Tiếng Việt | English

23/07/2018 - 23:45

Việt Nam là thị trường tiềm năng trong số hóa và thương mại điện tử

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực số hóa và thương mại điện tử.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực số hóa và thương mại điện tử. 

Đây là nhận định của ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN tại buổi họp báo công bố kết quả đối thoại giữa Liên đoàn các Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại các nước ASEAN (FJCCIA) và Tổng Thư ký ASEAN do FJCCIA và Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/7. 

Theo ông Dato Lim Jock Hoi, Việt Nam ngày càng chứng tỏ vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu; trong đó, điểm nổi bật là kinh tế Việt Nam đang duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cởi mở. 

Việt Nam cũng hội nhập sâu và mở cửa thị trường với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có phạm vi ảnh hưởng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... 

Đó là lý do mà Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong và ngoài khu vực ASEAN. Thêm vào đó, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, có độ tuổi trung bình trẻ và tỷ lệ người dùng Internet cao chính là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực số hóa, thương mại điện tử mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia. 

Ở góc độ những nhà đầu tư, ông Hiroyuki Ishige, Chủ tịch JETRO chia sẻ, nhiều lý do để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung. Trong quan hệ song phương, Việt Nam – Nhật Bản đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác (MOU) với tổng giá trị lên tới 21 tỉ USD. Về tổng thể, môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng được đổi mới theo hướng tích cực, đi vào thực chất. 

Cụ thể nhất là những thay đổi về mặt cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan đã giúp tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài vào các ngành thương mại, dịc vụ... 

Theo ông Hiroyuki Ishige, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Sau một thời gian đánh mất vị trí dẫn đầu, năm 2017 Nhật Bản đã quay lại trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với 9,11 tỉ USD, chiếm hơn 25% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Nhật Bản đã rót 6,47 tỉ USD vào các dự án đầu tư tại Việt Nam, chiếm gần 32% tổng vốn FDI vào Việt Nam./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết