Tiếng Việt | English

26/09/2019 - 14:48

Việt Nam và Liên bang Nga đang xây dựng quan hệ hình mẫu

Theo giới chuyên gia, Việt Nam và Liên bang Nga đang xây dựng quan hệ hình mẫu trong quan hệ song phương và tình hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)
“Việt Nam và Liên bang Nga đang xây dựng quan hệ hình mẫu”, là nhận định của ông Grigory Trophimchuk, Chủ tịch Quỹ nghiên cứu ý tưởng Á-Âu, chuyên gia bình luận chính trị trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng chính thống của Nga như kênh 1, Rossiya 1... và đã có nhiều năm theo dõi khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng.

Nhân chuyến thăm Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông G.Trophimchuk về những khía cạnh được quan tâm trong quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga.

Đánh giá về thành tựu nổi bật trong quan hệ song phương, chuyên gia G.Trophimchuk cho rằng Việt Nam luôn là đối tác rất quan trọng của Liên bang Nga.

Trong lịch sử, Liên bang Nga không có nhiều những người bạn như Việt Nam và trên thế giới cũng không nhiều nước có được tình bạn như thế. Tình hữu nghị giữa hai nước đã được thử thách qua thời gian, một tình bạn chân thành không vụ lợi. Chính Việt Nam, chính con người Việt Nam với truyền thống và bản tính dân tộc thủy chung đã đóng vai trò lớn trong xây đắp tình bạn đó.

Việt Nam là nước đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ngay từ thời điểm liên minh bắt đầu hoạt động.

Theo ông G.Trophimchuk, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong khuôn khổ EAEU không nhằm mục tiêu cạnh tranh mà chính là để định hình quan hệ có thể trở thành kiểu mẫu cho các nước khác.

Ông G.Trophimchuk nhận định: “Quan hệ hợp tác Việt Nam–Liên bang Nga ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta bây giờ là phải nâng được quan hệ kinh tế lên ngang tầm với quan hệ chính trị.” Lãnh đạo hai bên đã đặt ra nhiệm vụ nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo ông G.Trophimchuk, tính đến tiềm năng, Việt Nam và Liên bang Nga còn có một điểm chung đó là cả hai nước đều thuộc số những nước có dân số trăm triệu, cộng thêm hoạt động tích cực của giới kinh doanh Việt Nam thì 10 tỷ USD không phải là mức giới hạn trần.

Hợp tác khu vực, hợp tác ngành, du lịch và công nghệ cao là những lĩnh vực mà ông G.Trophimchuk cho rằng có thể đủ khả năng đưa quan hệ kinh tế Nga-Việt lên một tầm cao mới.

Qua theo dõi nhiều năm, ông ghi nhận hoạt động xúc tiến tích cực của doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, trong đó có Diễn đàn Kinh tế phương Đông, tổ chức hàng năm theo sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok ở vùng Viễn Đông đang là mũi nhọn thu hút đầu tư của Liên bang Nga. Và ông tin tưởng rằng định hướng này sẽ sớm thay đổi con số kết quả hợp tác giữa hai bên.

Việc Việt Nam tham gia Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng có ý nghĩa thực tiễn ngày càng gia tăng. Qua những liên minh như EAEU Nga tăng vai trò của mình trên thế giới, góp phần bảo đảm an ninh và ổn định toàn cầu.

Nhờ Việt Nam tham gia EAEU mà Nga đã mở được cửa Đông Nam Á. Qua cây cầu Việt Nam, Nga đã vươn tới được khu vực then chốt cả về chính trị lẫn kinh tế này của thế giới.

Châu Á hiện là khu vực tăng trưởng trung tâm của cả thế giới, còn Đông Nam Á lại là một trong các trung tâm then chốt của châu Á, của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và có lẽ là của cả Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Chuyên gia Trophimchuk chỉ ra rằng, Việt Nam không tham gia liên minh nào chỉ để “cho vui." Do đó, khi Việt Nam tham gia EAEU, Nga cần phải củng cố liên minh này để các bên đều nhận được lợi ích từ việc tham gia.

EAEU là thị trường tiềm năng lớn và thân thiện cho Việt Nam. Với sự tham gia của một đối tác nghiêm túc như Việt Nam, bản thân EAEU đã tăng được trọng lượng của mình, hợp tác trong khuôn khổ EAEU sẽ tăng khai thác được tiềm năng của cả hai bên.

Chia sẻ với phóng viên về những ấn tượng trong lần đầu đến thăm Việt Nam, ông G.Trophimchuk cho biết Hà Nội là điểm dừng chân đầu tiên trong kế hoạch xuyên Việt của ông, với ba điểm dừng chân là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ cái nhìn của một chuyên gia, ông ấn tượng trước hết với cách thức mà Việt Nam thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong muôn vàn khó khăn liên quan đến xuất phát điểm thấp và cục diện địa chính trị phức tạp. Con người, danh lam thắng cảnh và ẩm thực Việt Nam đã để lại những ấn tượng khó phai.

Tình cảm của nhân dân và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thuyết phục ông hoàn toàn về sự vĩ đại giản dị cũng như tính thời sự trong di huấn của Người.

Với niềm cảm phục chân thành, ông đã viết vào sổ lưu niệm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh dòng chữ: “Đồng chí Hồ Chí Minh là người đương thời vĩnh viễn của tất cả chúng ta.”

Là một chuyên gia chính trị với nhiều năm kinh nghiệm, ông đánh giá Việt Nam đang có vai trò ngày càng cao tại Đông Nam Á và khu vực. Trong giới chuyên gia bình luận chính trị, mỗi khi nhắc đến Đông Nam Á thì Việt Nam hầu như luôn được đặt lên hàng đầu.

Việt Nam vừa được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong năm tới sẽ có cơ hội tốt để cho thế giới thấy vai trò, vị thế của mình. Nga thì đã là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và sẽ ủng hộ Việt Nam trong việc này.

Năm tới đây, hai nước sẽ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ký kết thỏa thuận về cơ sở cho mối quan hệ hữu nghị, hai bên đang tổ chức rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ năm chéo: Năm Việt Nam tại Liên bang Nga và năm Liên bang Nga tại Việt Nam.

Đây là một cái mốc để tổng kết kết quả, để rồi bước vào thời kỳ tiếp theo với ý chí mới, quyết tâm mới. Tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên và đều đặn giữa lãnh đạo hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Nga vào tháng 9/2018 còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga tháng 5/2019. Với mỗi chuyến thăm, quan hệ song phương lại được tiếp thêm xung lực mới, cũng như được đặt ra những nhiệm vụ mới vì lợi ích của hai dân tộc.

Dù vậy, chuyên gia G.Trophimchuk cho rằng vẫn cần đưa hình ảnh Việt Nam hiện tại đến với nhiều người dân Nga hơn nữa. Người Nga biết Việt Nam, song là Việt Nam của cả chục năm trước. Vì khách du lịch thì không hẳn là nguồn tin phong phú và đa dạng về đất nước. Ở đây cần có sự đóng góp của giới chuyên gia - họ mới có thể nói về Việt Nam hiện tại và Việt Nam tương lai./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết