Tiếng Việt | English

05/07/2017 - 10:01

Vĩnh biệt Nguyễn Sơn Nam - Vị “tư lệnh” nông nghiệp 30 năm

Có những người sống lặng lẽ đến chừng như nhạt nhòa giữa bao hình vóc và ngôn từ ồn ào của cuộc sống, nhưng đến khi họ mất đi, ta mới chợt nhận ra khoảng trống mênh mông mất mát.

Kỹ sư Nguyễn Sơn Nam là mẫu người như vậy. Cả đời gắn bó với ngành nông nghiệp Long An, từ Phó ty, Trưởng ty (Giám đốc sở), từ cái tên Nông nghiệp, Nông Lâm Thủy lợi đến Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua bao giai đoạn với từng ấy năm, quả hiếm có cán bộ nào có chuyên môn sâu và “ổn định” như ông.

Nhà kỹ thuật tận tâm, trách nhiệm 

Trong những hội nghị về nông nghiệp của tỉnh hơn 20 năm trước, tiếng nói của ông Trần Ngọc Nhóm luôn rôm rả, không cần giấy tờ, sổ sách, con số về diện tích, sản lượng lúa của ông cứ tuôn như suối luôn có kèm theo con số lẻ, tạo ra ấn tượng đến ám ảnh người nghe. Ông Lê Văn Cao thì hùng hồn về lý luận, lý thuyết, phương pháp nhưng để phối kiểm thông tin và rút ra kết luận chính thức một chủ trương nào đó về nông nghiệp thì các vị chủ tịch từ Huỳnh Công Thân, Lê Quang Thẩm, Nguyễn Văn Chiểu,... đều trưng tập ý kiến của ông Sơn Nam.

Dáng người mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ, tiếng nói của ông như lọt thỏm trong không gian sôi động nhưng đó là kết tinh của những suy nghĩ, trăn trở, thống kê, tập hợp những bức xúc từ thực tế của người trí thức. Những con số về thành tựu của ông có thể khiêm tốn hơn ước muốn của lãnh đạo; những dự báo của ông có thể kém lạc quan, làm chùn bước những mong muốn phát triển đốt giai đoạn của người này, người khác nhưng đó là thông tin thật, đánh giá chân thực của một nhà kỹ thuật. Sự nhỏ nhẹ của ông không hề yếu đuối, né tránh sự thật dù biết rằng, có thể làm phật ý một số người.

Điển hình, trong Hội nghị tổng kết 30 năm ngành nông nghiệp Long An, ông Trần Ngọc Nhóm sôi nổi nói về thành tựu của việc khẩn hoang, biến Đồng Tháp Mười thành vựa lúa của cả nước; ông Trần Văn nói về vai trò của thủy lợi thì ông Nguyễn Sơn Nam nói về vai trò của kỹ thuật. Từ những kinh nghiệm nhỏ trong dân, ông kịp thời đúc kết thành những kinh nghiệm: Việc dùng nước ngọt ém phèn, xẻ rãnh thoát phèn, dùng bánh trục lồng ém phèn, sạ khô bừa lấp, chọn giống kháng rầy,... để vùng Đồng Tháp Mười từ 1 vụ lúa, năng suất chỉ mấy trăm kilôgam nay đạt đến 7-10 tấn/ha/năm, có nơi làm 3 vụ đạt 15 tấn/ha/năm,...

Từ việc xác định, nước mặn cũng là nguồn lợi (năm 1990) để hình thành nên hàng chục ngàn hécta tôm sú với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Nông dân Long An trong những ngày tháng gian nan, quyết liệt ấy xuất hiện những anh hùng trong sản xuất nông nghiệp: Võ Thị Hồng, Dương Văn Hữu, Bùi Hữu Nghĩa,... và khoa học - kỹ thuật nông nghiệp ngày nay tiếp tục phát huy với hàng chục ngàn hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Lập Trung tâm Khuyến nông sớm nhất cả nước

Ý thức về vai trò của khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, ông Sơn Nam chăm chút xây dựng đội ngũ và tổ chức Trung tâm Khuyến nông của Long An ra đời sớm nhất trong cả nước, hoạt động rất hiệu quả. Ngay khi Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết 10, khẳng định vai trò kinh tế hộ và có vài lớp tập huấn về mô hình khuyến nông, ông cử kỹ sư Hoàng Khắc Tường dự học, sau đó, tập huấn lại cho cán bộ sở; đồng thời, tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh thành lập trung tâm khuyến nông.

Đội ngũ những kỹ sư của trung tâm thời ấy: Nguyễn Thành Nghiệp, Hoàng Khắc Tường, Trần Hoàng Vũ, Hồ Hải,... là những cán bộ kỹ thuật có uy tín với các trung tâm khoa học của cả nước: Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học miền Nam.

Không chỉ trực tiếp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân qua các mô hình thí điểm như nhân giống lúa mới của ông Hai Hữu, sạ khô bừa lấp ở các huyện phía Nam, mô hình 2 vụ lúa tránh lũ ở Đồng Tháp Mười vẫn còn áp dụng đến ngày nay, các chuyên gia khuyến nông của tỉnh còn phổ cập thông tin kỹ thuật nông nghiệp cho người dân thông qua báo chí.

