Tiếng Việt | English

31/10/2016 - 04:51

Vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Văn Chính – Nhà lãnh đạo tiêu biểu của quê hương Long An

Nhà hoạt động cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiều khóa, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước - Nguyễn Văn Chính - người con ưu tú của quê hương Long An ra đi lúc 16 giờ,ngày 29/10/2016 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, thọ 93 tuổi.

Ông qua đời vào lúc tỉnh nhà vừa gấp rút hoàn thành các tư liệu, hình ảnh để xây dựng một bộ phim tài liệu về ông nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ kế tiếp. Nghiêng mình tiễn biệt nhà lãnh đạo, người Cộng sản ưu tú Nguyễn Văn Chính, chúng ta cùng thắp nén tâm hương và nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi động của ông.


Đồng chí Nguyễn Văn Chính

Ông Nguyễn Văn Chính tên thật là Cao Văn Chánh (trong chiến tranh mang các bí danh: Bảy, Mười Tửu, Thiện Đức, Chín Cần), sinh ngày 1/3/1924, tại làng Tân Quý, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Ông tham gia cách mạng tháng 2/1945, hoạt động trong tổ chức Thanh niên Tiền phong và giành chính quyền tại quận lỵ Cần Giuộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, Pháp xâm lược trở lại, ông gia nhập tự vệ chiến đấu quân của làng Tân Quý. Tháng 8/1946, ông được phân công phụ trách Chủ nhiệm Thôn bộ Việt Minh, Phó Bí thư Chi bộ làng Tân Quý. Tháng 4/1947, là Chủ nhiệm Khu bộ Việt Minh khu Phước Điền Thượng, Huyện ủy viên Cần Giuộc.

Tháng 12/1948, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc kiêm Đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc huyện, sau đó kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Huyện đội dân quân huyện Cần Giuộc. Tháng 6/1952, ông là Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Huyện đội dân quân liên huyện Cần Giuộc - Cần Đước - Nhà Bè thuộc tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn; sau đó, được phân công là Trưởng ban Cán sự Đảng, Dân - Quân - Chính của huyện, phụ trách vùng thượng huyện Cần Giuộc.

Tháng 8/1954, sau khi lập lại tỉnh Chợ Lớn, ông được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, sau đó, được Xứ ủy chỉ định làm Tỉnh ủy viên phụ trách công tác binh vận và phụ trách 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Đầu năm 1956, ông được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chợ Lớn (ông Huỳnh Văn Một là Bí thư), kế đó làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 10/1957, nhập 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An (trừ Mộc Hóa) thành tỉnh Long An, thuộc Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ, ông tiếp tục làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An, phụ trách Tuyên huấn tỉnh. Từ tháng 11/1959 đến sau Đồng khởi năm 1960, ông là Bí thư Tỉnh ủy Long An kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Năm 1963, ông được bầu Khu ủy viên dự khuyết Khu ủy Khu 8 (T2) kiêm Bí thư Tỉnh ủy Long An.


Đồng chí Nguyễn Văn Chính (thứ 3, trái qua) cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An trong thời đầu khai mở Đồng Tháp Mười (năm 1984)

Tháng 8/1964, ông được rút về khu, phụ trách Trưởng ban Binh vận Khu, là Ủy viên Đảng ủy Quân sự Khu 8. Tháng 6/1966, ông là Khu ủy viên chính thức, làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 12/1967, ông là Bí thư kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Phân khu 3 (Nam Long An và một số quận, huyện thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định).

Tháng 10/1970 đến tháng 8/1972, ông làm Bí thư Phân khu 23 kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Phân khu 23 thuộc Trung ương Cục miền Nam. Tháng 8/1972, Phân khu 23 giải thể, ông tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Long An thuộc miền Đông Nam bộ. Tháng 3/1973, ông được rút về Trung ương Cục, phụ trách Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 12/1976, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó, được cử phụ trách Đảng bộ tỉnh Long An. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ nhất (4/1977), ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Từ năm 1977-1984 là thời kỳ Long An và cả nước đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách do chiến tranh biên giới, lũ lụt và nhất là cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp cản trở nặng nề đến sản xuất, đời sống của nhân dân, ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) cùng với Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Long An lãnh đạo tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và nghĩa vụ quốc tế, khai mở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, đặc biệt thực hiện cải tiến phân phối lưu thông - những thành tựu được Trung ương đánh giá là sáng tạo và tư duy đổi mới. Cùng với Đồ Sơn (Hải Phòng), đầu những năm 80, Long An được xem là địa phương đi tiên phong cả nước trong việc thực hiện hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường (thực hiện cơ chế một giá), đột phá vào cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp còn nặng nề lúc bấy giờ.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ II (1/1980), lần thứ III (5/1983), ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng thời, cùng tập thể lãnh đạo thực hiện hiệu quả chương trình khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười. Từ các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3/1982), VI (10/1986), ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Tháng 2/1984, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lương thực; tháng 2/1987, được Quốc hội, Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Tháng 5/1988, ông được cử là Phó Trưởng ban thứ Nhất Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX. Từ tháng 6/1992 đến 1/1997, ông được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.


Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Văn Chính (người đứng) thăm cơ sở nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng tại tỉnh Long An. Ảnh tư liệu

Là cán bộ lãnh đạo trưởng thành liên tục từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước, ông Nguyễn Văn Chính luôn tỏ rõ bản lĩnh của một nhà lãnh đạo luôn thấu hiểu, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, ông luôn trăn trở, tìm cách đột phá vào khâu yếu nhất.

Trong chiến tranh, ông là người quyết đoán, khéo léo, có tầm nhìn chiến lược; ở thời điểm “đen tối” của cách mạng miền Nam trước khi có Nghị quyết 15, ông từng chủ trương sử dụng vũ trang tuyên truyền làm đòn xeo cho “đồng khởi” trước tiên ở Khu 8. Thời bình, với tư duy lãnh đạo thực hiện “cơ chế một giá” một cách thuyết phục và hiệu quả (có lúc chịu phản ứng gay gắt từ một số lãnh đạo cấp cao), đột phá vào cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, đồng thời tháo gỡ được khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Ông cùng Tỉnh ủy Long An góp phần tích cực vào quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng; vừa lãnh đạo thực hiện thành công chương trình khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, tạo ra bước phát triển mạnh về bảo đảm lương thực và quốc phòng - an ninh của tỉnh biên giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của khu vực Nam bộ và cả nước.

Là đảng viên ở vị trí lãnh đạo cấp cao, ông Nguyễn Văn Chính luôn sống giản dị, yêu thương đồng chí, đồng đội, lắng nghe nhân dân; luôn năng động, sáng tạo vì nước, vì dân - đó là những phẩm chất cao quý của người Cộng sản - mà không phải bất cứ người Cộng sản làm lãnh đạo nào cũng có được./.

Với công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông Nguyễn Văn Chính được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất (28/1/1973), Huân chương Quyết thắng hạng Nhất (30/4/1975), Huân chương Lao động (số 1095-KT/CTN ngày 12/12/1996, về thành tích 20 năm xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long), Huân chương Độc lập hạng Nhất (Quyết định 224-KT/CTN ngày 30/6/1999), Huân chương Hồ Chí Minh (Quyết định số 854-QĐ/CTN ngày 6/11/2001), Huy hiệu và Bằng chứng nhận 60 năm tuổi Đảng (tháng 11/2010), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ông xứng đáng là một trong những nhà lãnh đạo rất tiêu biểu của quê hương Long An.

Long Thái

Chia sẻ bài viết