Tiếng Việt | English

16/02/2017 - 16:54

Viếng soạn giả, liệt sĩ Trần Hữu Trang

Anh Tư Trang, thầy tư, ông Tam Tạng, ông Phật,... là những biệt danh được bạn bè, đồng nghiệp thân thiết gọi ông bằng cả tấm lòng, có lẽ do tính tình ông đôn hậu, điềm đạm, luôn sống tử tế với mọi người. Nhưng với cái xấu, cái ác, với kẻ thù xâm lược, ông chống đối rất quyết liệt bằng ngòi bút rực lửa đấu tranh cách mạng. Đó là vài nét phác thảo chân dung soạn giả, liệt sĩ (SG-LS) Trần Hữu Trang.

Chân dung soạn giả, liệt sĩ Trần Hữu Trang

Ngày 25 tháng Chạp âm lịch vừa qua, kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của SG-LS Trần Hữu Trang, UBND tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà lưu niệm SG-LS Trần Hữu Trang tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Tại đây, Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang ghi sổ lưu niệm: “Bác Tư Trang! Năm mươi năm qua quá đủ để quên tên một người, nhưng tên Trần Hữu Trang thì còn mãi mãi. Quan trọng nhất là còn nghệ thuật đờn ca tài tử, còn nghệ thuật sân khấu cải lương thì tên bác còn được nhớ, được nhắc đến. Người miền Nam mê đờn ca tài tử, cải lương là còn nhớ bác. Cảm ơn bác đã cho đời, cho nghề những tác phẩm còn mãi với thời gian...”.

Nhà lưu niệm SG-LS Trần Hữu Trang nằm bên bờ sông Bảo Định chảy qua làng Phú Kiết. Nơi đây, khi qua tuổi 80, ở những năm cuối đời, SG-nhà thơ Kiên Giang-Hà Huy Hà thường ghé thắp hương tưởng nhớ bậc tiền bối mà ông rất tôn quý. Sau đó, ông cùng SG Việt Thường - con trai Trần Hữu Trang - xách rổ ra vườn hái rau tập tàng, câu cá ao bên nhà, rồi thổi lửa nấu cơm bằng nồi đất dưới tàn lá cây râm mát. Sau đó là bữa cơm đầy không khí “tri âm, tri kỷ”của đôi bạn già. Còn sáng ngày rằm tháng Giêng, tôi đến thấy Việt Thường ngồi trước hai củ khoai lang lùi cháy sém, bốc một củ lên ăn ngon lành. Đó là bữa ăn sáng của ông. Ông cẩn thận gói củ còn lại cho bữa trưa. Ở tuổi xấp xỉ 85, lưng hơi khòm nhưng tinh thần khá minh triết. Ông đưa tôi vào viếng nhà lưu niệm. Nhà có diện tích 7m x 6m, khắp bốn bức tường bên trong treo đầy ảnh văn nghệ sĩ tài danh: Năm Châu, Phùng Há, Năm Sa Đéc, Ba Vân, Hữu Phước, Bảy Nam, Kim Cương, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan, Minh Phụng, Mỹ Châu,... và ảnh các đoàn nghệ thuật cải lương nổi tiếng cùng các diễn viên trên sân khấu. Người am tường xem ảnh dễ nhớ từng vở tuồng, từng diễn viên “vang bóng một thời” khắp ba miền Nam - Trung - Bắc. Ở giữa nhà lưu niệm, trên một bục cao đặt bảng tóm tắt tiểu sử Trần Hữu Trang. Theo đó, ông sinh năm 1906 tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo và hy sinh năm 1966 tại căn cứ Xa Mát (Tây Ninh). Là nhà cách mạng và soạn giả lớn của nghệ thuật cải lương nước nhà, ông được truy tặng Huân chương Thành đồng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật đợt I (1996). Giữa bức tường trong cùng treo chân dung ông và hai bức liễn đối: “Đất đỏ thử gan vàng, khí phách phiêu diêu trời Phú Kiết/Lửa hồng nung bút thép, anh linh cuồn cuộn sóng Tiền Giang” và bài thơ ca ngợi công đức của ông: “Hai mùa chinh chiến lắm gian truân/Núi thẳm rừng sâu, bước chẳng dừng/Bảo Định sông dài sương thấp thoáng/Tịnh Hà trời rộng nắng bâng khuâng/Nhớ Tô Ánh Nguyệt thơ đôi vận/Thương Đời Cô Lựu rượu mấy tuần/Tận hiếu tận trung tròn nghĩa vụ/Hồn thiêng noi dấu Thủ Khoa Huân” (những chữ đậm là tên các vở cải lương nổi tiếng và vượt thời gian của Trần Hữu Trang).

Trần Hữu Trang được nhớ đến như là một nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng suốt đời đấu tranh giữ vững ngọn cờ văn nghệ yêu nước và XHCN.