Thời đó, Báo Long An thường xuyên có chuyên trang nông nghiệp, không phải tuyên truyền chính trị mà phổ cập kỹ thuật trồng trọt từ cây lúa đến các loại rau màu, kỹ thuật chăn nuôi. Bài viết trên trang này do chính các chuyên gia của Trung tâm Khuyến nông phụ trách. Ông Sơn Nam cũng thường xuyên viết báo phổ cập kiến thức về nông nghiệp. Thậm chí, các ông còn đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà báo tỉnh.

Dự báo, khuyến cáo những mô hình "ảo"

Điều đáng quý là không cổ súy, phổ cập những kinh nghiệm và mô hình mới theo kiểu phong trào, nhắm mắt tung hê, khen ngợi, các ông rất thận trọng, thẩm định rất nghiêm ngặt theo kiến thức của nhà kỹ thuật.

Một kinh nghiệm cụ thể là mô hình trồng bông vải của xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ khoảng cuối thập niên 1980 ở bước thí điểm khá thành công và được Xí nghiệp Dệt Long An (thời ấy được mệnh danh là 1 trong 4 con voi đầu đàn của tỉnh) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây là mô hình đa dạng hóa cây trồng rất đúng định hướng tuyên truyền, là nhà báo, chúng tôi cũng muốn cổ súy, nhân rộng ra cả tỉnh nhưng anh Nguyễn Thành Nghiệp can.

“Thấy mấy anh ở Bình Tịnh quyết liệt làm bông vải, chúng tôi ủng hộ nhưng không khuyến khích vì về mặt kỹ thuật, trồng trên diện hẹp thì thành công nhưng trồng trên diện rộng khó xử lý sâu bệnh và nhiều vấn đề khác! Anh Sơn Nam cũng khuyến cáo phải dè dặt với mô hình này”. Quả đúng như vậy, ngay khi mở rộng diện tích, cây bông Bình Tịnh bị sâu bệnh, những tiêu chuẩn kỹ thuật của sợi bông cũng không đạt như ý. Xí nghiệp dệt “bẻ chỉa” không mua sản phẩm, chính quyền và người dân Bình Tịnh phải qua một trận lao đao.

Chính trực, vô tư

Một kỷ niệm buồn riêng tư xin viết ra đây như lời xin lỗi muộn màng với ông. Thời đó, tỉnh có chính sách cấp đất ở cho cán bộ nhưng cũng không sao cấp đủ hết cho mọi người. Khi các tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp giải thể, việc quản lý đất đai rất lỏng lẻo, nhiều người chỉ cần quan hệ tình cảm một vài két bia với ông chủ nhiệm này, tập đoàn trưởng khác là có thể được cấp vài trăm đến vài ngàn mét vuông đất. Thường vụ Tỉnh ủy ra nghị quyết xử lý nghiêm cán bộ nhận đất trái phép.

Tôi và cố nhà báo Hoàng Hùng là 2 cây bút xông xáo nhất, viết rất nhiều bài về cán bộ nhận đất. Trong đó có bài viết “Miếng đất này của ai?” viết về miếng đất nằm dọc quốc lộ ở đoạn Hướng Thọ Phú được lên nền mà dư luận cho rằng của ông. Sau đó, có thông tin phản hồi từ lãnh đạo xử lý trường hợp báo nêu. Phần đất ấy được giao cho một đơn vị ngành nông nghiệp.

Lúc đầu, chúng tôi phấn chấn mừng, ngỡ đâu nghị quyết đi vào cuộc sống, thế nhưng, sau đó, hầu như các vụ việc khác được báo đăng đều chìm vào im lặng, không ai bị xử lý cũng không ai trả lại đất như ông. Với chúng tôi, những người gây ra nguồn cơn phiền toái, ông vẫn quan hệ thân ái, vẫn tận tụy hợp tác, giúp đỡ và không hề phiền trách. Thái độ đó làm chúng tôi kính phục sự chính trực, chí công vô tư của ông.

Lần cuối cùng gặp ông năm 2007, xin ý kiến về việc huyện Thủ Thừa đồng ý cho Công ty Vĩnh Hằng đầu tư xây công viên nghĩa trang ở Mỹ Phú, vốn là nơi anh hùng Dương Văn Hữu nhân thành công nhiều loại giống lúa mới kháng rầy, kháng hạn, góp phần tăng năng suất. Vẫn với giọng từ tốn, ông phân tích với sự am hiểu sâu sắc hơn cả những người nông dân cố cựu.

Ông nói, đất Mỹ Phú vốn không phải là đất tốt, nó là rìa của Đồng Tháp Mười, đất sâu, phèn nặng. Cái đáng quý và đáng lưu giữ là công lao, kỹ thuật của người dân cải tạo hàng trăm năm qua để thành vùng đất đẹp. Và vẫn với sự nhỏ nhẹ nhưng không khoan nhượng trước cái sai, ông khẳng định, Long An đâu thiếu đất làm nghĩa trang mà đầu tư vào đó. Rất may, lãnh đạo tỉnh thời ấy lắng nghe ý kiến của những người tâm huyết, trong đó có ông.

Vĩnh biệt ông, vị "tư lệnh" ngành nông nghiệp tỉnh nhà suốt gần 30 năm, người trí thức chân thành yêu đất, yêu người, từ tốn mà không thỏa hiệp. Ông ra đi như lúa về với đất, một sự hoàn nguyên cho cuộc tái sinh./.

Lê Đại Anh Kiệt - Hoàng Khắc Tường

Chia sẻ bài viết