Tiếng Việt | English

24/06/2017 - 11:40

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

 

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Tại Phiên họp Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) về các hoạt động cứu trợ nhân đạo năm 2017, Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát biểu ngày 23/6 tại phiên thảo luận chung trong khuôn khổ Phiên họp ECOSOC, diễn ra từ 21-23/6 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Việt Nam, trong đó có xây dựng và triển khai Luật phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2014, Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chiến lược tăng trưởng xanh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, chia sẻ kinh nghiệm về chủ động hợp tác xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và tìm kiếm cứu nạn.

Đại sứ Dương Chí Dũng kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề nhân đạo phát sinh do ảnh hưởng của El Nino/La Nina, hiện tượng thời tiết cực đoan tác động tiêu cực tới 100 triệu người nếu không có hành động thích đáng, gây hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, đồng thời cho biết Việt Nam được công nhận là một trong những thành viên tích cực nhất trong Kế hoạch của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về ứng phó với El Nino và La Nina.

Nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh sự tham gia của mọi thành phần xã hội, điều phối và nhất quán trong hành động, đồng thời cho rằng các cam kết và sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế là vô cùng quan trọng để “không quốc gia, khu vực, cộng đồng, cá nhân nào bị bỏ lại phía sau."

Đoàn viên thanh niên trồng rừng tại khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Năm 2017, Liên hợp quốc và các đối tác cần một khoản ngân sách trị giá 23,5 tỉ USD để cứu trợ một số lượng kỷ lục 141 triệu người ở 37 quốc gia đang cần nhận trợ giúp nhân đạo. Đây là thông tin được đưa ra tại Phiên họp ECOSOC với chủ đề năm nay là: "Cải thiện hoạt động cứu trợ nhân đạo, chấm dứt tình trạng các cá nhân cần được cứu trợ bị bỏ quên: Cùng hành động để giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng nhân đạo và nhu cầu cứu trợ, cũng như giảm tính dễ bị tổn thương."

Các đại biểu thảo luận về nhiều chủ đề trong đó có vấn đề cứu trợ nhân đạo tại các khu vực chịu khủng hoảng kéo dài, giải quyết các thách thức đặt ra về nhân đạo trong trường hợp di cư do thiên tai và hậu quả của biến đổi khí hậu, về khoanh vùng khu vực cần cứu trợ, tăng cường năng lực, phát huy tinh thần trách nhiệm của các nhà chức trách, nhà tài trợ địa phương, đáp ứng và giảm thiểu nhu cầu cứu trợ.

Các đại biểu cũng trao đổi về các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực chịu các cuộc khủng hoảng kéo dài, hỗ trợ nhân đạo tại các khu vực có nguy cơ cao, tiếp cận những người cần cứu trợ, thúc đẩy, khuyến khích tôn trọng luật quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo, phòng ngừa và đấu tranh chống nạn đói, vấn đề cứu trợ nhân đạo và phát triển, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững trong bối cảnh khủng hoảng.

Năm nay, hơn 140 triệu người trên thế giới đang cần nhận cứu trợ của Liên hợp quốc với khoản ngân sách lên đến 23,5 tỉ USD. Tuy nhiên, các chương trình viện trợ do Liên hợp quốc điều phối cho biết mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu cứu trợ này.

Tháng 12/2016, Liên hợp quốc và các đối tác đã ra thông báo kêu gọi đầu tư cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong năm 2017. Đáp lại lời kêu gọi này, tính đến nay các nhà tài trợ đã cung cấp 6,2 tỉ USD.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2016 tới nay, nhu cầu ngân sách cho các hoạt động viện trợ nhân đạo đã tăng lên đến 23,5 tỉ USD, tức là cao hơn dự kiến tới 1,3 tỉ USD. Trên thực tế, nhiều vụ thiên tai mới xảy ra, các cuộc khủng hoảng kéo dài làm gia tăng nhu cầu và số lượng người cần nhận cứu trợ nhân đạo.

Phiên họp ECOSOC về các hoạt động cứu trợ nhân đạo là cơ hội quan trọng để các quốc gia thành viên, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, đối tác, nhà tài trợ và cộng đồng đang cần được trợ giúp xác định các thách thức, nhu cầu cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và mới phát sinh, thảo luận các phương hướng giải quyết, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở cấp độ quốc gia và khu vực.

Từ năm 1998, Phiên họp ECOSOC về các hoạt động cứu trợ nhân đạo là một diễn đàn thảo luận quan trọng về tăng cường đầu tư, điều phối các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc.

ECOSOC là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc phụ trách thúc đẩy 3 khía cạnh của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam là một trong 54 quốc gia thành viên ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết