Tiếng Việt | English

28/09/2016 - 16:01

Vĩnh Hưng chấn chỉnh hoạt động nhạc sống

Hiện nay, loại hình nhạc sống, karaoke di động phát triển rầm rộ ở thành thị và nông thôn. Việc ca hát ồn ào, quá giờ quy định làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trước thực trạng này, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cố gắng khắc phục, chấn chỉnh để nhạc sống, karaoke di động hoạt động nền nếp hơn.


Nhạc sống, karaoke di động đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân nhưng phải hoạt động đúng giờ giấc, không gây ồn ào, phiền hà cho người khác

"Ca hát là niềm vui nhưng phải nền nếp"

Đó là ý kiến của đa số hộ dân ở huyện Vĩnh Hưng khi được hỏi về loại hình nhạc sống, karaoke di động. Theo anh Đức Huy, ở thị trấn Vĩnh Hưng, cuộc sống ngày càng phát triển nên nhu cầu giải trí của người dân ngày càng tăng, nhạc sống, karaoke di động hình thành là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giải trí nên không nên cấm. Tuy nhiên, ca hát là vui nhưng chủ cho thuê và người thụ hưởng nên hát với âm thanh vừa đủ nghe và dừng cuộc chơi đúng giờ quy định để mọi người xung quanh nghỉ ngơi.

Nhạc sống, karaoke di động bây giờ rất tiện, chỉ cần gọi điện thoại là chủ cho thuê chở dàn nhạc đến tận nơi phục vụ với giá rẻ từ 60.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/giờ. Hơn nữa, khi hát 5 giờ lại được khuyến mãi tặng thêm 1 giờ. Với sự tiện lợi, rẻ và đáp ứng được nhu cầu ca hát mọi lúc, mọi nơi nên đám cưới, đám giỗ, đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật,... người dân đều kêu nhạc sống, karaoke di động đến phục vụ.

“Nếu là đám tiệc thì có thể thông cảm vì cả năm mới có một lần. Còn đằng này, có vài người ngồi uống rượu cũng gọi nhạc sống đến hát. Uống càng say lại càng nổi hứng, "cháy hết mình", hát đến tận khuya. Ca hát, nhảy múa làm phiền những người sống xung quanh” - ông N.V.S, ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng bức xúc.

Không chỉ ca hát vào buổi tối sau ngày làm việc, ngay sáng sớm hay buổi trưa, nhạc sống, karaoke di động vẫn “hoành hành”. Ngày 21-9-2016, khi đi trên con đường nhựa về thị trấn Vĩnh Hưng, mới 9 giờ, đã nghe tiếng hát nhạc sống, karaoke di động phát ra. Nhóm người này nhậu say và hát đến tận 12 giờ trưa mới giải tán. Dù ca hát vào giờ này không vi phạm quy định giờ giấc nhưng cũng nên hạn chế vì buổi trưa là lúc mọi người cần nghỉ ngơi.

Trang bị máy đo độ ồn - liệu có hiệu quả?

Trên 20 năm cho thuê âm thanh, nhạc sống, ông Lê Văn Chiến, ở thị trấn Vĩnh Hưng biết rõ việc hát to sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hơn nữa, khi hát với âm lượng lớn thì thiết bị âm thanh của dàn nhạc dễ bị hỏng. Tuy nhiên, nhiều lần, ông phải “bấm bụng” chiều ý khách khi họ yêu cầu hát thêm giờ hoặc mở âm thanh lớn.

Ông Chiến nói rằng: “Những người yêu cầu mở âm lượng lớn hoặc hát thêm sau 22 giờ đa số đều say rượu nên có giải thích họ cũng không nghe. Nhưng từ khi UBND thị trấn Vĩnh Hưng mời tôi lên, cho ký cam kết hoạt động đúng giờ thì tôi có cơ sở giải thích với người thuê khi họ yêu cầu hát quá 22 giờ. Từ đó, tình trạng hát sau 22 giờ đã giảm - vì sợ bị phạt”.


Hiện nay, loại hình nhạc sống, karaoke di động phát triển rầm rộ ở thành thị và nông thôn

Không riêng gì ông Chiến, 76/76 hộ kinh doanh nhạc sống, karaoke di động trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng đều làm cam kết về giờ giấc hoạt động, được tuyên truyền các văn bản quy đinh về độ ồn để họ biết và thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu xử phạt hoạt động quá giờ dễ thực hiện thì trái lại, việc xử phạt tiếng ồn rất khó.

Tại hội nghị bàn về giải pháp chấn chỉnh hoạt động nhạc sống, karaoke di động do UBND tỉnh chủ trì vừa qua, các sở, ngành liên quan cho rằng: Muốn đo độ ồn phải thành lập đoàn kiểm tra và có phương tiện, nhưng khi thấy đoàn đến, mang theo máy đo độ ồn, người chơi sẽ vặn nhỏ âm lượng nên không có cơ sở để xử lý. Hơn nữa, máy đo độ ồn phải mua theo đúng quy chuẩn và người đo cũng phải thuộc đối tượng quy định được phép sử dụng nên nếu trang bị về cơ sở sẽ khó phát huy được tác dụng.

Tuy nhiên, ở huyện Vĩnh Hưng (huyện duy nhất trong tỉnh có 11 máy đo độ ồn được mua về với kinh phí gần 50 triệu đồng), hơn 1 tháng từ ngày mua về (tính đến ngày 24-9-2016), các máy đo độ ồn vẫn còn nguyên trong hộp, chưa sử dụng một lần và chưa trang bị về cho các xã, thị trấn. Nguyên nhân do chưa có người biết sử dụng và được quyền sử dụng.

Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Hưng - Võ Duy Huy Vũ thông tin: “Huyện sẽ mời đại diện các xã, thị trấn về tập huấn cách đo, các nghị định, quy chuẩn kỹ thuật khi sử dụng máy đo độ ồn; đồng thời, xin chủ trương UBND huyện cho Đội kiểm tra liên ngành huyện, cán bộ Địa chính-Môi trường ở các xã, thị trấn được phép sử dụng”.

Liệu rồi, máy đo độ ồn có phát huy hiệu quả hay rơi vào “vết xe đổ” như các tỉnh khác khi bỏ ra kinh phí trang bị máy móc nhưng sử dụng không hiệu quả. Ông Võ Duy Huy Vũ lý giải thêm: “Dù biết sẽ khó đo tiếng ồn nhưng nếu khi kiểm tra, người cho thuê và người thụ hưởng loại hình nhạc sống, karaoke di động nhìn thấy đoàn có phương tiện đo độ ồn, họ sẽ cảm thấy lo sợ, từ đó ý thức hơn trong sinh hoạt. Ngoài ra, máy đo độ ồn cũng sẽ dùng để kiểm tra đối với loại hình karaoke trong phòng nên sẽ không lãng phí”.

Tuyên truyền, cho ký cam kết, đưa vào quy ước ấp văn hóa, tiêu chí xét gia đình văn hóa và mua cả trang thiết bị đo độ ồn cho thấy, huyện Vĩnh Hưng rất nỗ lực trong việc chấn chỉnh hoạt động nhạc sống, karaoke di động. Tuy nhiên, hiệu quả bền vững vẫn là ý thức người dân và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Hơn nữa, theo ý kiến người dân, cần có một văn bản quản lý, xử phạt để đủ sức răn đe, nâng cao nhận thức của người chơi và người cho thuê./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết