, chết chóc của người dân Ba Chúc bị Pôn Pốt sát hại được chụp lại qua hình ảnh tại nhà mồ Ba Chúc

Hàng năm, lễ giỗ tập thể nạn nhân Ba Chúc được tổ chức vào ngày 16/3 (âm lịch). Đây được xem là lễ giỗ tập thể rất lớn tại Việt Nam, thu hút hàng ngàn du khách, tín đồ tôn giáo và thân nhân các nạn nhân tham gia cúng viếng, cầu nguyện.

Trong cuốn kỷ yếu 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2019), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, khi miền Nam Việt Nam vừa được giải phóng, tập đoàn Pôn Pốt đưa quân đánh các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta với quy mô ngày càng lớn. Trong cuộc tiến công xâm lược dọc biên giới Tây Nam, quân Pôn Pốt tiến hành nhiều vụ thảm sát khủng khiếp đối với người dân Việt Nam, trong đó có thể kể đến vụ thảm sát ở Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang). Ngày nay, khu di tích nhà mồ Ba Chúc đang còn chứa đựng hơn 1.000 bộ xương cốt người dân vô tội bị quân Pôn Pốt giết hại là một bản cáo trạng, một chứng tích về tội ác “trời không dung, đất không tha” của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xari./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết