Tiếng Việt | English

21/06/2017 - 13:29

Viết phóng sự đâu phải dễ!

Viết phóng sự đâu phải dễ! Bởi phóng sự là thể loại báo chí khó nhất, vừa phải có sự hiểu biết, có những trải nghiệm nhất định về vấn đề, đề tài, lại vừa phải có “cái tôi” cảm xúc.

Trải nghiệm là điều kiện bắt buộc

Muốn có được một phóng sự hay hoặc một bài viết hấp dẫn, có hiệu ứng xã hội, ngoài việc nắm vững nghiệp vụ báo chí, người viết cần có kiến thức sâu, rộng về các vấn đề cần viết. Chính vì vậy, việc đi thực tế, tiếp cận cơ sở là điều kiện bắt buộc và hết sức quan trọng đối với các phóng viên.

Tôi còn nhớ, phóng sự đầu tiên mà tôi thực hiện là một bài viết về Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, ban đầu chỉ là những trải nghiệm nhẹ nhàng sau khi được đi tham quan một vùng đất mới.

Lần đầu tiên nghé thăm khu bảo tồn, cả một khung cảnh hoàn toàn tách biệt với cuộc sống ồn ào bên ngoài ập vào mắt tôi. Ở đó không còn những tất bật của cuộc mưu sinh mà là êm ả những cánh rừng tràm bạt ngàn với những cánh chim trời tự do vỗ cánh giữa không trung.

Tiếp xúc với vị phó giám đốc trẻ tuổi nhưng có hơn 10 năm công tác gắn bó tại đây, những câu chuyện về lịch sử, con người và những cánh chim đến di trú hàng năm được anh kể cho tôi nghe với nhiều cảm xúc.

Trong một lần lấy thông tin viết phóng sự “Động vật rừng hoang dã trước nguy cơ bị tận diệt” tại chợ nông sản Thạnh Hóa

Nhưng không phải chỉ đến một lần là tôi có thể thực hiện được một bài phóng sự. Cảm xúc có, thông tin dữ liệu cũng có nhưng chỉ một lần về Láng Sen khiến tôi không thể “cảm” để viết được một bài viết hay về nó. Tôi dừng lại, chưa viết và tiếp tục trở lại Láng Sen với hy vọng khai thác được thêm thông tin để thực hiện bài viết.

Quả thực khi quay trở lại, những cảm xúc như trào dâng khi trên chiếc xuồng chèo tay, tôi được anh cán bộ trong khu bảo tồn đưa đi thăm những ngóc ngách của những con kênh đào xẻ ngang dọc trong khu bảo tồn, được chứng kiến những cánh chim trời bay đi kiếm ăn vào buổi sớm mai và tìm về tổ lúc hoàng hôn.

Được anh đưa đi gặp gỡ, lắng nghe những câu chuyện từ chính người dân quanh vùng cùng các anh làm công tác bảo tồn suốt thời gian qua, cho tôi thêm những trải nghiệm thú vị trước khi thực hiện bài viết của mình.

Hay như gần đây, tôi cùng phóng viên Văn Đát thực hiện phóng sự “Động vật rừng hoang dã trước nguy cơ bị tận diệt”, việc đi và trải nghiệm là một điều bắt buộc khi thực hiện bài viết. Sẵn có nhiều dịp tiếp xúc hay bắt gặp cảnh săn bắt, buôn bán chim trời, động vật rừng nên chỉ sau một tuần “lăng xăng” từ các huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Kiến Tường để ghi nhận lại và gặp gỡ một số cơ quan chức năng, chúng tôi thực hiện xong bài viết.

Viết phóng sự đâu phải dễ!

Cái khó của những phóng viên trẻ như tôi chính là trải nghiệm về cuộc sống. Gần 4 năm làm báo dường như mới chỉ là những bước khởi đầu của nghề nghiệp. Với chúng tôi, không phải cứ muốn đến nơi nào, gặp gỡ ai là cũng có thể đến ngay được. Và thông tin muốn tìm, muốn có cũng không dễ có người hay cơ quan chức năng sẵn sàng cung cấp cho chúng tôi. Và khi thực hiện một bài phóng sự, phản biện thì điều đó lại càng trở nên khó khăn gấp bội.

Đơn cử như khi thực hiện bài viết “Động vật rừng hoang dã trước nguy cơ bị tận diệt”, mặc dù có nhiều người đứng ra cung cấp về cách thức bấy lâu nay người ta đặt bẫy tận diệt chim, cò nhưng khi được đề nghị ghi tên thì tất cả mọi người đều khéo léo từ chối vì không muốn liên lụy đến bản thân mình.

Hay như việc thực hiện bài viết về cơn sốt đất tại các huyện vùng ven TP.HCM, phải nhiều lần hẹn tới, hẹn lui với lãnh đạo huyện Cần Giuộc nhưng rốt cuộc cũng chỉ nhận được những thông tin chung chung, không đi sâu vào vấn đề của vị Phó Chủ tịch UBND huyện, dù nhiều lần phóng viên đề cập.

Khó là thế nhưng nếu phóng viên không chịu tìm tòi, khai thác những nguồn thông tin riêng thì chẳng lẽ lại làm hỏng đi một bài viết, một vấn đề đang được mọi người quan tâm?

Chính điều đó thôi thúc mỗi phóng viên phải trang bị cho mình vốn kiến thức nhất định, những trải nghiệm của cuộc sống và cả những kỹ năng nghề nghiệp để mang đến cho độc giả những góc nhìn đa chiều về vấn đề cần phản ánh trong một bài phóng sự.

Đó là chưa kể “cái hậu” sau khi bài phóng sự được đăng tải, có những cú điện thoại đến tòa soạn, những ý kiến phản ứng, phân bua và cả những lời hăm he, mắng chửi,... Áp lực dành cho phóng viên không hề nhỏ!

Đôi khi, “người trong bài” tìm đến tận nhà riêng ầm ĩ với người thân là những gì chúng tôi - những nhà báo viết phóng sự, phản biện - từng gặp phải.

Nhưng chúng tôi có một niềm vui là đưa những câu chuyện, những vấn đề, những ngóc ngách trong góc tối ra ánh sáng, góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp, “khỏe mạnh” hơn. Đó cũng là niềm vui của người làm báo!

Tôi hy vọng rằng, những năm tới, không chỉ tôi mà tất cả các phóng viên khác sẽ có những bài phóng sự hay, hấp dẫn gửi đến bạn đọc trên Báo Long An./.

Đưa những câu chuyện, những vấn đề, những ngóc ngách trong góc tối ra ánh sáng, góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp, “khỏe mạnh” hơn. Đó cũng là niềm vui của người làm báo!

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết