Tiếng Việt | English

07/11/2015 - 09:35

Việt Nam hăng hái trong số hóa nền kinh tế

Các nghiên cứu cho thấy Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đột phá về kinh tế số, và được đánh giá là có cơ hội lớn để trở nên nổi bật trong tương lai.

Theo khảo sát mới đây của Trường Kinh doanh Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Phillipines được xếp vào nhóm quốc gia đột phá về kinh tế số.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những nước này cần một quá trình để bước sang giai đoạn phát triển cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với những thách thức như cải thiện cơ sở vật chất nguồn cung và hỗ trợ cho người tiêu dùng trong nước phát triển nhận thức cao hơn.

Để tính toán và hiểu rõ hơn về các thay đổi trong quá trình số hóa, các nhà nghiên cứu của Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) đã đưa ra chỉ số Phát triển số (Digital Evolution Index - DEI) để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số của các quốc gia.


Theo xếp hạng của chỉ số DEI, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia hăng hái nhất trong quá trình số hóa nền kinh tế.

Dựa trên mức độ hoạt động của các quốc gia trên bảng chỉ số trong các năm từ 2008 đến 2013, các quốc gia trên thế giới được phân thành 4 nhóm về sự phát triển kinh tế số. Nhóm "Nổi bật" (Stand out) là các quốc gia cho thấy mức độ phát triển số cao trong quá khứ và tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển. "Chững lại" (Stall out) là những trường hợp từng phát triển, song đã mất đà và có nguy cơ tụt hậu.

"Đột phá" (Break out) là nhóm có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, có thể trở nên nổi bật trong tương lai dù hiện tại còn ở mức thấp. Nhóm "Dè chừng" (Watch out) chỉ những nước có nhiều cơ hội và thách thức song song, tốc độ tăng trưởng hiện tại không cao.

Một số quốc gia có thể vượt qua các trở ngại với các sáng kiến vượt trội và các biện pháp nhằm thu hẹp các khoảng cách, trong khi số khác dường như vẫn còn đang lúng túng.

Kết quả đánh giá theo DEI gồm thứ hạng của 50 nước được lựa chọn dựa trên hai tiêu chí: số người tiêu dùng Internet nhiều nhất trong 3 tỷ người dùng trên thế giới hoặc có triển vọng tăng số lượng người dùng Internet nhanh chóng./.

Trần Ngọc/VOV.VN (Theo Hbr.org)

Chia sẻ bài viết