Tiếng Việt | English

20/11/2019 - 17:00

Vĩnh Hưng: Hiệu quả từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Những năm gần đây, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An quan tâm, triển khai tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Khi lòng dân đã thuận

Đến các xã vùng biên của huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi không khó để bắt gặp những mô hình hay, công trình ý nghĩa được hình thành từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nhờ chọn việc làm cụ thể, thiết thực, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn xã Hưng Điền A được cán bộ, đảng viên và người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Đưa chúng tôi tham quan dọc theo tuyến đường cặp kênh Láng Vạt, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A - Trương Hồng Non phấn khởi: “Đây là “con đường dân vận” được hình thành từ ý Đảng, lòng dân. Trước đây, đường này nhỏ, hẹp, đi lại rất khó khăn, người dân ấp 3 tự nguyện đóng góp tiền của, hiến đất, hoa màu trị giá hàng tỉ đồng mở rộng tuyến đường với chiều dài gần 4km”.

Với sự chung tay, góp sức của người dân, đường giao thông nông thôn ngày càng được xây dựng khang trang

Theo ông Trương Hồng Non, xác định thực hiện phong trào “Dân vận khéo” là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, liên quan đến công tác vận động quần chúng, địa phương công khai tất cả nội dung liên quan đến XDNTM, từ các khâu lập đề án, kế hoạch, quy hoạch, nguồn vốn,... giúp người dân biết và tham gia đóng góp, giám sát tiến độ thi công. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay, hàng loạt công trình in đậm dấu ấn của công tác dân vận đã hình thành, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nhận thấy tiêu chí giao thông là rào cản lớn của các địa phương thuộc vùng trũng khu vực Đồng Tháp Mười, Ban Điều hành ấp và nhân dân ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị sớm có nhiều giải pháp, vận dụng sáng tạo nhằm huy động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông, tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương. Theo đó, nhiều cây cầu, tuyến đường giao thông nông thôn mđược xây mới thể hiện sự quyết tâm của Ban Điều hành ấp trong công tác tuyên truyền, vận động, nhất là sự đồng thuận của người dân, sự gương mẫu, đi đầu của đảng viên trong thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ông Mai Văn Trung, ngụ ấp Rọc Đô, là gương điển hình tiêu biểu trong đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương. Thời gian qua, bản thân ông hỗ trợ và “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân đóng góp hơn 300 triệu đồng thay nhiều cây cầu vỉ (gỗ) bằng cầu bêtông, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

“Tôi nghĩ, mỗi người dân nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương XDNTM, vì mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân, đời sống được tốt hơn. Biết đất là quý, giá trị của nó tăng lên mỗi ngày, nếu bán thì chúng tôi có một khoản tiền để phát triển kinh tế gia đình, nhưng điều quan trọng ở đây là mình phải đóng góp thiết thực để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh” - ông Mai Văn Trung bộc bạch.

Giữ gìn an ninh, trật tự

Với nhiều cách làm sáng tạo, khéo léo trong vận động, tuyên truyền, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, các xã vùng biên không ngừng củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt, nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, không để các vụ việc phức tạp xảy ra.

Một trong những hiệu quả rõ nét của phong trào “Dân vận khéo” ở xã Thái Bình Trung là sự vào cuộc, chung tay của người dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Theo Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Trần Thị Yến, nhờ “Dân vận khéo” mà các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội. Đến nay, các tổ tự quản, an ninh, dân phòng được củng cố và hoạt động nề nếp. Các mô hình: Tiếng kẻng vùng biên, Loa ANTT, Camera ANTT, Ánh sáng ANTT,... hoạt động hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng.

“Để chủ động trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở, Công an xã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch về ANTT, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, lực lượng Công an xã còn thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của địa phương; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết bảo đảm giữ gìn ANTT, an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn” -  ông Trương Hồng Non bày tỏ.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong XDNTM” ở huyện Vĩnh Hưng ngày càng triển khai rộng khắp, phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống người dân vùng biên ngày càng cải thiện./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết