Tiếng Việt | English

12/11/2015 - 19:36

Vinh danh 522 tân giáo sư, phó giáo sư

522 tân giáo sư (GS), tân phó giáo sư (PGS) đã được vinh danh tại lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015 ngày 12-11 tại Hà Nội.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS cho các tân GS - Ảnh: Thu Hà

Đây là lần đầu tiên lễ công nhận và trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) sau nhiều năm sự kiện này liên tục được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Phát biểu chúc mừng các tân GS, tân PGS, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - khẳng định trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có sự đóng góp của đội ngũ trí thức, trong đó có các GS, PGS.

Ông Huynh đánh giá quy trình, tiêu chuẩn xét chọn chức danh PGS, GS đang từng bước được đổi mới, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là đất nước ta vẫn còn nghèo và tiếp tục đối mặt với nguy cơ tụt hậu.

“Chênh lệch về trình độ phát triển, hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cũng như về chất lượng giáo dục đào tạo còn lớn so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải vượt khó vươn lên. Ở điểm xuất phát thấp thì càng cần phải đổi mới mạnh mẽ, chủ động và tích cực hội nhập khu vực và thế giới về chất lượng, phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam” - ông Đinh Thế Huynh nói.

Số lượng, chất lượng khoa học GS, PGS còn “mỏng”

GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước- cho biết đến nay tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta là hơn 11.600 người, trong đó có gần 1.700 GS và gần 10.000 PGS. Tuy nhiên, trong đó nhiều người đã mất hoặc về hưu khiến lực lượng GS, PGS mới chưa đủ để thay thế bù kịp số cũ.

Kết quả, hiện tại nếu so sánh cụ thể thì thấy rõ số lượng và cả chất lượng khoa học của các GS, PGS Việt Nam - đỉnh cao nhất của các nhà giáo - còn khá “mỏng” so với dân số trên 90 triệu người và so với đội ngũ giảng viên ĐH.

Theo đó, chỉ 0,43 GS hoặc PGS trên một vạn dân, 5,8 GS hoặc PGS trên 100 giảng viên ĐH. Trong khi đó tỉ lệ này ở các nước cao hơn gấp nhiều lần. Ví dụ tỉ lệ GS hoặc PGS trên một vạn dân ở Trung Quốc là 3,85; ở Đức có 3 GS trên một vạn dân…

Tại đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2015, GS trẻ nhất được công nhận là phó viện trưởng ITIMS Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Văn Hiếu (43 tuổi, ngành vật lý), PGS trẻ nhất là Hồ Khắc Hiếu (ngành vật lý Trường ĐH Duy Tân).

Đặc biệt, tân GS trẻ nhất 2015 Nguyễn Văn Hiếu - tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình khoa học, trong đó có 85 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế ISI - cuất thân từ gia đình có bố mẹ là nông dân người Huế.

Năm 2015 cũng ghi nhận một cặp vợ chồng cùng được xướng tên trong bảng vàng tân PGS là PGS Phan Thị Phượng Trang (38 tuổi) và PGS Nguyễn Đức Hoàng (39 tuổi) cùng ngành sinh học, cùng công tác tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM.

Riêng tân GS Lê Thị Thanh Nhàn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học ĐH Thái Nguyên - đã trở thành nữ GS toán học thứ hai của nước ta. 35 năm trước đó, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính (hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long) là nhà khoa học nữ đầu tiên được công nhận chức danh GS của ngành toán học.

Lương 3-4 triệu đồng/tháng, làm sao yên tâm nghiên cứu?

Đại diện cho các tân GS, PGS phát biểu tại buổi lễ, GS Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ niềm say mê, nỗ lực không mệt mỏi của cá nhân trong suốt thời gian dài để chạm được đến thành công ngày hôm nay.

Tuy nhiên, GS Nhàn khẳng định “thời chúng tôi và những thế hệ đi trước có thể ăn đói, chịu đựng khó khăn mà vẫn say mê làm khoa học và cống hiến, nhưng đừng yêu cầu các bạn trẻ thời nay phải như thế”.

Theo GS Nhàn, dù càng ít người giỏi chọn sự nghiệp nghiên cứu khoa học vì đây là con đường chông gai và “rất khó để làm giàu”, nhưng vẫn có những bạn trẻ dấn thân vào con đường nghiên cứu, vẫn có những người có nhiều công trình xuất sắc, nhiều người bỏ lại điều kiện ưu đãi ở nước ngoài trở về đất nước trong bối cảnh môi trường làm việc còn nhiều hạn chế.

“Sự thật là lương các đồng nghiệp của tôi ở Viện Toán học chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, lương của các GS như thầy tôi cũng chỉ 8-9 triệu đồng/tháng, như thế thì làm sao có thể yên tâm nghiên cứu khoa học”- GS Nhàn đặt vấn đề.

Tuy nhiên, GS Nhàn cũng cho rằng nếu co cơ chế, chính sách hợp lý từ Nhà nước, sự quan tâm tài trợ xứng đáng thì sẽ ngày càng thêm nhiều người trẻ chọn sự nghiệp khoa học và theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học chân chính. 

Tân GS, PGS một số ngành vẫn không có bài báo quốc tế

Theo GS Trần Văn Nhung, năm 2015 trong số 522 ứng viên có 165 người có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín, trong đó lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ có hơn 1.800 bài báo khoa học loại SCI, SCIE, ISI và Scopus.

Đặc biệt, hai tân GS, 16 tân PGS đã đem lại cho ngành vật lý thành tích nổi bật với số công trình công bố quốc tế của các GS, PGS mới đạt mức nhiều nhất: 655 bài (bình quân khoảng 36 bài/người).

Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, vẫn có một số ngành mà các ứng viên không có bài báo khoa học quốc tế, cũng như không có giải thưởng lớn về khoa học và công nghệ như ngành văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao, văn học, triết học - xã hội học - chính trị học, tâm lý học, kinh tế, ngôn ngữ học…

Ngọc Hà/tuoitre online

Chia sẻ bài viết