SG Việt Thường cho biết, thân sinh ông và SG-Nghệ sĩ nhân dân Năm Châu là anh em bạn dì ruột, trên đường hoạt động cách mạng, hai ông là một cặp đồng hành. Hai con người này tác động có hiệu quả làm cho suốt thời Ngô Đình Diệm đến thời Nguyễn Văn Thiệu, ở Nam bộ không có một vở cải lương nào mang màu sắc chống cộng. Ông nhớ, năm 1957, khi ông vừa tròn 17 tuổi, đang theo học ở Sài Gòn. Một hôm, cha ông dẫn ông đi xem đoàn hát của Tư Chơi diễn vở Lấp sông Gianh - mượn sông Gianh để nói về sông Bến Hải chia đôi đất nước - cần phải “lấp”. Màn vừa mở bỗng một trái lựu đạn tung lên sân khấu rồi bồi tiếp một trái nổ nữa. Cả rạp hỗn loạn xô nhau chạy... Đây là âm mưu của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm theo Mỹ xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ về tổng tuyển cử thống nhất đất nước đang bị chia hai, lấy sông Bến Hải - cầu Hiền Lương làm ranh giới tạm thời.

Được chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu, rồi Nguyễn Văn Hiếu (từng làm Bộ trưởng Văn hóa Thông tin sau 1975) dẫn dắt bước đầu, SG Trần Hữu Trang luôn giữ vững ngòi bút thép trước mọi áp lực và cám dỗ. Các tác phẩm của ông đều hàm chứa nội dung “tả thực xã hội”, khơi gợi ý thức dân tộc, lòng yêu nước và thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Những năm hoạt động sôi nổi ở Sài Gòn - sào huyệt của kẻ địch - ông cùng SG Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) vừa sáng tác kịch bản, vừa tổ chức các gánh hát Năm Châu, Việt kịch Năm Châu, Con Tằm,... và diễn các vở: Nợ dâu, Chiếc áo thiên nga, Người với người, Hậu chiến trường, Miếng thịt người,... đều mang nội dung đấu tranh cách mạng. SG Việt Thường kể: “Sau ngày giải phóng, anh em cán bộ quản lý sân khấu ở miền Bắc vào TP.HCM và gặp tôi. Tôi đưa họ đi tham quan chùa Nghệ sĩ, Hội Ái hữu sân khấu,... Họ tỏ ra ngạc nhiên: “Sao các anh làm được hay vậy? Giới nghệ sĩ sân khấu khi già yếu, giã từ sân khấu ở đây còn có chỗ nương náu; được chăm sóc cả vật chất và tinh thần. Hay quá! Chớ ngoài đó thì không”. Đó là lúc ông công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn - Gia Định (về sau là Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, rồi Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM). Ông phụ trách quản lý mảng sân khấu và Hội Ái hữu sân khấu. Thật ra, từ năm 1948, cha ông - SG Trần Hữu Trang - xây dựng khu nhà tập thể cho diễn viên và công nhân sân khấu và năm 1957, thành lập Nghiệp đoàn Nghệ sĩ sân khấu,... biến những nơi đó là cái nôi tập hợp anh chị em trong giới sân khấu và ký giả kịch trường hướng về ngọn cờ cách mạng.


Soạn giả Việt Thường trước Nhà lưu niệm soạn giả, liệt sĩ Trần Hữu Trang

Năm 1960, SG Trần Hữu Trang đi vào chiến khu tham dự Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và được bầu vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng. Ngày 27-12-1966, Mỹ đánh bom B-52 vào căn cứ Trung ương Cục ở Xa Mát và SG Trần Hữu Trang anh dũng hy sinh.

Ở Sài Gòn, Việt Thường từng hoạt động với Đoàn hát Phước Chung mà hầu hết văn nghệ sĩ của đoàn đều theo cách mạng. Hai SG Trần Hữu Trang và Năm Châu từng "đứng mũi chịu sào" đoàn hát này. SG Việt Thường kể, năm 1967, ông đang hướng dẫn quay phim có nội dung tố cáo Mỹ và chế độ Sài Gòn thì bị địch bắt bỏ tù. Ở trong tù, ông tự học chữ Hán đến có thể đọc và dịch truyện Tàu để làm tư liệu cho các sáng tác kịch bản cải lương của ông. Sau khi cha hy sinh, con trai kế tục sự nghiệp của Đoàn Phước Chung chiến đấu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng,...

Với trí nhớ tuyệt vời, SG Việt Thường kể cho tôi nghe về cuộc đời đầy hy sinh, gian khổ khi liên tục dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Ông kể từng chặng đường hoạt động của phụ thân bên cạnh các tên tuổi Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân,... và ông cùng các SG Phi Hùng, Mai Quân, Tùng Linh, Trương Bỉnh Tòng,... kề vai sát cánh đưa Đoàn Phước Chung vượt qua bao nhiêu khó khăn trước sự đàn áp của kẻ thù. Sau 1975, là người quản lý nhà nước về nghệ thuật cải lương, ông luôn sát cánh với từng đoàn, từng gánh hát cải lương. Tôi gợi ý ông nên viết hồi ký từ nguồn tư liệu ngồn ngộn ấy. Và ông gật gù: “Để xem. Chắc phải viết thôi!”./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết